Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

8 quyền cơ bản của người tiêu dùng

Linh Nhi 11:24 06/09/2019

Người tiêu dùng cần biết đến những quyền lợi cơ bản của mình để khi mua hàng hóa có những thông tin đầy đủ và cần thiết khởi kiện khi sản phẩm lỗi...

1. Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa.

2. Quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan...

3. Quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình.

4. Quyền được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ...

5. Quyền được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật.

8. Quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Trách nhiệm của Người tiêu dùng

Đi đôi với quyền, người tiêu dùng có 2 nghĩa vụ chính được quy định tại Điều 9, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về nghĩa vụ của người tiêu dùng là:

1. Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

2. Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Để bảo hành hàng hoá, người tiêu dùng cần lưu ý những vấn đề gì?

Căn cứ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương lưu ý người tiêu dùng cần mua hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh chất lượng, ưu điểm của việc mua hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng là được bảo toàn quyền lợi trong trường hợp bảo hành. Tùy theo từng loại sản phẩm và quy định về bảo hành của nhà sản xuất, người tiêu dùng có thể bảo hành sản phẩm tại đơn vị kinh doanh hoặc các trung tâm bảo hành ủy quyền của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần lưu giữ hóa đơn và giấy tờ bảo hành do đây là các bằng chứng cho biết sản phẩm được cung cấp và bảo hành bởi đơn vị nào. Trong trường hợp người tiêu dùng cần bảo hành thiết bị hoặc phản ánh, khiếu nại về sản phẩm mà không có các giấy tờ trên, đơn vị kinh doanh sẽ có xu hướng từ chối làm việc với người tiêu dùng. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, người tiêu dùng hãy lưu ý luôn giữ hóa đơn và giấy tờ bảo hành sản phẩm sau khi mua.

Thực tế cho thấy trong quá trình hoạt động, một số đơn vị kinh doanh và trung tâm bảo hành đã đột ngột đóng cửa, gây tâm lý hoang mang, lo ngại. Người tiêu dùng cho rằng việc bảo hành sản phẩm sẽ gặp khó khăn hoặc thậm chí là không thể khi doanh nghiệp đóng cửa. Tuy nhiên, quy định pháp luật bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, trong trường hợp này, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn được bảo vệ một cách triệt để.

Cụ thể, tại Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa sẽ phải: "7. Chịu trách nhiệm về việc bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho người tiêu dùng cả trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc bảo hành."

Như vậy, đối với sản phẩm chính hãng (có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng), trong trường hợp doanh nghiệp bán hàng không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo hành, người tiêu dùng có thể liên hệ và yêu cầu doanh nghiệp khác (nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, trung tâm bảo hành ủy quyền,…) thực hiện trách nhiệm bảo hành.

Theo SKCĐ

3. nguoitieudung.com.vn

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/8-quyen-co-ban-cua-nguoi-tieu-dung-d61806.html

Bạn đang đọc bài viết 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng tại chuyên mục Tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng