KH&CN từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu tại Hội nghị đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương những đóng góp, cống hiến to lớn của đội ngũ trí thức KH&CN, của nhiều thế hệ các nhà khoa học nước nhà, của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định, xuyên suốt chiều dài lịch sử, cha ông ta luôn quý trọng hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu. Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài”. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển KH&CN và đội ngũ trí thức trong tất cả các lĩnh vực.
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, thời gian qua, Liên hiệp Hội đã phát huy tối đa vai trò là hạt nhân tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo. Liên hiệp Hội là một trong những cái nôi ươm mầm KH&CN hiệu quả, môi trường thuận lợi để tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN trong và ngoài nước, phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân của đội ngũ trí thức, là nơi để các trí thức KH&CN thể hiện trí tuệ, sức sáng tạo và có những đóng góp tích cực cho đất nước.
“KH&CN từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực KH&CN của đất nước được tăng cường. Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Hiệu quả hoạt động KH&CN được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo”.
Đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và trí thức KH&CN nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Cuộc sống của nhiều nhà khoa học còn đối mặt với khó khăn, vất vả nhưng hết lòng, hết sức cống hiến cho khoa học, cho đất nước. Điều đó thật đáng trân trọng và tôn vinh”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, KH&CN nước ta vẫn còn những hạn chế. Đội ngũ trí thức KH&CN chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, chưa đáp ứng được những mong muốn và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Số cán bộ KH&CN tuy gia tăng về số lượng nhưng thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực mũi nhọn. Chưa tạo được phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, KH&CN chưa thực sự gắn chặt với thị trường. Các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội còn ít.
Trong 10 năm qua, số lượng công trình khoa học của Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín đã có tăng nhưng còn hạn chế... Việc tham gia tổng kết thực tiễn, những cách làm hay, sáng tạo, có tính đột phá còn hạn chế. Không ít công trình, đề tài, dự án các nhà khoa học phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện chứng từ, thủ tục thanh, quyết toán, thậm chí phải dùng nhiều biện pháp hành chính, kỹ thuật...
Hệ thống tổ chức, bộ máy của Liên hiệp Hội còn một số bất cập; nội dung, phương thức hoạt động chưa có nhiều đổi mới, chưa tạo được môi trường thuận lợi để khuyến khích, truyền cảm hứng cho đội ngũ trí thức tích cực đổi mới, sáng tạo và có nhiều đóng góp vào những vấn đề lớn của đất nước.
Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu
Thủ tướng nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, yêu cầu phải có hành động để quản lý sự thay đổi. Chúng ta cần thay đổi tư duy và hành động gắn với bối cảnh thế giới hiện nay, gắn với phát triển khoa học và đội ngũ trí thức.
“Thế giới của ngày hôm nay sẽ không phải là thế giới của ngày hôm qua do sự phát triển như vũ bão của KH&CN. Những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay nếu quay trở lại mấy chục năm trước có lẽ chúng ta chỉ tưởng tượng trong phim khoa học viễn tưởng như sự kết nối qua không gian mạng hay phát minh trí tuệ nhân tạo, người máy...
Khoa học trên thế giới đã thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sự phát triển, ứng dụng của KH&CN được coi là sức mạnh mềm, biên giới mềm, thậm chí là chiến lược cạnh tranh quốc gia”, Thủ tướng phát biểu và nhấn mạnh: Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn toàn cầu và đòi hỏi sự thay đổi tư duy nhìn về thế giới, nhìn ra thế giới, tư duy quản trị đất nước nếu chúng ta không muốn là “một cỗ xe ngựa” sau khi thế giới đã phát minh ra xe ô tô. Nếu không đổi mới, chúng ta sẽ ở lại phía sau.
Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển KH&CN trong mọi mặt của đời sống đất nước. “Nhưng nhìn ra thế giới, đánh giá thực trạng trong nước và nghe tâm tư, nguyện vọng của các đồng chí, chúng ta còn rất nhiều việc phải tư duy, suy nghĩ, trăn trở. Nhiều trí thức muốn có hệ sinh thái KH&CN rộng lớn hơn để phát triển ý tưởng, phương pháp, cách làm và sản xuất ra sản phẩm có giá trị, có hàm lượng KH&CN cao hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước; cần chính sách để phát hiện tài năng, thu hút và cống hiến… Hội nghị hôm nay cũng là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại, đánh giá và giải quyết các vấn đề mà chúng ta đều thấy trăn trở”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng đánh giá, Hội nghị đã tập trung vào những nội dung chính để giải quyết mong muốn và khát vọng đóng góp của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các nhà khoa học cũng muốn biết cụ thể Chính phủ muốn gì từ các nhà khoa học để mỗi chúng ta cùng đóng góp xây dựng đất nước ngày càng phát triển hơn.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng ta xác định quan điểm phát triển đất nước “phải bằng và dựa vào KH&CN”, “phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Đại hội XIII của Đảng xác định 6 trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 12 nhiệm vụ chủ yếu, đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới, tư duy khoa học mới gắn với những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn đời sống, nhất là đưa KH&CN trở thành động lực phát triển, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng nêu rõ.
Nghị quyết Đại hội cũng xác định, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn kết hài hòa, hiệu quả với phát triển KH&CN và đội ngũ trí thức tâm huyết, đam mê, yêu khoa học, yêu đất nước và con người Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi, với vai trò là tổ chức đại diện cho trí thức KH&CN, Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt chính trị, động viên các hội viên triển khai hiệu quả 07 nội dung hoạt động được xác định trong Điều lệ theo Quyết định 1795/QĐ-TTg ngày 21/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng "đặt hàng" các nhà khoa học
Lấy nhiều ví dụ về các vấn đề khoa học đặt ra từ thực tiễn phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, xuất phát từ thực tiễn để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép. Nhiều nhà khoa học đã rất tâm huyết, trách nhiệm góp ý với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, ghi nhận và rất trân trọng các ý kiến này.
Ông cũng cho rằng, việc triển khai nhiệm vụ này phải dựa trên căn cứ khoa học, nhưng việc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch tới cấp cơ sở, tới người dân phải rất giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện… Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học phát huy hơn nữa vai trò và uy tín của mình trong hỗ trợ công tác thông tin, truyền thông để phổ biến rộng rãi, giải thích rõ ràng với nhân dân về khía cạnh, góc nhìn khoa học của những biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ. Làm sao để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm có hiệu quả cùng với hệ thống chính trị của chúng ta.
Thủ tướng gợi mở một số đề tài, nội dung lớn mà các nhà khoa học, các trí thức cần tập trung nghiên cứu thời gian tới, như tiếp tục tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, việc xây dựng nền dân chủ XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; vấn đề chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số...; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, già hóa dân số…; các vấn đề cấp bách, bất ngờ như COVID-19 (nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị, phát triển công nghiệp dược)…
Nhấn mạnh yêu cầu tập trung nghiên cứu để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, mà đất nước đang cần, Thủ tướng Phạm Minh Chính kể lại câu chuyện về một hội thảo quốc tế về san hô đỏ dự kiến được tổ chức tại Việt Nam. Các cơ quan liên quan đều đã đồng ý, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó chỉ hỏi một câu là “Việt Nam có nhà khoa học nào trong lĩnh vực này không”? Khi được biết câu trả lời là không, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định không tổ chức hội thảo nữa.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chiến lược phát triển KH&CN, đi cùng với cơ chế, chính sách và sự đầu tư để khuyến khích, tạo môi trường cho các nhà khoa học cống hiến… Cùng với đó, tăng cường hợp tác công – tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới, sáng tạo, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước… Thủ tướng nhấn mạnh, “trong văn hóa có khoa học, trong khoa học có văn hóa” và truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc cũng là một nguồn lực phát triển cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.
“Tôi thật sự suy nghĩ rất nhiều về tình trạng “chảy máu chất xám” hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước chúng ta. Truyền thống và trí tuệ của Việt Nam thật sự là tài nguyên quý giá của đất nước. Nhưng một câu hỏi rất lớn đặt ra – đó là chúng ta đã khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên trí tuệ đó như thế nào? Đã hợp lý chưa? Có lãng phí không? Có cầu toàn, nóng vội không? Tất cả những người có trách nhiệm đều đau đáu về những câu hỏi đó”, Thủ tướng chia sẻ. Ông mong muốn, các đại biểu, các nhà khoa học vì trách nhiệm với đất nước, với Liên hiệp Hội sẽ nghiên cứu cụ thể nguyên nhân, hạn chế, gợi ý giải pháp thiết thực cho Chính phủ để giải quyết từng bước tình trạng này.
“Tôi cũng muốn đặt hàng các đồng chí về đề tài này để là nguồn tài liệu quý giá Chính phủ nghiên cứu và hoàn thiện chính sách, tổ chức bộ máy, con người...”, Thủ tướng chia sẻ và yêu cầu các địa phương cũng phải quan tâm hơn nữa tới phát triển KH&CN, cầu thị lắng nghe các ý kiến phản biện của các nhà khoa học, kể cả ý kiến trái chiều.
Thủ tướng nhắc lại, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 1 của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để Nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống Nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các cô chú”. Thủ tướng đề nghị thực hiện có hiệu quả lời căn dặn của Bác để góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, phát triển và thịnh vượng.
Ông nhấn mạnh, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải giữ vững bản lĩnh, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, kể cả ý kiến trái chiều, để xem xét, quyết định, nhất là những vấn đề mới, có tính đột phá, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.