Hà Nội, Thứ Ba Ngày 19/03/2024

Bộ Xây dựng: Rà soát, cắt bỏ 'giấy phép con' ảnh hưởng đến doanh nghiệp

NGƯỜI ĐƯA TIN 20:27 10/10/2021

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đăng tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký ban hành quyết định số 1188/QĐ-BXD về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19.

Theo Quyết định số 1118/QĐ-BXD, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trực tiếp làm Tổ trưởng, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh làm Tổ phó thường trực.

Tổ công tác đặc biệt có thành viên tham gia là các lãnh đạo cục, vụ trực thuộc như: Cục Kinh tế xây dựng, Quản lý hoạt động xây dựng, Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Công tác phía nam, Phát triển đô thị, Hạ tầng kỹ thuật, Quản lý Nhà và thị trường bất động sản và các vụ: Pháp chế, Quản lý doanh nghiệp, Quy hoạch - Kiến trúc, Vật liệu xây dựng, Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ.

Tổ có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Tổ công tác đặc biệt này cũng chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19”, tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Định kỳ hằng tháng hoặc khi cần thiết, Tổ công tác tổng hợp tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân theo thẩm quyền của Bộ Xây dựng, đề xuất phương án giải quyết vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện đã tác động xấu đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội; trong đó các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp rất nhiều khó khăn tương tự như các lĩnh sản xuất kinh doanh khác.

Theo chia sẻ trên tạp chí Bất động sản Việt Nam của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), bất động sản không xin Chính phủ hỗ trợ tiền mà chỉ xin Nhà nước tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật.

Trong gần 2 năm ảnh hưởng do dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng cũng đang cầm cự mong qua thời điểm khó khăn. Nhiều Hiệp hội nghề nghiệp đã có báo cáo kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành về một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn.

Theo TTXVN, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. VACC đề nghị bổ sung các chi phí như phòng dịch bắt buộc, tạm dừng thi công chờ việc, kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân… vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Theo VACC, trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp xây dựng đều rất khó khăn nên Hiệp hội xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ một số biện pháp. Cụ thể là dừng thu bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối năm cho tất cả các lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng. Vì lao động thời vụ nông nhàn là một đặc thù của ngành xây dựng Việt Nam. Thế nhưng, hiện nay do tình hình dịch bệnh, công việc phải dừng, về quê thì không được mà ở lại cũng không có thu nhập. Đây là một vấn đề bức xúc mà toàn bộ các doanh nghiệp xây dựng đều mong được quan tâm xử lý.

Về tài chính doanh nghiệp, VACC cũng đề nghị giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý II/2021 sang đầu năm 2022 (các khối lượng nghiệm thu hoàn thành đến quý II/2021 đã xuất hóa đơn nhưng chưa được thanh toán); đồng thời, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021 cho tất cả các doanh nghiệp xây dựng.

Bên cạnh đó, VACC đề xuất, các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án nhưng phải dừng thi công do giãn cách chống dịch được tính lãi suất 0%; hoãn nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021; đồng thời có phương án giảm giá thuê đất đặc biệt đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất.

Đặc biệt, VACC đề nghị Bộ Xây dựng yêu cầu các Sở Xây dựng địa phương cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá vật liệu xây dựng để áp dụng cho công trình dùng vốn ngân sách; có được đơn giá chính xác, phù hợp tránh làm thiệt thòi cho các nhà thầu xây dựng.

Thị trường bất động sản đã "trục trặc" trước khi Covid-19 bùng phát

Chia sẻ trên báo VietNamNet, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, từ trước khi Covid-19 bùng phát, thị trường bất động sản đã "trục trặc" về khung pháp lý. Đầu tiên là khung pháp lý cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng chưa ổn. Thứ hai là vấn đề về Luật Đất đai chưa được giải quyết.

Mới đây, tại tọa đàm: "Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới", ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Nhà nước cũng rất quan tâm đến vấn đề về môi trường pháp lý. Trong thời gian qua, cơ quan quản lý Nhà nước đã đẩy mạnh sửa đổi, bổ sung các quy định tháo gỡ cho thị trường bất động sản nhưng vẫn còn nút thắt.

Theo ông Khởi, trong vài năm qua, có khoảng 5.000 dự án bất động sản được triển khai, đã có dự án hoàn thành, nhưng còn hàng nghìn dự án đang triển khai. Nhiều dự án trong số đó đang triển khai hoàn thiện pháp lý, có thể kéo dài sang năm 2022 hoặc lâu hơn nữa mới hoàn thành nên cung thị trường vẫn sẽ bị ảnh hưởng.

Vị Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cho biết Bộ Xây dựng đã cùng với các bộ, ngành khác tìm cách tháo gỡ bằng việc sửa Luật Đầu tư 2020 và Luật Xây dựng. Thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã ra nhiều Nghị định liên quan đến BĐS trong đó có Nghị định về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, Nghị định 30, Nghị định 49…

“Trong năm nay, có 2 văn bản pháp lý sẽ được ban hành. Đó là Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định về hệ thống thông tin thị trường bất động sản. Chúng tôi dự báo 2 văn bản này sẽ tác động rất lớn đến thị trường”, ông Khởi nói.

Tuệ Minh (tổng hợp)

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/bo-xay-dung-cat-bo-giay-phep-con-anh-huong-den-doanh-nghiep-a530245.html

Bạn đang đọc bài viết Bộ Xây dựng: Rà soát, cắt bỏ 'giấy phép con' ảnh hưởng đến doanh nghiệp tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành