Trái phiếu là gì?
- Là một loại chứng khoán quy định nghĩa vụ của công ty phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) một khoản tiền xác định;
- Có xác định khoảng thời gian cụ thể;
- Công ty phát hành phải hoàn trả khoản cho vay ban đầu khi nó đáo hạn;
Đặc điểm của trái phiếu
- Chủ thể phát hành trái phiếu không chỉ có Công ty, mà còn có Chính phủ Trung ương và chính quyền địa phương.
- Người mua trái phiếu chỉ là người cho chủ thể phát hành vay tiền và là chủ nợ của chủ thể phát hành trái phiếu. Khác với người mua cổ phiếu là người Chủ sở hữu Công ty.
- Thu nhập của trái phiếu là tiền lãi, là khoản thu cố định không phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của công ty.
- Trái phiếu là chứng khoán nợ, vì vậy khi Công ty bị giải thể hoặc phá sản thì trước hết Công ty phải có nghĩa vụ thanh toán cho các Chủ trái phiếu trước, sau đó mới chia cho các Cổ đông.
- Với những đặc điểm trên, trên phương diện nhà đầu tư thì trái phiếu có tính ổn định và chứa đựng ít rủi ro hơn cổ phiếu. Vì vậy, trái phiếu là loại chứng khoán được các nhà đầu tư ưa chuộng.
Đặc trưng của trái phiếu
- Mệnh giá trái phiếu hay còn gọi là giá trị danh nghĩa của trái phiếu là giá trị ghi trên trái phiếu. Giá trị này được coi là số vốn gốc. Mệnh giá trái phiếu là căn cứ để xác định số lợi tức tiền vay mà người phát hành phải trả. Mệnh giá cũng thể hiện số tiền người phát hành phải hoàn trả khi trái phiếu đến hạn.
- Lãi suất danh nghĩa: Lãi suất trái phiếu thường được ghi trên trái phiếu hoặc người phát hành công bố được gọi là lãi suất danh nghĩa. Lãi suất này được xác định theo tỷ lệ phần trăm so với mệnh giá trái phiếu và cũng là căn cứ để xác định lợi tức trái phiếu.
- Thời hạn của trái phiếu là khoảng thời gian từ ngày phát hành đến ngày người phát hành hoàn trả vốn lần cuối. Trái phiếu có thời hạn khác nhau, trái phiếu trung hạn có thời gian từ 1 năm đến 5 năm. Trái phiếu dài hạn, có thời gian từ 5 năm trở lên.
- Kỳ trả lãi là khoảng thời gian người phát hành trả lãi cho người nắm giữ trái phiếu. Lãi suất trái phiếu được xác định theo năm, nhưng việc thanh toán lãi suất trái phiếu thường được mỗi năm hoặc hai năm một lần.
- Giá phát hành là giá bán ra của trái phiếu vào thời điểm phát hành. Thông thường giá phát hành được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) của mệnh giá. Tùy theo tình hình của thị trường và của người phát hành để xác định giá phát hành một cách thích hợp. Có thể phân biệt 3 trường hợp: giá phát hành bằng mệnh giá (ngang giá), giá phát hành dưới mệnh giá (giá chiết khấu)và giá phát hành trên mệnh giá (giá gia tăng)(Với mệnh giá là giá trị của cổ phiếu khi chào bán lần đầu và trên lý thuyết công ty phát hành cổ phiếu cam kết sẽ không phát hành thêm một cổ phiếu nào dưới mệnh giá đó).
Dù trái phiếu được bán với giá nào (ngang giá, giá chiết khấu hay giá gia tăng), thì lợi tức luôn được xác định theo mệnh giá của trái phiếu và khi đáo hạn, người có trái phiếu sẽ được thanh toán theo mệnh giá của trái phiếu.
Ảnh minh họa |
Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Đây là một dạng trái phiếu công nhận nghĩa vụ nợ đối với chủ sở hữu trái phiếu. Đây là hình thức huy động vốn có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Trái phiếu doanh nghiệp (tiếng Anh là Corporate Bond) có rủi ro cao hơn trái phiếu chính phủ. Lãi suất hầu như luôn cao hơn đối với các trái phiếu doanh nghiệp, ngay cả đối với các công ty, tổ chức có chất lượng tín dụng hàng đầu.
Cách hoạt động của trái phiếu doanh nghiệp
Hầu như tất cả trái phiếu doanh nghiệp đều có cấu trúc thanh toán lãi suất tiêu chuẩn. Khi nhà đầu tư sở hữu trái phiếu, họ nhận được tiền lãi từ công ty phát hành cho đến khi trái phiếu đáo hạn.
