Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Tài khoản ngân hàng là gì? Có thể mở tối đa bao nhiêu tài khoản ngân hàng?

DTVN 15:44 08/10/2019

Dịch vụ ngân hàng từ khi xuất hiện đã mang theo nhiều khái niệm phức tạp khiến việc tìm hiểu về dịch vụ ngân hàng là vô cùng quan trọng với các định chế tài chính như ngân hàng, quỹ tín dụng,...

Dịch vụ ngân hàng là khái niệm tổng quan về rất nhiều kiến thức, thông tin liên quan đến cách mở tài khoản ngân hàng hay cách ứng dụng lãi suất ngân hàng vào việc gửi tiết kiệm hay vay vốn để kinh doanh.

Nếu như nắm được các khái niệm cơ bản về dịch vụ ngân hàng, đồng thời biết cách vận dụng đúng đắn, bạn hoàn toàn có thể tự kiếm lợi từ việc tham gia giao dịch với ngân hàng.

Tài khoản ngân hàng là gì?

Tài khoản ngân hàng giống như một thông tin định danh cho bất kỳ một cá nhân nào khi tham gia giao dịch với định chế tài chính là ngân hàng. Thông thường tài khoản ngân hàng được quy định bằng một dãy số nhất định tùy ngân hàng, nhờ đó mỗi ngân hàng có thể kiểm tra và giám sát mọi hoạt động của người dùng tốt nhất. Trên mỗi tài khoản ngân hàng đều được quy định bằng tên người đăng ký mở tài khoản cùng nhiều thông tin phái sinh khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dựa theo nhu cầu của người dùng, ngân hàng tạo ra hệ thống hai loại tài khoản ngân hàng chính là Tài khoản thanh toán (giao dịch) và Tài khoản tiết kiệm. Mỗi loại tài khoản trên đều được phân chia ra thành nhiều dạng tài khoản khác nhau.

Điều kiện để mở tài khoản ngân hàng

Tùy theo quy định của mỗi ngân hàng thì điều kiện mở tài khoản có thể khác nhau nhưng nhìn chung vẫn có những điều kiện bắt buộc đối với tất cả mọi ngân hàng khi đưa ra cho người dùng. Theo thông tư số 23/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng, đó là cá nhân người Việt Nam hoặc đang sinh sống tại Việt Nam có tuổi từ 15-18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có tài sản riêng đảm bảo. Nếu là người dưới 15 tuổi hoặc đủ nhưng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có thể mở tài khoản ngân hàng thông qua người giám hộ hoặc người đại diện pháp luật.

Có thể mở tối đa bao nhiêu tài khoản ngân hàng?

Tài khoản ngân hàng hiện chưa có một mức quy định cụ thể về số lượng tối đa mà người dùng có thể mở tại các ngân hàng. Ngân hàng quản lý người dùng thông qua một mã khách hàng (CIF), mã số này được kết nối với các thông tin trên CMND hoặc hộ chiếu, sổ đỏ,…của người dùng, qua đó bạn có thể mở nhiều tài khoản ngân hàng tại các vùng miền khác nhau, hoặc với đồng tiền giao dịch khác nhau như ngoại tệ USD, EUR. Tất nhiên số tài khoản ngân hàng của bạn sẽ luôn được Ngân hàng thống kê và giám sát chi tiết.

Địa điểm mở tài khoản ngân hàng

Để mở tài khoản ngân hàng, bạn có thể tới các Phòng giao dịch hoặc chi nhánh của các Ngân hàng Thương mại hoặc Ngân hàng Nhà nước để mở tài khoản và tham gia giao dịch, thanh toán hoặc gửi tiền tiết kiệm.

Khách hàng hoàn toàn có thể mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau cùng lúc do mỗi ngân hàng đều có thể kiểm soát bạn thông qua số tài khoản khá rõ ràng và chi tiết.

Thẻ ATM là gì? Phân biệt các loại thẻ

Thẻ ATM được hiểu là một loại thẻ do các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính cấp cho người dùng để thực hiện các giao dịch và thanh toán như rút tiền, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn,…thông qua máy ATM (máy rút tiền tự động hoặc tại các điểm hỗ trợ thanh toán bằng thẻ.

Thẻ ATM bao gồm thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng và được làm ra dưới hai dạng là thẻ từ và thẻ chip.

Thẻ ghi nợ (thẻ ghi nợ nội địa): là loại thẻ có chức năng rút tiền dựa trên cơ sở ghi nợ vào tài khoản ngân hàng của bạn. Tức là khi bạn rút tiền tại các điểm ATM, tài khoản ngân hàng của bạn sẽ tự động bị trừ đi bằng đúng số tiền bạn đã rút. Thẻ ghi nợ yêu cầu tài khoản ngân hàng cần có sẵn tiền và chỉ được rút trong giới hạn số tiền hiện có. Người dùng sẽ cần có số dư để duy trì tài khoản.

