Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cho biết ngân hàng mua lại 200 trái phiếu trước hạn của đợt phát hành riêng lẻ vào 2018 vào ngày 10/9/2019.
Theo đó, MSB đã chi ra 213 tỉ đồng tương đương 1.065.000.000 đồng/trái phiếu. Trái phiếu có lãi suất cố định 6,5%/năm và kì hạn 3 năm (đáo hạn ngày 10/9/2021).
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ.
Ảnh minh họa |
Vào đầu tháng 9, MSB đã công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019 với số dư nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1.466 tỉ đồng cuối năm 2018 lên 1.620 tỉ đồng tại thời điểm 30/6/2019, tương đương tăng 10,6%.
Mặc dù vậy, do số dư cho vay khách hàng của MSB tăng mạnh 13,7% cao hơn tăng trưởng của nợ xấu nên tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn giảm từ 3,01% xuống 2,92%.
Cùng với đó, MSB cũng còn hơn 3.237 tỉ đồng nợ xấu tại VAMC, giảm nhẹ so với cuối năm 2018, trong đó đã trích lập dự phòng gần 859 tỉ đồng. Trong khi đó, số lãi, phí dự thu của MSB tăng khá mạnh gần 21% với 3.789 tỉ đồng.
Tương tự với MSB, BIDV cũng vừa mua lại trước hạn 7.300 tỷ đồng trái phiếu phát hành trong năm 2014 từ tay nhà đầu tư, chủ yếu là các ngân hàng.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, là nợ thứ cấp của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2.
Số trái phiếu này được phát hành làm hai đợt trong năm 2014 với tổng giá trị 7.300 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm một ngày và BIDV có quyền mua lại sau 5 năm.
Theo thông tin nhà băng công bố, nhà đầu tư chính đã mua vào số trái phiếu này là các ngân hàng. Cụ thể, 11 ngân hàng đã mua vào tổng cộng 6.650 tỷ trái phiếu BIDV phát hành đợt 1 và đợt 2 năm 2014.
Trong đó, Techcombank nắm 1.150 tỷ, VietinBank 1.000 tỷ, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam 1.000 tỷ, BacABank 700 tỷ, TPBank 550 tỷ, LienVietPostBank 500 tỷ, DongA Bank 500 tỷ, MSB 450 tỷ, OCB 400 tỷ, NamABank 200 tỷ, Public Bank Việt Nam nắm 200 tỷ đồng. Còn lại 650 tỷ đồng trái phiếu BIDV là do các công ty chứng khoán (SSI, chứng khoán Thiên Việt) và công ty bảo hiểm Dai-chi Việt Nam mua vào.
Từ đầu 2019, BIDV cũng thông báo phát hành 3.300 tỷ đồng trái phiếu. Tính đến nay, ngân hàng đã chào bán thành công 300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm. Trái phiếu loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, là nợ thứ cấp của BIDV và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn tự có cấp 2 của ngân hàng.
Trước đó vào hồi tháng 8, Ngân hàng Quân đội Việt Nam (MBBank, mã CK: MB) cũng đã mua lại hơn 500 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2018 từ tay các ngân hàng (chiếm gần 55%), công ty bảo hiểm (32%), quỹ đầu tư (hơn 5%), công ty chứng khoán (hơn 8%) và cá nhân (0,02%).
Theo Hoài Sơn/TBCK