Ngày 26/9, tại Trung tâm Văn hóa thể thao quận Tân Bình đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị kết nối Cung – Cầu hàng hóa giữa TP.HCM hằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) có cơ hội tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư, tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho DN nói riêng và các tỉnh, thành nói chung.
Hội nghị diễn ra từ ngày 26 đến 29-9 với các nội dung chính như hội thảo, kết nối và giới thiệu, trưng bày bán hàng nghìn đặc sản.
Một gian hàng tham gia hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa - Ảnh: VGP/Lê Anh |
Sở công thương TP.HCM cho biết điểm mới của chương trình năm nay là sẽ có "Hội nghị nhà cung ứng" nhằm giúp nhà phân phối và nhà cung ứng tiếp xúc trực tiếp. Ngoài ra có mời nhiều đối tác nước ngoài và đầu mối xuất khẩu để xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng ra thị trường các nước như Úc, Thái Lan.
Theo đó, chương trình Kết nối cung - cầu năm nay có 45 địa phương tham gia, gồm: 6 tỉnh, thành Đông Nam bộ; 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ; 17 tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên và 9 tỉnh phía Bắc với tổng số 2.341 doanh nghiệp. Trong đó, có 1.458 doanh nghiệp cung ứng và 883 doanh nghiệp thu mua, gồm: 42 đơn vị phân phối hiện đại, 100 doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu, 140 nhà hàng đạt chuẩn du lịch, 120 khách sạn chuẩn 3 sao trở lên, 167 doanh nghiệp suất ăn công nghiệp, 314 bếp ăn tập thể trên 500 suất ăn/ngày.
Theo ban tổ chức, bên cạnh hàng nông sản an toàn từ các tỉnh, thành lân cận và sản phẩm chủ lực của TP.HCM, năm nay còn giới thiệu nhiều đặc sản vùng miền trên cả nước như nhãn xuồng cơm vàng, sữa ong chúa, trà lá sen, yến sào, rượu sâm nhung, bánh khô mè, bột đá, đá cục…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, quy mô và hiệu quả của hội nghị ngày càng lan tỏa, số lượng doanh nghiệp tham gia tăng vượt bậc, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng sản phẩm được nâng cao… Từ ý nghĩa ban đầu là tìm kiếm nguồn cung hàng hóa choTPHCM, đến nay hội nghị trở thành công cụ kết nối cung cầu không chỉ cho thị trường nội địa, mà còn phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm (bên phải ảnh) cùng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham quan khu vực trưng bày sản phẩm chủ lực TP.HCM. |
Thống kê của Sở Công Thương TPHCM, qua 7 năm triển khai thực hiện, quy mô, hiệu quả của hội nghị ngày càng được mở rộng, hàng hóa dồi dào, phong phú; số lượng địa phương, DN tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều. Lũy kế đến nay có 2.283 hợp đồng nguyên tắc được ký kết.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các tỉnh, thành phố nên gắn hoạt động của hội nghị với chương trình nông thôn mới để thúc đẩy đổi mới sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tổ chức sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao chất lượng dự báo thị trường.
Theo Báo điện tử Chính Phủ