Thẻ tín dụng (thẻ thanh toán trong nước và quốc tế): hiểu đơn giản là loại thẻ cho phép bạn vay tiêu dùng ngân hàng dựa trên hạn mức tín dụng trên quy mô toàn cầu. Tùy theo hạng thẻ, bạn sẽ được áp một hạn mức chi tiêu nhất định. Điều đó có nghĩa bạn thậm chí có thể rút tiền, thanh toán các món hàng trong khi thẻ không hề có tiền. Đặc biệt, thẻ tín dụng không yêu cầu số dư tài khoản. Tuy nhiên, bạn sẽ phải hoàn lại số tiền đã chi tiêu vượt hạn mức trong vòng 45 ngày. Quá số ngày đó, bạn phải chịu lãi suất theo quy định của từng ngân hàng.

Yêu cầu mở thẻ tín dụng là người chứng minh được năng lực tài chính và khả năng thanh khoản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Về cơ bản, thì thẻ ngân hàng thường được phân ra theo các tiêu chí sau:

Phân biệt thẻ ngân hàng theo hạn mức của thẻ:

  • Thẻ ngân hàng được sẽ chia ra làm thẻ chuẩn và thẻ vàng
  • Thẻ ngân hàng chuẩn: hạn mức tín dụng từ 10 – 50 triệu (số tiền bạn được vay tối đa)
  • Thẻ ngân hàng vàng: hạn mức tín dụng trên 50 triệu

Phân biệt thẻ ngân hàng theo phạm vi lãnh thổ:

Thông thường ngân hàng tại Việt Nam sẽ phát hành song song 2 loại thẻ cho phép kết nối chung với một tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng đó là thẻ nội địa và thẻ quốc tế

  • Thẻ nội địa (ATM): phạm vi sử dụng chỉ ở trong nước; có thể rút tiền tại các cây ATM trong nước và chỉ mua sắm được trên các website ở Việt Nam; phí dịch vụ khá rẻ
  • Thẻ quốc tế : phạm vi sử dụng là trong nước và quốc tế; có thể rút tiền tại các cây ATM trên toàn thế giới; thoải mái mua sắm trên các website trong nước và quốc tế. Thẻ phổ biến: thẻ tín dụng (credit card), ghi nợ (debit card) và trả trước (prepaid card). Tên các loại thẻ thông dụng (Visa, Master, JCB, American Express, Western Union, …Phí dịch vụ khá cao

Phân biệt giữa thẻ tín dụng, trả trước, và ghi nợ

  • Thẻ tín dụng: Chức năng thường dùng để thanh toán; Liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng; Có thể dùng để tiêu trước trả tiền sau (trong hạn mức cho phép); Sau 45 – 60 ngày bắt đầu tính lãi (tùy ngân hàng). Để mở thẻ, cần chứng mình tài chính thông qua (bảng lương, thời gian làm việc, hoặc sổ tiết kiệm)
  • Thẻ ghi nợ: Chức năng cũng dùng để thanh toán; Liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng; Tuy nhiên chỉ được thanh toán bằng số tiền trong tài khoản (bạn nộp bao nhiêu, được thanh toán bấy nhiêu); Có cả thẻ ghi nợ nội địa (ATM) và quốc tế (Visa Debit, Master Debit)
  • Thẻ trả trước: Chức năng dùng để thanh toán; Không liên kết với tài khoản ngân hàng; Vì không liên kết với tài khoản ngân hàng nên bạn phải nộp tiền vào thẻ trả trước rồi mới có thể sử dụng => bất tiện hơn so với 2 loại thẻ trên. Ưu điểm là khi bị mất thẻ sẽ không ảnh hưởng tới thẻ ở tài khoản ngân hàng; Có cả thẻ nội địa và quốc tế.

Thẻ phụ có tác dụng gì?

Thẻ phụ là thẻ do chủ tài khoản đăng ký phát hành bổ sung cho người thân, thẻ này đứng tên chủ tài khoản chính và là người có quyền quyết định nộp và rút tiền vào tài khoản của thẻ phụ. Mỗi chủ thẻ chính sẽ có tối đa 2 thẻ phụ.

Yêu cầu lập thẻ phụ đơn giản, không yêu cầu chứng minh thu nhập, dễ dàng hỗ trợ các dịch vụ tài chính cho các đối tượng không có nhu cầu mở tài khoản ngân hàng mới. Đặc biệt giúp chủ thẻ chính quản lý chi tiêu tốt hơn.

Đối tượng áp dụng với thẻ phụ là công dân trên 15 tuổi và không cần yêu cầu chứng minh năng lực tài chính, thu nhập. Khi lập thẻ phụ khách hàng sẽ được cấp một hạn mức nhất định và phí thường niên.

Dù là một người mới tham gia giao dịch với ngân hàng hay đã có kinh nghiệm mở tài khoản ngân hàng Vietcombank, Techcombank, VPBank, VIB,…thì nhìn chung những khái niệm cơ bản về dịch vụ ngân hàng trên đây đều là cơ sở để khách hàng có thể tiếp cận, hiểu sâu hơn và học cách làm giàu từ việc tham gia giao dịch cùng với định chế tài chính đặc biệt này tốt nhất.

Theo MTDT

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tai-khoan-ngan-hang-la-gi-co-the-mo-toi-da-bao-nhieu-tai-khoan-ngan-hang-d62408.html

Bạn đang đọc bài viết Tài khoản ngân hàng là gì? Có thể mở tối đa bao nhiêu tài khoản ngân hàng? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng