Cũng trong quý III/2019, nếu Hòa Phát có thể chính thức chạy thương mại lò cao đầu tiên tại Dung Quất thì đây sẽ là điểm cộng lớn, triển vọng tăng trưởng của cổ phiếu HPG theo đó sẽ rõ nét hơn nhiều.
Trong một báo cáo công bố mới đây, hãng nghiên cứu Fitch Solutions đã tăng dự báo giá quặng sắt trung bình cả năm 2019 từ 80 USD/tấn lên 90 USD/tấn do sự gián đoạn nguồn cung cùng với nhu cầu mạnh dẫn đến sự tăng giá trong quý II/2019.
Tuy nhiên, Fitch Solutions tin rằng giá quặng sắt đã đạt đỉnh và sẽ giảm xuống trong phần còn lại của năm do sự gián đoạn nguồn cung dần được khắc phục và nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tạm thời giảm do đồng Nhân dân tệ yếu đi.
Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế 3.860 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp doanh thu tăng 11%. |
Dù vậy, hãng nghiên cứu này không kỳ vọng sẽ có sự rớt giá đột ngột trong những tháng tới, bởi chính phủ Trung Quốc vẫn sẽ gia tăng sản lượng sản xuất thép trong năm 2019 và năm 2020 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang.
Dự báo của Fitch phần nào khiến các nhà đầu tư từng rót vốn mua cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát ở vùng đỉnh cách đây hơn một năm (trên 30.000 đồng/cổ phiếu, gấp rưỡi thị giá hiện tại) an tâm hơn, trong khi lớp nhà đầu tư mới cũng tự tin hơn vào quyết định "đặt cược" giữa lúc Hòa Phát trong giai đoạn chuyển mình.
6 tháng đầu năm 2019, Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế 3.860 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp doanh thu tăng 11%, chủ yếu do giá quặng sắt tăng mạnh khiến giá vốn tăng cao.
Quặng sắt mặc dù là đầu vào quan trọng trong sản xuất thép (chiếm khoảng 1/3 giá vốn), nhưng lại phụ thuộc vào diễn biến trên phạm vi toàn cầu (nguồn cung từ Brazil, Úc...; lực cầu từ Trung Quốc, Mỹ...; chủ nghĩa bảo hộ ngành thép...). Các doanh nghiệp thép tại Việt Nam nói chung và Hòa Phát nói riêng không thể làm gì khác ngoài việc hedging hoặc mua dự trữ để giảm thiểu rủi ro biến động giá quặng sắt.
Vì là yếu tố rất khó dự đoán nên đối với các nhà đầu tư, trong bối cảnh giá quặng sắt được dự báo đã đạt đỉnh ngắn hạn và phần lớn rủi ro vừa qua đã phản ánh vào giá cổ phiếu, việc có rót tiền mua cổ phiếu HPG hay không hiện phụ thuộc lớn vào yếu tố khác: việc vận hành nhà máy thép Dung Quất.
Nhìn chung, có 2 rủi ro chính khi vận hành nhà máy thép Dung Quất.
Thứ nhất là rủi ro hoạt động. Vận hành một nhà máy nói riêng hay một hệ thống mới nói chung không hề dễ dàng. Bài học gần đây của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) là một minh chứng khi doanh nghiệp này mất cả trăm tỷ trong hai tháng chỉ vì trục trặc trong khâu vận hành hệ thống ERP mới, dù đã được chuẩn bị rất kỹ.
Trên thực tế, việc đưa vào vận hành các dây chuyền sản xuất thép tại Dung Quất đã bị chậm đáng kể so với kế hoạch ban đầu là "toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành đi vào sản xuất cuối năm 2019".
Tới tận tháng 7 vừa qua, Hòa Phát mới bắt đầu vận hành lò cao đầu tiên và đây mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm. Dây chuyền thép cán nóng thì dự kiến sẽ hoạt động trong tháng 3/2020.
Việc các nhà máy thép có vận hành thương mại một cách trơn tru hay không là yếu tố rất quan trọng quyết định triển vọng tăng trưởng của cổ phiếu HPG, không chỉ bởi điều đó tác động đến doanh thu, lợi nhuận mà còn ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Nếu vận hành thương mại muộn, triển vọng ngắn hạn của cổ phiếu HPG sẽ bị ảnh hưởng.
Rủi ro thứ hai nằm ở vấn đề tiêu thụ. Nếu hoàn tất vận hành khu liên hợp thép Dung Quất, công suất của Hòa Phát sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại. Với một doanh nghiệp đứng số 1 về thị phần thép (khoảng trên dưới 30% đối với phân khúc thép xây dựng và ống thép) như Hòa Phát, việc tăng gấp đôi công suất đồng nghĩa sẽ có một nguồn cung thép "khủng khiếp" ra thị trường.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng khó khăn do chủ nghĩa bảo hộ ngành thép lên ngôi, thị trường nội địa chắc chắn là "điểm đến" tiêu thụ chính của nguồn cung thép khổng lồ trên.
Giảm giá là việc Hòa Phát buộc phải làm để thúc đẩy tiêu thụ và thực tế, doanh nghiệp này đã bắt đầu thực hiện trong năm 2019. Nếu tiêu thụ chậm hoặc không đủ lượng, nhà máy thép phải hoạt động ở dải công suất thấp, hiệu quả vận hành theo đó cũng kém, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đây là rủi ro lớn đối với Hòa Phát.
Tuy vậy, nếu thành công với chiến thuật giảm giá, Hòa Phát sẽ thực sự là "xe lu" trên thị trường - như lời Chủ tịch Trần Đình Long ví von. Các doanh nghiệp khác sẽ bị bóp nghẹt, thị phần của tập đoàn này sẽ tăng cao hơn nữa và đây là cơ sở cho lợi nhuận cao bền vững trong tương lai.
Quý III/2019 sẽ là thời gian quan trọng với các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu HPG, bởi kết quả kinh doanh quý này sẽ cho thấy Hòa Phát chịu tác động ra sao bởi giá quặng sắt (công ty chứng khoán BVSC dự báo quý III/2019, lợi nhuận của Hòa Phát sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất do giá vốn quặng nhập rất cao trong quý II). Nếu vượt qua "bài kiểm tra" này với lợi nhuận ở mức chấp nhận được, triển vọng tăng trưởng của cổ phiếu HPG sẽ rõ nét hơn nhiều.
Cũng trong quý III/2019, nếu Hòa Phát có thể chính thức chạy thương mại lò cao đầu tiên tại Dung Quất thì đây sẽ là điểm cộng rất lớn cho triển vọng cổ phiếu HPG.