Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Giáo sư ngành Ngoại giao với cuốn sách phi lợi nhuận

BÁO QUỐC TẾ 12:13 21/11/2021

Tôi được nghe Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương (Học viện Ngoại giao) kể về một chương trình từ thiện đặc biệt.

Cầm trên tay cuốn sách 'Quan hệ Mỹ - Trung Quốc thăng trầm theo dòng lịch sử văn hóa', tôi được nghe Đại sứ, GS.TS Nguyễn Thái Yên Hương (Học viện Ngoại giao) kể về một chương trình từ thiện đặc biệt của các giảng viên, nhà nghiên cứu. Từ đó, tôi hiểu được cách mà những người tri thức lựa chọn để “cho đi”...

Giáo sư ngành Ngoại giao với cuốn sách phi lợi nhuận
Nhóm tác giả sách của Học viện Ngoại giao trao tặng nhu yếu phẩm tới 23 chốt kiểm soát và 6 tổ kiểm tra cơ động phòng, chống dịch Covid-19 của Công an thành phố và 300 người dân yếu thế, người dân ngoại tỉnh bị mắc kẹt tại Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19. (Ảnh: NVCC)
Động lực nào để Giáo sư và nhóm tác giả cuốn sách “Quan hệ Mỹ - Trung Quốc thăng trầm theo dòng lịch sử văn hóa” thực hiện chương trình bán sách gây quỹ từ thiện giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?

Thời gian qua, tôi theo dõi rất sát các phương tiện truyền thông đưa tin về hoạt động thiện nguyện giúp đỡ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tôi thực sự cảm động trước cử chỉ trao yêu thương dù là rất nhỏ của nhiều người dân trong xã hội, góp phần vào chiến dịch thiện nguyện tổng lực ở những tâm dịch của đất nước. Cụ bà 90 tuổi chọn những loại lương thực ngon nhất, quý nhất trong nhà hỗ trợ đồng bào miền Nam; cậu bé 7 tuổi “đập lợn” tiết kiệm, ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19…

Tôi cảm nhận rằng, giới trí thức thường tham gia hoạt động thiện nguyện cộng đồng thông qua các hình thức như phong trào tại cơ quan, đoàn thể. Đôi khi do tính chất, môi trường công việc, giới trí thức không có điều kiện gần gũi, bám sát đời sống của người dân. Lúc này, tôi chỉ đơn giản muốn xã hội hiểu rằng, xuất phát từ “tính thiện” sẵn có trong mỗi con người Việt Nam, giới trí cũng có thể góp sức mình cho hoạt động xã hội này.

Cuốn “Quan hệ Mỹ - Trung Quốc thăng trầm theo dòng lịch sử văn hóa” là công trình nghiên cứu tâm huyết được triển khai trong vài ba năm của nhóm tác giả do tôi làm trưởng nhóm (chủ biên). Giai đoạn chuẩn bị in, xuất bản sách cũng đúng vào thời điểm dịch bệnh bùng phát căng thẳng nhất ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong đó có Hà Nội. Do vậy, rất nhiều người dân gặp khó khăn khi mất việc làm, những lao động chân tay nhập cư “bế tắc”, trông chờ vào sự giúp đỡ của những người may mắn hơn.

Tôi nêu ra ý tưởng bán sách làm từ thiện và được các thành viên trong nhóm, bạn bè hưởng ứng nhiệt tình. Thực ra ý định ban đầu của nhóm tác giả là dùng tiền nhuận bút của mình và đóng góp thêm để cùng nhau in được công trình nghiên cứu của mình ở một nhà xuất bản có uy tín của Việt Nam. Thế nhưng, nhóm tác giả quyết định sử dụng toàn bộ tiền bán sách để giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Đặc biệt, những người mua sách chắc chắn cũng ấm lòng khi họ biết thông qua hành động nhỏ của mình, họ vừa nhận được kiến thức từ một công trình khoa học nghiêm túc lại vừa góp phần vào hoạt động rất nhân văn, từ đó để thấy mỗi người đều có cách trao gửi yêu thương của riêng mình, sự cho đi và tình người luôn còn mãi…

Lúc đầu, tôi dự định sau khi sách xuất bản (đầu tháng 11) mới bán sách, thực hiện các hoạt động thiện nguyện để bà con kịp đón Tết. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh căng thẳng, mọi người đều nói với tôi rằng, các công tác thiện nguyện cần làm ngay bởi khi kéo dài thời gian, nhiều bà con sẽ rất khó khăn cầm cự. Tôi chợt nhận ra rằng, khi mình không gần người dân thì thật khó để hiểu được tình hình thực tế đang diễn ra như thế nào, dù ý định hay tâm nguyện của mình có tốt vẫn sẽ không kịp thời. Do vậy, tôi và nhóm tác giả sách quyết định ứng tiền của cá nhân để làm các hoạt động thiện nguyện trước, song song với in sách và bán sách theo bạn đọc đăng ký.

Giáo sư ngành Ngoại giao với cuốn sách phi lợi nhuận
Cuốn sách “Quan hệ Mỹ - Trung Quốc thăng trầm theo dòng lịch sử văn hóa”. (Ảnh: NVCC)

Tôi hy vọng chương trình nhỏ xuất phát từ những rung động đời thường - muốn chia sẻ, muốn giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình, sẽ tạo ra được một lối suy mới cho cán bộ nghiên cứu và giảng viên trẻ. Không phải giới nghệ sĩ, doanh nhân mới có thể làm từ thiện, trí thức hoàn toàn có thể lan tỏa những giá trị của thiện nguyện theo cách của riêng mình.

Chương trình thiện nguyện đã được hưởng ứng như thế nào?

Hoạt động bán sách làm từ thiện được hưởng ứng nhiệt tình từ nhiều người trong, ngoài ngành đối ngoại. Số lượng sách làm theo dạng giới hạn, có chữ ký của sáu tác giả được in ra đã “cháy hàng”. Có lẽ, khó có một công trình nghiên cứu nào có được sự tỉ mỉ và thông điệp ý nghĩa như thế.

Ngoài việc mua sách, nhiều bạn bè, học sinh của tôi còn tình nguyện đóng góp thêm cho công tác từ thiện. Họ mua sách về không chỉ để đọc mà còn để tặng bạn bè, đồng nghiệp hay người thân. Nguyên Thứ trưởng, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã đặt tôi 10 cuốn, ông chia sẻ “muốn để những cuốn sách này trên kệ sách để có thể tặng bạn bè trong những dịp phù hợp”.

Nhiều người mong muốn ý tưởng này được phát triển, nhân lên, nhưng ai sẽ là người dẫn những ý tưởng này được đi tiếp? Đây là câu hỏi lớn và cũng là một trăn trở còn đọng lại trong tôi.

Nhiều người nói tôi “liều”, “thả gà ra bắt”… Bản thân tôi cũng không biết gọi tên ý tưởng và hành động của chúng tôi như thế nào nhưng đến bây giờ thì tôi cảm thấy hài lòng, ấm áp và nhẹ lòng.

Những đêm thao thức nghiên cứu của chúng tôi được đổi lại là nụ cười của người dân cầm trên tay những phần quà giúp họ phần nào vượt qua được những tháng ngày không thu nhập, không việc làm.

Đó là một “phần thưởng” khó có thể được định giá với những thành viên tham gia chương trình.

Giáo sư có thể chia sẻ đôi điều về cuốn sách còn “nóng hổi” này?

Mọi người đa phần tiếp cận quan hệ Mỹ-Trung Quốc thông qua cách tiếp cận cập nhật thông tin hoặc chuyên ngành mình nghiên cứu. Tuy nhiên, cuốn sách “Quan hệ Mỹ-Trung Quốc thăng trầm theo dòng lịch sử văn hóa” nhìn nhận mối quan hệ này từ góc độ lịch sử, văn hóa theo chiều dài hàng trăm năm qua.

Tôi mong muốn người đọc hiểu được mạch quan hệ Mỹ-Trung Quốc, từ đó hiểu được chính sách đối ngoại của họ; xa hơn là hiểu được chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam với các nước lớn. Biết đâu, cũng chính thông qua chương trình bán sách làm từ thiện này của nhóm tác giả, nhiều người có dịp tiếp cận sách, với những thông điệp mà chúng tôi muốn nhắn gửi thông qua công trình nghiên cứu của mình.

Tôi cùng với Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao đang lên kế hoạch cho một dự án sách giáo trình nghiên cứu Hoa Kỳ. Cuốn sách hy vọng có thể xuất bản vào năm 2022, góp phần cho việc mở chuyên ngành Hoa Kỳ học, trong chương trình châu Á-Thái Bình Dương tại Học viện Ngoại giao.

Giáo sư ngành Ngoại giao với cuốn sách phi lợi nhuận
Giáo sư Nguyễn Thái Yên Hương cho rằng tình thương đối với học trò là điều đáng trân quý nhất. (Ảnh: NVCC)

Nhân ngày 20/11, xin phép lại được nói về “người thầy”, Giáo sư suy nghĩ như thế nào về vai trò của “người thầy” trong thời đại 4.0?

Dù là bất cứ thời đại nào, truyền thống, hiện đại hay công nghệ số, “người thầy” vẫn là người thầy. Dịch bệnh Covid-19 mang đến không ít thách thức cho ngành giáo dục và toàn bộ hệ thống đào tạo. Việc học trực tuyến tạo ra nhiều tranh luận trong xã hội về những mặt thuận lợi và khó khăn.

Tôi nghĩ rằng, mỗi người thầy nên hiểu được rằng do thói quen nghề nghiệp, có những điều cứng nhắc khó thay đổi nhưng nên thích ứng với môi trường xung quanh, hoàn cảnh của đất nước; kết hợp chọn lọc những phương pháp giáo dục tiên tiến được các nước phát triển áp dụng phù hợp với điều kiện, bối cảnh và văn hóa của Việt Nam.

Điều quan trọng nhất là “cái tâm” của người thầy cần được duy trì dù mọi thứ xung quanh có đổi thay theo các trào lưu thời đại. Hơn bao giờ hết, trước những khó khăn hiện nay, giáo viên nên sẵn sàng đối thoại với học sinh, sinh viên để hiểu được học trò.

Từ khi giảng trực tuyến, nhất là năm học mới này, tôi gần như còn kiêm thêm việc “tư vấn viên” cho sinh viên mới nhập trường. Tuy bận nhưng tôi thấy ấm áp.

Hiện nay, khi các phương pháp giảng dạy được thay đổi và đa dạng hóa, mỗi giáo viên cũng cần “làm mới” bài giảng của mình bằng nhiều hình thức khác nhau để truyền tải tốt nhất kiến thức tới học sinh.

Ví dụ, với tôi, trong quá trình giảng dạy Hoa Kỳ học hay phân tích sự kiện quốc tế tôi luôn cố gắng sáng tạo để sinh viên có cơ hội tiếp thu kiến thức từ lý thuyết đến thực tiễn một cách linh hoạt nhất. Bài tập mô phỏng ở môn Hoa Kỳ học hay phân tích một sự kiện đang diễn ra trên thế giới theo góc độ chuyên ngành được tích cực triển khai.

Gần 40 năm đứng trên giảng đường, điều gì ở “người thầy” mà Giáo sư tâm đắc và trân quý nhất?

Gắn bó với công tác giảng dạy và nghiên cứu từ khi mới vào ngành tới khi mái đầu đã trở bạc thì tôi luôn tin đó không chỉ giản đơn là một sự lựa chọn ngẫu nhiên trong cuộc đời, đúng hơn nghề đã lựa chọn tôi.

Tôi từng là một học trò “cá tính”, vì vậy, mấy chục năm đứng trên giảng đường tôi luôn tâm niệm rằng, tình thương đối với học trò là điều đáng trân quý nhất.

Người thầy dù ở thời đại và hoàn cảnh nào, phải vừa dạy học trò kiến thức vừa dạy làm người. Tôi coi đó là “kim chỉ nam” trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu gần 40 năm của mình.

Người thầy dù ở thời đại và hoàn cảnh nào, phải vừa dạy học trò kiến thức vừa dạy làm người. Tôi coi đó là “kim chỉ nam” trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu gần 40 năm của mình.

“Phần thưởng” từ học sinh dành cho giáo viên chúng tôi cũng quý giá lắm! Bạn có thể tưởng tượng được giờ giảng trực tuyến, đôi khi các em sinh viên mới vào học ở Học viện Ngoại giao, trước giờ lên lớp có những icon (biểu tượng) rất dễ thương gửi tôi và nói: “Con rất mong chờ buổi học ngày mai cô ạ”.

Mới đây, trong cuộc hội thảo về xây dựng môn học mới của Học viện Ngoại giao, có một điều thú vị là bài tham luận của tôi và một giáo sư nước ngoài có cách tiếp cận tương đồng khi dùng “văn hóa chính trị” để lý giải cho chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Hai người không hề biết nhau trước đó.

Giáo sư Les Prestre chia sẻ với tôi là ông rất vui khi biết được ở Việt Nam cũng có người có cách tiếp cận tương đồng. Tôi thấy vui là ít nhiều cá nhân mình cũng không lạc hậu so với thế giới.

Đó là những phần thưởng, tình cảm vô giá đối với mỗi người thầy!

Báo Quốc tế

Link gốc : https://baoquocte.vn/giao-su-nganh-ngoai-giao-voi-cuon-sach-phi-loi-nhuan-165342.html

Bạn đang đọc bài viết Giáo sư ngành Ngoại giao với cuốn sách phi lợi nhuận tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành