Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Xuất hiện thêm một loại 'thần dược' hỗ trợ điều trị Covid-19 giả trên thị trường

VIETQ 17:08 01/09/2021

TPBVSK Xuyên Tâm Liên do Công ty Cổ phần liên doanh Dược mỹ phẩm Diamond Pháp sản xuất quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm như môt loại thuốc điều trị Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh.

Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) Xuyên Tâm Liên do Công ty Cổ phần liên doanh Dược mỹ phẩm Diamond Pháp (Địa chỉ: Khu công nghiệp Đồng Văn 2, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) sản xuất, phân phối bởi Công ty TNHH Hằng Thu Pharma (Địa chỉ: Số nhà 68, đường Lương Văn Can, Khu AT, Phường Vĩnh Hải, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa).

Được biết, sản phẩm này được quảng cáo với những công dụng nổi bật như: Thần dược hỗ trợ điều trị - phòng chống Covid-19; Giảm ho, long đờm, chảy mũi do viêm họng, cảm lạnh, cảm cúm; Trị khó thở do viêm phổi, viêm phế quản; Tăng cường sức khỏe; Tăng cường sức đề kháng; Tăng miễn dịch cho cơ thể; Phòng ngừa virus, vi khuẩn tấn công gây viêm đường hô hấp.

Qua xác minh, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, Công ty TNHH Hằng Thu Pharma chưa đăng ký bản công bố sản phẩm cho TPBVSK Xuyên Tâm Liên tại Cục. Bên cạnh đó, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có số đăng ký: 01/DMP/2021, cấp ngày 2/7/2021, có dấu đỏ của Cục An toàn thực phẩm là giả mạo.

Viên uống thảo mộc Xuyên Tâm Liên đang được quảng cáo trên thị trường như 1 'thần dược' hỗ trợ điều trị Covid-19. Ảnh: Cục ATTP

Thông qua kết luận trên, Cục An toàn thực phẩm cho biết, sản phẩm TPBVSK trên là giả mạo. Cục đã chuyển thông tin trên đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa để xác minh vụ việc.

Cục khuyến cáo không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng (TPCN)/TPBVSK nào chữa được hay kháng Covid-19.

Đồng thời, các loại TPCN/TPBVSK không được phép ghi công dụng là giảm bệnh hoặc trị bệnh. Trên nhãn sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn phải ghi rõ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Do đó, người tiêu dùng không nên mua/sử dụng và báo ngay cho cơ quan chức năng nếu phát hiện sản phẩmTPBVSK ghi các công dụng trên. Trong trường hợp xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, người dùng cần liên hệ ngay với cơ quan y tế để được hướng dẫn khám, điều trị kịp thời.

Theo tìm hiểu, đây không phải lần đầu tiên các sản phẩm TPBVSK Xuyên Tâm Liên được quảng cáo trên thị trường có công dụng hỗ trợ điều trị Covid-19.

Ngày 26/7/2021, Cục An toàn thực phẩm nhận được phản ánh qua đường dây nóng, trên thị trường đang xuất hiện 02 sản phẩm TPBVSK viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo TOÀN LỘC (vỏ hộp màu đỏ) và sản phẩm TPBVSK viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo NHẤT LỘC (vỏ hộp màu xanh) đều ghi có công dụng: Kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống COVID,…

Trước thông tin nêu trên, Cục An toàn thực phẩm khẳng định 02 sản phẩm có đặc điểm và công dụng nêu trên chưa đăng ký bản công bố tại Cục. Như vậy, 02 sản phẩm TPBVSK như trên là giả mạo.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, không có bất kì loại thực phẩm chức năng/TPBVSK nào chữa được Covid-19 hay kháng Covid, không có bất kì thực phẩm chức năng/TPBVSK nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”.

Người tiêu dùng phát hiện 02 sản phẩm ghi các công dụng và đặc điểm trên không mua, không sử dụng và báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở cần liên hệ ngay với cơ quan Y tế để được hướng dẫn khám, điều trị kịp thời.

Cũng trong ngày 26/7, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, qua quá trình hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm phát hiện một số sản phẩm TPCN/Thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân lấy danh nghĩa tặng quà tặng từ thiện nhưng thực chất là bán TPCN/TPBVSK, mạo danh danh nghĩa cơ quan y tế, cơ quan quân đội, công an, thậm chí quảng cáo các sản phẩm TPBVSK, sản phẩm dinh dưỡng có thể chữa tiểu đường, huyết áp, xương khớp,…

Bộ cũng khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng TPBVSK, thuốc bán trôi nổi. Khi mua các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, trong đó có TPBVSK, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn bán hàng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Theo đại diện Hiệp hội TPCN Việt Nam, thực phẩm chức năng xuất hiện và bắt đầu được sử dụng tại Việt Nam từ những năm 2000. Khi đó, hầu hết sản phẩm lưu thông trên thị trường ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ các nước khác. Đến nay, hơn 70% số TPCN được tiêu thụ ở nước ta là hàng sản xuất trong nước. Hơn 20% còn lại là hàng nhập khẩu từ các thị trường nổi tiếng như Mỹ, Đức, Canada, Hàn, Nhật... Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện sản xuất TPCN và số sản phẩm được lưu hành trên thị trường là 63 sản phẩm. Đến năm 2017, có tới gần 4.190 công ty đăng ký sản xuất - kinh doanh TPCN và số lượng sản phẩm được lưu hành cũng lên tới hơn 10.930 sản phẩm.

Có thể nói những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất - kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phân phối thực phẩm chức năng đã cố tình làm ăn chụp giật, coi lợi nhuận là trên hết, có hành vi lừa dối người tiêu dùng, cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thần dược khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại cho sức khỏe, tiền mất tật mang và dư luận hết sức bức xúc.

Mặc dù thời gian qua Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp xử lý vi phạm quảng cáo TPCN. Tuy nhiên, hành vi vi phạm của các đối tượng ngày một tinh vi. Các hình thức vi phạm phổ biến là sử dụng hình ảnh, các bài viết của nhân viên y tế hoặc bài viết, phản hồi của người tiêu dùng nhằm ám chỉ thực phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có công dụng như thuốc chữa bệnh, là trái quy định pháp luật.

Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân còn có hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm; dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, gần như lừa dối người tiêu dùng về công dụng của các thực phẩm bảo vệ sức khỏe...

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho hay, thực tế các thống kê cho thấy doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vi phạm vấn đề quảng cáo không quá nhiều, tuy nhiên, những tổ chức, cá nhân mua lại sản phẩm và tự quảng cáo trên thị trường lại rất lớn.

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các đơn vị này quảng cáo rộng khắp qua mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, thậm chí gọi điện thoại trực tiếp để tiếp cận tới người tiêu dùng.

Chẳng hạn, đối tượng mở tên miền để quảng cáo nhưng nếu vi phạm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phát hiện và yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông hỗ trợ đóng tên miền đó thì ngay lập tức họ sẽ mở tên miền khác. Hoặc họ đặt máy chủ ở Việt Nam nhưng nếu bị phát hiện vi phạm sẽ chuyển máy chủ sang nước ngoài.

Một trong những hành vi khác sẽ rất khó khăn cho cơ quan quản lý là quảng cáo xuyên biên giới, tức những công ty nước ngoài mua "đất quảng cáo" trên các trang thương mại, sàn giao dịch, website của các cơ quan truyền thông và họ toàn quyền sử dụng để quảng cáo sản phẩm mà chủ cho thuê không hay biết" - bà Nga cho biết thêm.

Link gốc : https://vietq.vn/xuat-hien-them-mot-loai-than-duoc-ho-tro-dieu-tri-covid-19-gia-tren-thi-truong-d190695.html

Bạn đang đọc bài viết Xuất hiện thêm một loại 'thần dược' hỗ trợ điều trị Covid-19 giả trên thị trường tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường