Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Mua hàng trả góp 0% lãi suất: Tưởng rẻ hóa... cực đắt!

Theo SKCĐ 11:20 06/09/2019

Theo các chuyên gia, chính sách, vay tiêu dùng lãi suất 0% thực ra là một chiến lược cạnh tranh của các tổ chức tín dụng nhằm thu hút khách hàng.

Tại các chuỗi siêu thị mua sắm điện thoại, đồ điện tử, điện gia dụng, quảng cáo về bán hàng trả góp lãi suất 0% được đưa ra rầm rộ và ở đây luôn có sự hiện diện của các công ty cho vay tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra là, liệu các công ty tài chính, ngân hàng này có thực sự chịu thiệt để đem lại lợi ích cho khách hàng khi đưa ra mức lãi suất “không tưởng” này.

Lãi suất 0% phổ biến trên các mặt hàng tiêu dùng

Số liệu thống kê tại các siêu thị di động như: Thế Giới Di Động, FPT Shop, CellphoneS cho thấy hơn nửa giao dịch mua điện thoại trên 10 triệu đồng đều thực hiện bằng phương thức trả góp.

Tại Thế Giới Di Động, chuỗi đang chiếm khoảng 40% thị phần di động tại Việt Nam, lượng người mua trả góp chiếm 48% đối với các máy trên 10 triệu đồng.

Trong khi đó, FPT Shop - chuỗi bán lẻ thị phần đứng ngay sau Thế Giới Di Động - ghi nhận đến 60% người mua máy trên 10 triệu đồng thanh toán bằng hình thức trả góp. Chuỗi bán lẻ CellphoneS cho biết phân khúc này cũng có 56% các thanh toán sử dụng tiền vay từ các tổ chức tài chính.

Người mua hàng trả góp có thể trả trước một khoản tiền, sau đó chọn hình thức trả góp phổ biến trong vòng 6-12 tháng.

Đại diện Thế Giới Di Động cho biết trả góp hiện nay đang là xu hướng, “bây giờ đi đâu cũng thấy khuyến mại trả góp lãi suất 0%, trả góp trả trước 0 đồng” - vị này nói.

Anh Nguyễn Văn Tài (30 tuổi, Thanh Xuân) cho biết anh vừa sắm một loạt trang thiết bị hiện đại cho ngôi nhà mới của mình từ tivi, tủ lạnh, máy giặt cho tới điều hòa nhiệt độ... Vợ chồng anh chỉ đủ tiền mua tivi và tủ lạnh, nhưng khi tới trung tâm điện máy anh đã được thuyết phục mua thêm điều hòa và máy giặt theo chương trình trả góp với lãi suất 0%. Anh chỉ phải trả trước khoảng 30% số tiền sản phẩm, phần còn lại trả góp trong ít nhất 6 tháng theo khả năng tài chính.

Lãi suất 0% là cái bẫy bí ẩn

Độc giả có nickname Kututakia chia sẻ: “Tôi có nhu cầu mua xe máy mà thiếu tiền nên được nhân viên tư vấn mua xe trả góp lãi suất 0%. Nhưng không hiểu sao tôi phải trả gấp rưỡi tiền so với mua xe thông thường. Mua xe về để đi đâu có sinh lợi, lãi như thế thì xe đạp hóa ra lại đắt như xe máy à? Nói là lãi suất 0% mà tính ra còn đắt hơn đi vay ngân hàng”.

“Tôi định vay vài trăm triệu để mua sắm một số đồ dùng trong nhà với lãi suất 0%, nhưng không biết các công ty tài chính, tổ chức tín dụng và bán hàng trả góp tính như thế nào mà mọi người bảo thực tế lãi suất phải trả từ 20-50%?”, độc giả tên Hùng thắc mắc.

Lý giải sự khác biệt giữa vay tiêu dùng và vay ngân hàng, độc giả Vũ Trần Linh cho rằng: “Ngân hàng tính lãi trên dư nợ giảm dần, còn vay tiêu dùng tính lãi dựa trên dư nợ đầu kỳ. Nghĩa là hàng tháng người vay đã trả một phần nợ nhưng vẫn phải đóng lãi cho nợ mà họ đã trả”

Theo các chuyên gia, chính sách vay tiêu dùng lãi suất 0% thực ra là một chiến lược cạnh tranh của các tổ chức tín dụng nhằm thu hút khách hàng. Nguyên nhân do hiện nay thị trường xuất hiện ngày càng nhiều đơn vị cho vay tiêu dùng khiến việc cạnh tranh trở nên gay gắt, các tổ chức tín dụng phải đưa ra những chính sách ưu đãi dành cho khách hàng.

Tuy nhiên, lãi suất 0% không có nghĩa là các tổ chức tín dụng cho khách hàng vay không lợi nhuận.“Bản chất lợi nhuận của tổ chức tín dụng có thể ẩn trong những khoản khác. Các tổ chức này có thể bắt tay với doanh nghiệp bán hàng để kích cầu tiêu dùng, chia sẻ lợi nhuận. Điều này đem lại lợi ích cho khách hàng, tuy nhiên cũng không loại trừ việc tổ chức tín dụng và doanh nghiệp dùng những khoản “loanh quanh” để bù vào lãi suất 0%, chẳng hạn như đẩy giá sản phẩm cao hơn giá thị trường là một ví dụ” - luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho hay.

Đồng tình với việc cho rằng các tổ chức tín dụng phối hợp với nhà sản xuất, doanh nghiệp bán hàng đưa ra các gói lãi suất 0% về cơ bản đem lại lợi ích cho khách hàng, TS Bùi Quang Tín (ĐH Ngân hàng TP.HCM) phân tích: “Chẳng hạn mức chi phí tăng thêm (phí thu hộ và bảo hiểm) khoảng 300.000 đồng cho khoản vay 7 triệu đồng trong 6 tháng chỉ tương đương lãi suất khoảng dưới 10%/năm. Tuy nhiên, trong khi lãi suất huy động của công ty tài chính thường cao hơn mức này thì họ sẽ phải tính đến các khoản lợi nhuận khác để bù vào. Nếu khách hàng chậm trả thì mức lãi suất phải trả sẽ tăng cao, thậm chí nhiều khách hàng phải chịu mức lãi suất lên đến 50%”.

Nhìn chung, khi tham gia chương trình khách hàng không nên quá đặt nặng việc được vay với lãi suất 0% mà cần chú ý đến các điều khoản, quy định khác, cần hỏi kỹ nhân viên tư vấn các khoản phí phát sinh thêm như phí phụ thu, phí bảo hiểm, phí vi phạm hợp đồng và thời hạn của chương trình ưu đãi. Vay tiêu dùng hiện đang có rất nhiều ngân hàng hỗ trợ với những chính sách ưu đãi, nếu khách hàng không muốn vay mua trả góp lãi suất 0% thì có thể vay tại ngân hàng để chi tiêu.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/mua-hang-tra-gop-0-lai-suat-tuong-re-hoa-cuc-dat-d61800.html

Bạn đang đọc bài viết Mua hàng trả góp 0% lãi suất: Tưởng rẻ hóa... cực đắt! tại chuyên mục Tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng