Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tín dụng tiêu dùng là gì? Tín dụng tiêu dùng thúc đẩy kinh tế

DTVN 09:51 26/09/2019

Hoạt động cho vay tiêu dùng mang lại cơ hội sử dụng dịch vụ tài chính cho những người có thu nhập trung bình thấp. Đồng thời, giúp người nghèo tránh được vòng luẩn quẩn khi phải đi vay "tín dụng đen".

Tín dụng tiêu dùng là gì?

Tín dụng tiêu dùng (consumer credit): là khái niệm chung dùng để chỉ các khoản tiền cho người tiêu dùng vay để mua hàng hóa và dịch vụ, trừ các khoản tiền cho vay để mua nhà ở. Thông thường người tiêu dùng có thể sử dụng tiền vay để mua bất kỳ hàng hóa gì (tức không bị ràng buộc), nhưng cũng có trường hợp nó gắn với việc mua một hàng hóa cụ thể, ví dụ tín dụng thuê mua.

Tín dụng tiêu dùng ra đời cùng với sự phát triển của hệ thống ngân hàng. Đây là một hình thức khá phổ biến hiện nay đặc biệt là ở một số nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên hình thức này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Chúng ta đã quen với việc mua hàng hóa tiêu dùng có giá trị từ vài triệu lên đến vài trăm triệu được trả trực tiếp bằng tiền mặt nhưng việc này là rất hiếm hoi ở nước ngoài. Bới vì ở nước ngoài việc thanh toán bằng tiền mặt đang bị thay thế dần và nhiều giao dịch hầu hết được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng.

Để tạo điều kiện cho các khách hàng có thể thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng (mua sắm hàng hóa) của mình, các ngân hàng sẽ cho vay tiêu dùng bằng tiền hay hàng hóa. Người được hưởng tín dụng tiêu dùng không phải thế chấp bất cứ một loại tài sản nào mà chỉ cần bằng cách nào đó chứng minh được thu nhập định kỳ. Người vay tín dụng sẽ phải trả một phần gốc và lãi hàng tháng.

Hạn mức tín dụng căn cứ vào thu nhập bình quân của người đó. Thời hạn của tín dụng tiêu dùng thường dưới 5 năm.

Lãi suất tín dụng

Lãi suất tín dụng có thể được tính theo 2 cách: dư nợ giảm dần hay dư nợ gốc (tùy theo từng ngân hàng). Tính lãi theo dư nợ gốc là người vay tín dụng sẽ phải trả một khoản tiền lãi cố định từ đầu kì cho đến cuối kì tín dụng. Còn tính theo dư nợ giảm dần là người vay sẽ trả tiền lãi căn cứ vào số dư nợ thực tế trên trong từng kì.

Các công ty tài chính tiêu dùng trong nền kinh tế Việt Nam có vai trò quan trọng khi giúp đẩy lùi ảnh hưởng xấu của tín dụng đen, đồng thời mang đến cho người dân một hình thức vay có tổ chức và minh bạch hơn để cải thiện cuộc sống.

Động lực thúc đẩy nền kinh tế

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu như những năm 2013 - 2014 tốc độ tăng tín dụng tiêu dùng trung bình chỉ khoảng 15%/năm, thì giai đoạn 2015-2017 đã lên tới 61,3%/năm, riêng năm 2018 khoảng 29,3% cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng tín dụng chung và chiếm tỷ trọng khoảng 19,7% tổng dư nợ toàn hệ thống.

"Tín dụng tiêu dùng thúc đẩy tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thông qua tác động lên tổng cầu. Những năm gần đây, tín dụng tiêu dùng đã tăng với tốc độ cao gấp nhiều lần tốc độ tăng của cấu phần tiêu dùng cuối cùng trong GDP, điều đó cho thấy tín dụng tiêu dùng đang là công cụ quan trọng để hỗ trợ cấu phần tiêu dùng trong GDP", ông Nguyễn Tú Anh cung cấp thông tin.

Từ những số liệu trên có thể thấy, tín dụng tiêu dùng là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, đảm bảo quá trình tái sản xuất diễn ra liên tục, tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức cho người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng dưới chuẩn vay ngân hàng, góp phần đẩy lùi "tín dụng đen"; giúp người có thu nhập thấp giải quyết các nhu cầu cuộc sống cấp bách, có điều kiện tích lũy tài sản…

Khẳng định điều này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng: Sự nổi lên của tầng lớp thu nhập trung bình ở Việt Nam trong thập niên qua đã kéo theo sự thay đổi đáng kể về hành vi tiêu dùng đó chính là: Không nhất thiết phải là "tiết kiệm trước, tiêu sau", mà có thể là "vay mua trước, trả sau".

Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đối với các khoản vay giá trị nhỏ; việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng chính thức còn thiếu bao trùm (inclusive) khi học sinh, sinh viên, nông dân được vay rất ít; ngay cả với khách hàng được vay, nhu cầu tín dụng còn chưa được đáp ứng đầy đủ khi trên 50% khách hàng tại công ty tài chính và 60% tại ngân hàng thương mại chỉ được đáp ứng dưới 2/3 nhu cầu vốn, cho thấy dư địa cho thị trường tài chính tiêu dùng là rất lớn.

"Nghĩa là, phát triển tài chính tiêu dùng không chỉ đẩy lùi "tín dụng đen", mà còn là một con đường, một động lực, một cách thức để phát triển kinh tế - xã hội, mở ra một cơ hội nâng cao phúc lợi cho người dân", TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.

Góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện

Các nghiên cứu từ thực tiễn của Ngân hàng Thế giới (WB) trong nhiều thập kỷ qua khẳng định, tình trạng thiếu khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính của các nhóm đối tượng thu nhập thấp trong xã hội là nguyên nhân quan trọng dẫn tới bất bình đẳng thu nhập và suy giảm tăng trưởng một cách dai dẳng. Vì vậy, phát triển tài chính toàn diện được coi là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.

Như nhiều nước trên thế giới, những năm gần đây, Việt Nam rất quan tâm đến phát triển tài chính toàn diện để đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính của mọi thành viên, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp dễ bị tổn thương trong xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1726 phê duyệt "Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đây là một trong những Đề án rất quan trọng đối với nền kinh tế nói chung, nhất là đối với ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Hiện, Chính phủ đang giao Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu mối xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.

Ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, nói: "Một xã hội với cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính mở rộng cho tất cả mọi người sẽ thúc đẩy sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng nói chung, cải thiện công bằng và bình đẳng, năng lực của toàn xã hội cũng theo đó được nâng lên".

Theo vietnamfinance.vn

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tin-dung-tieu-dung-la-gi-tin-dung-tieu-dung-thuc-day-kinh-te-d62128.html

Bạn đang đọc bài viết Tín dụng tiêu dùng là gì? Tín dụng tiêu dùng thúc đẩy kinh tế tại chuyên mục Tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng
Nền kinh tế chuyển biến tích cực cùng sự phát triển của mạng lưới viễn thông, công nghệ là những yếu tố thúc đẩy thị trường thay đổi, tác động đến hành vi mua sắm và tiêu dùng của người tiêu dùng.