Tại thời điểm đó, chủ sở hữu trái phiếu có thể đòi lại mệnh giá của trái phiếu. Trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể có các điều khoản hay chính sách để cho phép trả trước sớm hơn nếu có thay đổi về lãi suất hiện hành và đương nhiên các chủ sở hữu trái phiếu có thể chọn bán trái phiếu trước khi đến ngày đáo hạn.
Giống như các loại nợ khác, trái phiếu có thể có lãi suất cố định giữ nguyên trong suốt vòng đời của trái phiếu, hoặc cũng có thể có lãi suất thay đổi.
Các loại trái phiếu doanh nghiệp hiện nay
Tại Việt Nam, trái phiếu doanh nghiệp có rất nhiều loại, chúng ta có thể tìm hiểu thông tin về các loại trái phiếu này ngay dưới đây:
Trái phiếu có lãi suất cố định: Là loại trái phiếu mà lợi tức được xác định theo một tỷ lệ (%) cố định tính theo mệnh giá.
Trái phiếu có lãi suất thay đổi: Ngược lại với trái phiếu lãi suất cố định.
Trái phiếu không lãi suất: Trái phiếu không có lãi nhưng được mua với giá chiết khấu.
Trái phiếu vô danh: Trái phiếu không ghi tên người mua
Trái phiếu ghi danh: Trái phiếu có ghi tên của người mua
Trái phiếu có thể chuyển đổi: được quyền chuyển đổi sang cổ phần của công ty
Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu: Trái phiếu có kèm phiếu cho phép mua một số lượng cổ phiếu nhất định.
Trái phiếu có thể mua lại: Cho phép nhà phát hành có thể mua lại trước khi đến hạn thanh toán
Trái phiếu bảo đảm: Trái phiếu mà nhà phát hành sử dụng một tài sản có giá trị để làm vật đảm bảo.
Trái phiếu có tài sản cầm cố: Là loại trái phiếu đảm bảo bằng việc nhà phát hành cầm cố một tài sản để đảm bảo thanh toán cho chủ trái phiếu.
Trái phiếu đảm bảo bằng chứng khoán ký quỹ: Là loại trái phiếu được đảm bảo bằng việc người phát hành thường đem ký quỹ số chứng khoán dễ chuyển nhượng mà mình sở hữu để làm tài sản đảm bảo.
Trái phiếu không đảm bảo: Là loại trái phiếu phát hành không có tài sản làm vật đảm bảo mà chỉ có uy tín của người phát hành.
Tại sao lại phát hành trái phiếu doanh nghiệp?
Trái phiếu doanh nghiệp là một hình thức tài trợ cho vay nợ. Công ty có thể kêu gọi một nguồn vốn lớn cho nhiều doanh nghiệp, cùng với vốn chủ sở hữu, các khoản vay ngân hàng và hạn mức tín dụng.
Nói chung thì một công ty cần phải có một thu nhập tiềm năng nhất định để có thể cung cấp chứng khoán nợ cho công chúng với lãi suất ưu đãi.
Nếu chất lượng tín dụng của một công ty ở mức cao thì sẽ dễ dàng phát hành thêm nợ với lãi suất thấp. Khi các công ty cần tăng vốn ngắn hạn, họ có thể bán thương phiếu, tương tự với trái phiếu nhưng thường đáo hạn trong khoảng 9 tháng hoặc ít hơn.
Sự khác biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu
Khi một nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, có nghĩa là họ cho công ty đó vay tiền.
Ngược lại, khi một nhà đầu tư mua cổ phiếu, nghĩa là họ mua một phần của công ty. Giá trị của các cổ phiếu tăng và giảm đi theo giá trị của công ty, cho phép các nhà đầu tư kiếm lợi nhuận hoặc thua lỗ.
Với trái phiếu, nhà đầu tư sẽ chỉ kiếm lãi mà thôi. Nếu một công ty bị phá sản, công ty sẽ trả cho chủ sở hữu trái phiếu của mình cùng các chủ nợ khác trước các cổ đông trong công ty, làm cho trái phiếu luôn trong tình trạng an toàn hơn cổ phiếu.
Chứng khoán đảm bảo bằng tài sản
Một trong các loại trái phiếu doanh nghiệp đó là chứng khoán đảm bảo bằng tài sản bao gồm các khoản nợ tiêu dùng, chẳng hạn như các khoản vay để mua nhà, các dòng vốn chủ sở hữu của tín dụng và các khoản phải thu bằng thẻ tín dụng.
Các nhà đầu tư tổ chức thường mua chứng khoán đảo bảo bằng tài sản. Loại trái phiếu này có thể được bao gồm trong quỹ tương hỗ trái phiếu doanh nghiệp.
Theo MTDT