Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Bí quyết để trở thành người tiêu dùng thông minh

Linh Nhi (TH) 11:21 06/09/2019

Lập kế hoạch chi tiêu, kìm chế sở thích cá nhân và chờ đợi đợt giảm giá là những cách làm đơn giản để người tiêu dùng không bị rơi vào tình trạng "cháy túi" mà lại chọn được những sản phẩm cần thiết.

Lập kế hoạch chi tiêu

Tâm lý chung của nhà sản xuất là bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt, vì vậy các thương hiệu liên tục đưa ra chương trình khuyến mãi hay ưu đãi hấp dẫn. Nếu người tiêu dùng không đủ tỉnh táo sẽ rất dễ bị “cháy túi” trong thời gian ngắn.

Vì lý do đó, người tiêu dùng cần phải lập một ngân sách chi tiêu hợp lý so với mức thu nhập cá nhân. Phương pháp này thoạt nghe có thể cảm thấy dễ dàng nhưng không phải ai cũng biết cách điều tiết một cách hợp lý.

Không mua theo phong trào

Nhiều người có thói quen mua sắm hoàn toàn thụ động và thường không thể cưỡng chế lại ham muốn khi ghé các cửa hàng thời trang, siêu thị hay trung tâm thương mại cùng bạn bè.

Đối với những sản phẩm lạ, chưa từng sử dụng, người tiêu dùng nên tìm hiểu thông tin để có quyết định mua hàng đúng đắn.

Người tiêu dùng thường bị “dụ dỗ” mua hàng khi đi cùng bạn bè.

Thậm chí, nhiều món đồ không có nhu cầu sử dụng vẫn được người tiêu dùng mua sắm vì tâm lý sợ hết hàng hay để lỡ dịp khuyến mãi. Kết quả là những món đồ mua về nhưng chưa chắc được sử dụng, gây lãng phí. Vì vậy, người tiêu dùng thông minh hãy biết nói “không” với mua sắm kiểu phong trào.

Không mua vì giá quá rẻ

Nhằm kích cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp thường áp dụng chính sách giảm giá. Điều này đã đánh trúng tâm lý ham giá rẻ của người mua. Nhiều người vì thấy lợi trước mắt nên đã bỏ tiền mua sắm một cách ồ ạt. Tuy nhiên, giá trị sử dụng thực tế của những sản phẩm này thường rất ít.

Bên cạnh đó, tỷ lệ mua phải hàng kém chất lượng trong các đợt giảm giá cũng cao hơn, nên người tiêu dùng cần tỉnh táo để tránh rơi vào “bẫy” kinh doanh của nhà sản xuất.

Tránh mua chỉ để khoe khoang

Để mua được những món đồ hiệu đắt tiền, nhiều người phải vay mượn, có khi cầm cố tài sản. Thực tế, đây là tình trạng khá phổ biến, nhiều người tiêu dùng vì có tâm lý muốn “bằng bạn bằng bè” nên cố gắng mua những món đồ vượt ngoài khả năng tài chính.

Hành vi mua sắm như vậy sẽ làm thâm hụt ngân quỹ cá nhân. Người chi tiêu thông minh sẽ chỉ mua đúng mục đích và theo khả năng tài chính của bản thân.

Kiểm kê đồ đạc thường xuyên

Nhiều người tiêu dùng than thở không thể nhớ hết các mặt hàng đã mua. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều món đồ mua về nhưng không được sử dụng và người tiêu dùng không hay biết, gây lãng phí tiền bạc. Đó cũng là biểu hiện của việc chi tiêu kém hiệu quả. Với cách tiêu dùng như vậy, chẳng mấy chốc người tiêu dùng sẽ cạn kiệt tài chính.

Kiểm kê đồ đạc giúp bạn xác định được những vật dụng cần thiết phải mua sắm. Không mua sắm theo cảm xúc

Khi tâm trạng không tốt, người tiêu dùng, đặc biệt là phái đẹp thường có thói quen mua sắm để giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, khi tâm lý ổn định lại, người mua sẽ thấy việc làm này thật sự không cần thiết.

Thay vì đi mua sắm vào những lúc cảm xúc bị xáo trộn, người tiêu dùng có thể chơi thể thao, nghe nhạc, xem phim hoặc đi phượt để ổn định tâm lý. Như vậy, người tiêu dùng sẽ không bị rơi vào tình trạng mua sắm mất kiểm soát.

Nếu dành thời gian tìm kiếm thông tin thì những voucher giảm giá sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được một khoản không nhỏ khi mua sắm.

Kiểm tra số tiền đã chi tiêu

"Một trong những sai lầm lớn nhất mà mọi người mắc phải với tiền là không biết nó đi đâu", chuyên gia tài chính cá nhân người Mỹ Ramit Sethi nhận xét.

Để tránh bị bất ngờ khi không biết tiền đi đâu, mỗi người nên có ý thức hơn về chi tiêu: Hãy dành 50% thu nhập cho nhà cửa và tiêu dùng hàng ngày, 5% cho các khoản đầu tư, phần còn lại cho tiết kiệm và giải trí, hưởng thụ.

Đừng để quảng cáo dẫn đường

Quảng cáo giúp người tiêu dùng có thêm thông tin và tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận thông tin một chiều từ quảng cáo khiến người mua dễ lầm tưởng về giá trị thực của sản phẩm.

Những quảng cáo thổi phồng về sản phẩm, dịch vụ khiến người mua không chọn lọc thông tin kỹ lưỡng, dẫn đến những hành vi tiêu dùng sai lầm. Bởi vậy, người tiêu dùng nên tiếp cận thông tin từ nhiều phía, tìm hiểu các chứng từ, con số kiểm định chất lượng, giấy phép đăng ký, điều khoản mua bán… để đảm bảo chất lượng của sản phẩm, dịch vụ.

Tham khảo đánh giá của người dùng

Tham khảo ý kiến của người đã sử dụng sản phẩm là một thói quen rất tốt khi mua hàng, đặc biệt là với những sản phẩm mua bán trực tuyến. Đối với những sản phẩm lạ, chưa từng sử dụng, người tiêu dùng nên tìm hiểu thông tin và các phản hồi đánh giá của người dùng trước đó để có quyết định mua hàng đúng đắn.

Một vài website bán hàng trực tuyến có bảng xếp hạng, đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ từ người tiêu dùng. Đây được xem là cách hỗ trợ tốt cho người tiêu dùng khi ra quyết định mua sắm.

Sử dụng Voucher giảm giá

Voucher ngày càng được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Khách hàng và doanh nghiệp đều được lợi khi sử dụng hình thức này. Nếu dành thời gian tìm kiếm thông tin thì những voucher giảm giá sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được một khoản không nhỏ khi mua sắm.

Ngày nay, các voucher giảm giá được cung cấp miễn phí cho khách hàng bằng nhiều cách khác nhau. Bởi vậy sẽ không quá khó khăn để người tiêu dùng có trong tay một voucher khuyến mãi có giá trị thật sự.

Theo ANTT

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/bi-quyet-de-tro-thanh-nguoi-tieu-dung-thong-minh-d61802.html

Bạn đang đọc bài viết Bí quyết để trở thành người tiêu dùng thông minh tại chuyên mục Tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng