Rất nhiều khó khăn và thách thức
Qua 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tp. Hồ Chí Minh với những cách làm sáng tạo, chủ động, vị thế của hàng Việt Nam đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng cũng như thúc đẩy năng lực sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn. Nhưng cũng phải kể đến những khó khăn và thách thức của doanh nghiệp cũng như những đơn vị làm quản lý.
Công tác quản lý thị trường, quản lý giá cả tuy có nỗ lực, cố gắng nhưng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Một lượng không nhỏ hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm vẫn lưu thông bất hợp pháp trên thị trường làm giảm uy tín hàng Việt Nam, gây khó khăn, trở ngại cho việc đầu tư và sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Chương trình “Bình ổn thị trường” được duy trì liên tục với rất nhiều nỗ lực của các nhà quản lý. |
Một bộ phận người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập cao, giới yêu thích thời trang, hàng hiệu vẫn còn tâm lý sính dùng hàng ngoại, chưa nhận diện đầy đủ về chất lượng của các mặt hàng sản xuất trong nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhận định, hàng Việt đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. Áp lực cạnh tranh ngày càng cao do sự thâm nhập, cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hóa NK từ các nước tham gia các FTA, tâm lý sính hàng ngoại còn tồn tại ở một số bộ phận người tiêu dùng nhất là người có thu nhập cao.
Hoạt động mở rộng và thâu tóm hệ thống phân phối hiện đại của DN nước ngoài khiến hàng Việt mất dần chỗ đứng, thị phần bán lẻ của DN trong nước ngày càng thu hẹp. Một số doanh nghiệp, nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận, vì lợi ích trước mắt lợi dụng Cuộc vận động và sự quan tâm ủng hộ của người tiêu dùng để làm ăn gia dối sản xuất hàng hóa kém chất lượng, đưa ra tiêu thụ gây mất lòng tin của người tiêu dùng.
Đối với sản phẩm nông sản thực phẩm đang đối mặt với các thách thức lớn như chưa kiểm soát được dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh, kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo quản... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bình ổn thị trường
Chương trình Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Tp. Hồ Chí Minh ban hành từ năm 2010 đến nay, đã huy động nguồn lực đẩy mạnh triển khai 5 nhóm giải pháp gồm chương trình tập trung thông tin tuyên truyền vận động; kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam; kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường.
Trong suốt 10 năm qua, chương trình “Bình ổn thị trường” được duy trì liên tục, trong đó ưu tiên tập trung đảm bảo nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ lễ, tết như: thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả, bánh, mứt, kẹo, nước giải khát…
Đồng thời phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa nhập chợ, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Cho đến nay, tổng số điểm bán của chương trình “Bình ổn thị trường” trên địa bàn thành phố là 10.602 điểm; gồm 4.127 điểm bán hàng lương thực, thực phẩm, 857 điểm bán mùa khai giảng, 1.602 điểm bán sữa và 4.016 điểm bán dược phẩm.
TP HCM cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm, có chức năng giúp UBND thành phố tổ chức thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã tạo nên sự thống nhất một đầu mối thực hiện các thủ tục hành chính trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, tạo sự thuận lợi từ khâu cấp phép, quản lý, thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cũng như giám sát chất lượng thực phẩm.
Bà Triệu Thị Lệ Khánh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM cũng cho rằng MTTQ các cấp TP HCM cần kiên trì tham mưu, đề xuất, phối hợp trong công tác chỉ đạo triển khai CVĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò gương mẫu trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và có nhiều giải pháp tuyên truyền đến kiều bào ta ở nước ngoài quan tâm, hỗ trợ, đề xuất cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp.
Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Trên thực tế, tại Tp. Hồ Chí Minh ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và liên tục phát triển vững chắc trong những năm qua.
Cụ thể, ở ngành hàng điện gia dụng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang, phích nước Rạng Đông, dây cáp điện Cadivi, pin - ắc quy Miền Nam, quạt Asia…;
Bánh kẹo có sản phẩm của Á Châu - ABC, Bibica…; nước chấm, gia vị (Nam Dương, Cholimex, dầu Tường An…); trứng gia cầm, thực phẩm tươi sống, đông lạnh, dinh dưỡng (Ba Huân, San Hà, Sài Gòn food…);
Văn phòng phẩm (Thiên Long, Bến Nghé…); giày dép, ba lô, túi xách (Hương Mi, Tuấn Việt, Biti’s…);
Phụ tùng xe (cao su Sao Vàng, Casumina…) khẳng định uy tín và sự tin yêu của người tiêu dùng.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa.
Tuy nhiên trong thời gian tới, bà Lý Kim Chi cho rằng, triển khai Cuộc vận động cần tập trung nâng cao tính hiệu quả, thiết thực của 3 đối tượng trong Chương trình hành động của Tp. Hồ Chí Minh là cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đặc biệt, doanh nghiệp khẳng định năng lực cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý để đảm bảo yêu cầu “Hàng Việt chinh phục người tiêu dùng Việt”.