Chiều 9/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp để làm rõ nguyên nhân khan hiếm nguồn cung xăng dầu, bình ổn thị trường xăng dầu trong nước, không để ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Từ tháng 3, nguồn cung xăng dầu có thể giảm
Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết, với nhu cầu khoảng 1,8 - 2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022.
Từ tháng 3/2022, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường. Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 15/3/2022.
Hiện, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (nếu Nhà máy lọc dầu Nghị Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất như kế hoạch).
Theo ông Đông, hiện Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20/2/2022 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký. Lượng bán xăng dầu ra thị trường của Petrolimex trong tháng vừa qua đã tăng khoảng 30% so với các tháng thông thường. Ngoài ra, các thương nhân đầu mối xăng dầu khác cũng đang tích cực triển khai việc ký kết, nhập khẩu xăng dầu.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, từ ngày 28/1/2022 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại một số địa phương như Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động.
Nguyên nhân là do không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao do nhu cầu đi lại, không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng.
Là một trong những địa bàn trọng điểm phía Nam, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Thị Thắng cho biết, sáng qua Thành phố cũng tổ chức cuộc họp khẩn với các đơn vị chức năng liên quan để nắm tình hình cung cầu xăng dầu trên địa bàn thành phố.
Theo đó, hiện nay, toàn Tp.HCM có có 548 cửa hàng xăng dầu, trong đó, 2 cửa hàng đang sửa chữa nên đóng cửa chứ không phải vì lý do khan hiếm hàng.
“Các doanh nghiệp trên địa bàn thực chất cũng khó khăn về nguồn cung nhưng đều cam kết thực hiện nghiêm, không có hiện tượng thao túng thị trường, ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt của người dân”, bà Thắng thông tin.
Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 19/457 cửa hàng đang tạm nghỉ hoặc dừng hoạt động do hết xăng dầu, không còn nguồn để bán. Những cửa hàng này nhập xăng dầu từ nhiều đầu mối khác nhau.
Ngày 8/2, làm việc với Xăng dầu Nam Tây Nguyên, lãnh đạo đơn vị này cho biết doanh nghiệp vẫn đảm bảo nguồn cung cho sản xuất và tiêu dùng với liều lượng đảm bảo. Tính đến trưa nay (9/2), đơn vị này vẫn đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu trên thị trường.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh trong thời tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường, kiểm tra giám sát để đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu. Nếu phát hiện cửa hàng nào găm hàng và tăng giá, tỉnh sẽ xử lý nghiêm.
Giải pháp nào đảm bảo nguồn cung xăng dầu?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, nguồn cung xăng dầu trong nước đến nay vẫn đảm bảo. Trong nước, hiện tại có 3 nhà máy là Nghi Sơn, Dung Quất, Bình Sơn đang đáp ứng 75% nhu cầu thị trường, vậy là cần nhập khẩu 25%.
Các doanh nghiệp cần có thời gian để nhập khẩu 25% này nên thị trường có chút “trục trặc”. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống.
Riêng với PVN, Thứ trưởng yêu cầu cần có thông báo sớm, cụ thể, chi tiết về tình hình cung ứng để các doanh nghiệp xăng dầu chủ động có kế hoạch nhập khẩu bù vào khoản thiếu hụt đó. Thứ trưởng khẳng định, cần kiên quyết xử lý các vi phạm nếu không có lý do chính đáng, đình chỉ hoạt động của cửa hàng.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 10 giải pháp nhằm ổn định thị trường xăng dầu trong nước. Trước hết, ông yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Đối với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, Bộ trưởng yêu cầu phải lên kế hoạch nhập khẩu bảm đảm nguồn cung trong mọi tình huống. “Dứt khoát không để thiếu xăng dầu. Đây là mệnh lệnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp tiến hành tổng kiểm tra, rà soát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, yêu cầu các cơ sở kinh doanh có kế hoạch nhập hàng để bảo đảm duy trì bán hàng liên tục; niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết... Bên cạnh đó, các Cục QLTT trên địa bàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất (với tần suất 1-2 ngày/lần) để kịp thời xử lý.
Đáng chú ý, đối với Bộ Tài chính (cụ thể là Cục Quản lý giá), Bộ trưởng đề nghị rà soát và tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thời giá hiện hành và thực tế chi phí phát sinh trong kinh doanh xăng dầu hiện nay nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các bên.
Đồng thời, Bộ đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Công Thương linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu nhằm bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới. Khuyến khích các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có thể nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác nhau để kịp thời bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.
Trong trường hợp nguồn cung xăng dầu trong nước gặp khó khăn, cho phép Bộ Công Thương sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ quốc gia để bù đắp và bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Trước đó, chiều 8/2, chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương đảm bảo cân đối giữa sản xuất và nhập khẩu xăng dầu, có kế hoạch chi tiết, chính xác hơn, đảm bảo chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa mặt hàng này.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rà soát kỹ cơ chế, chính sách hiện hành về quản lý xăng dầu. Từ đó, Bộ đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp bởi đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa và đời sống người dân