Hà Nội, Thứ Hai Ngày 29/04/2024

Làm chậm tiến độ lập quy hoạch, gây lãng phí: Ai chịu trách nhiệm?

NGƯỜI ĐƯA TIN 10:02 02/03/2022

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ GTVT báo cáo rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm chậm tiến độ lập quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực.

Sáng 1/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với Bộ GTVT. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Cơ bản hoàn thành 5 quy hoạch ngành quốc gia

Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, triển khai Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Quốc hội, Bộ GTVT đã tích cực chỉ đạo, triển khai quyết liệt 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc hệ thống quy hoạch cấp quốc gia.

Đến nay, 4/5 quy hoạch bao gồm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển và quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch ngành quốc gia đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch.

1/5 quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ bản đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.

Bộ GTVT cũng nêu rõ, theo Luật Quy hoạch, ở cấp quốc gia sẽ có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Các quy hoạch này được lập trước để định hướng cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn và là cầu nối giữa chiến lược phát triển KTXH theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và quy hoạch.

Tiêu điểm - Làm chậm tiến độ lập quy hoạch, gây lãng phí: Ai chịu trách nhiệm?

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày báo cáo tại buổi làm việc.

Tuy nhiên tại thời điểm lập các quy hoạch ngành quốc gia chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch phải lập đồng thời nên chưa có khung định hướng tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường ở tầm quốc gia, quốc tế và liên vùng định hướng các hành lang kinh tế (hành lang trục dọc quốc gia, hành lang biên giới, hành lang kết nối quốc tế, hành lang kết nối với các cảng biển quốc tế, hành lang kết nối vùng trọng điểm,...), dự kiến phân chia các vùng, các cực tăng trưởng, đặc khu kinh tế, khu vực phát triển đô thị, công nghiệp, khu du lịch quốc gia,... làm cơ sở cập nhật vào các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, cũng như khó khăn trong dự báo nhu cầu vận tải (liên quan đến dự kiến các điểm phát sinh nhu cầu vận tải, định hướng các hành lang vận tải, phân chia thị phần của các hành lang vận tải).

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát gây ra suy thoái, khủng hoảng kinh tế, làm thay đổi sâu sắc, trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội; tác động và làm đứt gãy chuỗi vận tải cung ứng toàn cầu. Điều này dẫn đến việc triển khai khảo sát, đánh giá nhu cầu vận tải phục vụ việc lập quy hoạch bị gián đoạn, số liệu vận tải năm 2020 không phản ánh được xu thế dự báo, ảnh hưởng đến việc lập quy hoạch ngành quốc gia.

Chậm tiến độ lập quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực: Ai chịu trách nhiệm?

Sau khi nghe các thành viên Đoàn giám sát và đại biểu tham dự thảo luận, kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, đánh giá cao Bộ GTVT đã chuẩn bị báo cáo khá chu đáo, đầy đủ, kỹ lưỡng, bám sát đề cương, nêu và làm rõ được nhiều vấn đề Đoàn Giám sát quan tâm.

Bộ đã phân công trách nhiệm cụ thể, chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm, huy động hiệu quả các nguồn lực, nâng cao tinh thần dân chủ, minh bạch, công khai, sử dụng tối đa ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan tư vấn, các nhà khoa học, lắng nghe ý kiến của các địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ý kiến của các đại biểu trong cuộc làm việc sẽ được ghi nhận, tiếp thu, cập nhật bước đầu vào dự thảo báo cáo giám sát, đồng thời, những ưu điểm, cách làm hay, kinh nghiệm của Bộ GTVT trong việc sớm hoàn thành 4 quy hoạch ngành quốc gia cũng cần được bổ sung vào báo cáo giám sát.

Tiêu điểm - Làm chậm tiến độ lập quy hoạch, gây lãng phí: Ai chịu trách nhiệm? (Hình 2).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận.

Về một số vấn đề Đoàn Giám sát đã đặt ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, chắt lọc ý kiến để có báo cáo giải trình đầy đủ hơn, trong đó lưu ý làm rõ chất lượng của các văn bản đã ban hành; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc đảm bảo chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành; đánh giá và khẳng định chất lượng của các quy hoạch do Bộ ban hành, tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch khác, rà soát điểu chỉnh nếu có, nhất là các quy hoạch có liên quan đến đất đai, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng…

Để nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GTVT báo cáo cụ thể, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân người đứng đầu làm chậm tiến độ lập quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực, chất lượng quy hoạch chưa cao; đánh giá tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động đầu tư kinh doanh…

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các đề nghị của Bộ GTVT sẽ được nghiên cứu, báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để xem xét phân cấp điều chỉnh, xác định thẩm quyền, khắc phục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Luật Quy hoạch. Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trên cơ sở thông báo của Đoàn Giám sát, khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện báo cáo về các vấn đề Đoàn Giám sát đã đặt ra và gửi lại cho Đoàn Giám sát trong thời gian sớm nhất.

Từ 1-4/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" sẽ làm việc với 6 Bộ, gồm Bộ GTVT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các buổi làm việc do Trưởng đoàn giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì.

Trước đó, kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 19/2021/QH15 về việc thành lập Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Đây là chuyên đề giám sát đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, được Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và thường xuyên theo dõi, chỉ đạo.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/lam-cham-tien-do-lap-quy-hoach-gay-lang-phi-ai-chiu-trach-nhiem-a544769.html

Bạn đang đọc bài viết Làm chậm tiến độ lập quy hoạch, gây lãng phí: Ai chịu trách nhiệm? tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành