Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Tách, gộp cổ phiếu là gì?

Theo ANTT 10:06 03/10/2019

Ông Lâm Minh Chánh, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Vàng Thế Giới nhận định, trong 2 năm qua hoạt động tách, gộp cổ phiếu tại Việt Nam không mấy sôi động.

Tách, gộp cổ phiếu là gì?

Tách và gộp cổ phiếu là việc làm tăng hoặc giảm số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty cổ phần mà không làm thay đổi vốn điều lệ, vốn cổ phần hay toàn bộ giá trị thị trường tại thời điểm tách hoặc gộp cổ phiếu.

Tùy theo mục đích của công ty và tình hình thị trường mà công ty có thể tiến hành tách hay gộp cổ phiếu. Việc tách, gộp cổ phiếu thường được quy định trong điều lệ công ty và do Đại hội cổ đông quyết định, nhưng trong thực tế thường thì Đại hội cổ đông thông qua chủ trương và ủy quyền cho Hội đồng quản trị lựa chọn thời điểm thích hợp tiến hành việc tách hoặc gộp cổ phiếu.

Tùy theo mục đích của công ty và tình hình thị trường mà công ty có thể tiến hành tách hay gộp cổ phiếu.

Tách cổ phiếu sẽ làm tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành và làm giảm mệnh giá cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ tách, do đó giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ giảm tương ứng và giao dịch được thực hiện dễ dàng hơn. Việc tách cổ phiếu thường được thực hiện khi giá cổ phiếu trên thị trường tăng quá cao làm cho các giao dịch sẽ khó thực hiện và điều này sẽ làm giảm tính thanh khoản của cổ phiếu. Vì vậy, khi giá cổ phiếu tăng cao trên thị trường thì việc tách cổ phiếu là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu, đồng thời sau khi tách giá cổ phiếu thường có xu hướng tăng lên. Mặt khác, sau khi tách cổ phiếu, số lượng cổ phiếu được giao dịch trên thị trường tăng lên có thể làm tăng số lượng cổ đông của công ty, qua đó góp phần làm hạn chế khả năng công ty bị thâu tóm.

Ví dụ, một công ty cổ phần ABC có 1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu (tổng giá trị niêm yết là 10 tỷ đồng) và giá thị trường tại thời điểm hiện tại là 100.000 đồng/cổ phiếu. Công ty tiến hành tách cổ phiếu theo tỷ lệ 1:2 (nghĩa là người sở hữu 1 cổ phiếu cũ sẽ nhận được 2 cổ phiếu mới, khi đó tổng số cổ phiếu mới của công ty sẽ là 2 triệu cổ phiếu mệnh giá 5.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị niêm yết vẫn là 10 tỷ đồng nhưng giá thị trường của cổ phiếu mới sẽ dao động ở mức 50.000 đồng/cổ phiếu.

Ngược lại, trường hợp gộp cổ phiếu sẽ làm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, mệnh giá cổ phiếu tăng lên và giá thị trường của cổ phiếu cũng tăng lên tương ứng với tỷ lệ gộp cổ phiếu. Theo thống kê ở các nước thì trường hợp gộp cổ phiếu thường ít khi xảy ra đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán bởi vì mục đích duy nhất của việc gộp cổ phiếu là làm cho cổ phiếu đó có giá trị hơn trên thị trường và qua đó làm tăng tính thanh khoản của cổ phiếu.

Ví dụ, công ty cổ phần DEF có 6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, mệnh giá 10.000 đ/cổ phiếu, tổng giá trị niệm yết là 60 tỷ đồng và giá thị trường đang ở mức 12.000 đồng/cổ phiếu. Để tránh cho giá cổ phiếu của công ty giảm xuống thấp hơn mệnh giá, công ty cổ phần DEF tiến hành gộp cổ phiếu theo tỷ lệ 3:1 (nghĩa là cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu cũ sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới). Như vậy sau khi gộp, tổng số cổ phiếu mới của công ty là 2 triệu cổ phiếu, với mệnh giá 30.000 đồng/cổ phiếu và giá thị trường của cổ phiếu mới sẽ dao động quanh mức giá 36.000 đồng/cổ phiếu.

Tác động của tách và gộp cổ phiếu

Nhìn chung, gộp cổ phiếu (làm giảm lượng cổ phiếu, tăng mệnh giá, thị giá) và tách cổ phiếu (làm tăng lượng cổ phiếu, giảm mệnh giá, thị giá) là thủ thuật toán học, không làm thay đổi một yếu tố tài chính nào. Thủ thuật này nhằm giúp cổ phiếu đạt được mức giá hợp lý, để dễ dàng hơn trong việc mua bán trên thị trường, thu hút sự chú ý của dư luận trước thời điểm tăng vốn hoặc để đạt được một tiêu chuẩn niêm yết nào đó.

Như vậy, gộp cổ phiếu có vẻ như chỉ là chuyện thủ tục. Nhưng trong thực tế, một số nghiên cứu của các chuyên gia về lĩnh vực này cho thấy, gộp cổ phiếu có tác động 2 mặt lên sự phát triển của doanh nghiệp. Tiêu biểu là bài tham luận “Xung quanh câu chuyện gộp cổ phiếu: Nhà đầu tư lợi gì?” của 3 chuyên gia tài chính Mỹ là April Klein (Đại học New York), James Rosenfeld (Đại học Emory, Atlanta), X. Jenny Tucker (Đại học Florida) được công bố vào năm 2007.

Các chuyên gia này theo dõi liên tục hoạt động tài chính và giao dịch cổ phiếu của nhiều công ty Mỹ trong 3 năm sau khi gộp cổ phiếu. Họ đúc kết rằng, các công ty có cổ phiếu gộp đã thu được nhiều lợi ích trong ngắn hạn. Trước hết là tính thanh khoản gia tăng, do thông tin gộp cổ phiếu làm tăng giá cổ phiếu khiến các nhà đầu tư bị thu hút, đặc biệt là giới đầu tư “lướt sóng”. Nhà đầu tư cũ cũng được “thơm lây” do thương hiệu của cổ phiếu được biết đến nhiều hơn, nghĩa là một mặt nào đó cổ phiếu đã được “làm giá” một cách tích cực.

Cho nên, không có gì lạ khi giá và khối lượng giao dịch của cổ phiếu Cavico tăng nhanh ngay sau khi niêm yết trên thị trường Nasdaq.

Thứ hai, nhà đầu tư hiện tại, đặc biệt là nhà đầu tư “lướt sóng” lại nhìn nhận việc tách, gộp như là một tín hiệu cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp đang sa sút, nên tăng cường bán ra hơn là mua vào, khiến cho giá cổ phiếu giảm. Chẳng hạn, giá cổ phiếu của Coca-Cola đã giảm chỉ còn 1/3 (1,25 USD) ngay sau khi Công ty công bố việc tách 1 cổ phiếu thành 2 cổ phiếu vào năm 1996).

Thứ ba là sự mất lòng tin của nhà đầu tư hiện tại khi họ phát hiện ra công ty chỉ cố thu hút nhà đầu tư mới bằng thủ thuật tách, gộp, trong khi các nhà đầu tư hiện hữu vẫn không thể mua, bán gì được cổ phiếu đang nắm giữ (nghĩa là, thanh khoản của cổ phiếu vẫn kém).

Thứ tư, ông Lê Anh Thi, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn, Công ty Chứng khoán Âu Việt, cho biết, việc giảm số lượng cổ phiếu và tăng giá trị thông qua hình thức gộp cổ phiếu sẽ dẫn đến việc nhà đầu tư nhỏ lẻ khó tiếp cận loại cổ phiếu này hơn. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực rất lớn để tiếp cận nhà đầu tư lớn. Điều này không dễ dàng nếu giá trị thực sự của công ty chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, tách gộp cổ phiếu xảy ra chủ yếu trên thị trường OTC, nơi mà giá trị cổ phiếu liên tục biến động. Bà Châu Lệ Nga, Giám đốc Đầu tư, Công ty Bảo hiểm SVIC, người có nhiều kinh nghiệm về thị trường này, nhận định, hoạt động gộp hầu như không thấy xảy ra mà chỉ thấy hoạt động tách và chủ yếu nằm trong khối ngân hàng.

Nguyên nhân là các cổ phiếu ngân hàng thường xác lập mệnh giá khá cao khi tham gia vào thị trường (chẳng hạn Techcombank có mệnh giá 5 triệu đồng/cổ phiếu), khiến tính thanh khoản không tốt, nên các ngân hàng đã thực hiện tách cổ phiếu. Ngoài ra, ngân hàng cũng phải tách cổ phiếu khi muốn tham gia niêm yết trên thị trường chính thức, với mệnh giá quy định khi niêm yết là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, nhìn chung, ông Lâm Minh Chánh, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Vàng Thế Giới, người có kinh nghiệm quản lý tại nhiều công ty chứng khoán, nhận định, trong 2 năm qua hoạt động tách, gộp cổ phiếu tại Việt Nam không mấy sôi động.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tach-gop-co-phieu-la-gi-d62344.html

Bạn đang đọc bài viết Tách, gộp cổ phiếu là gì? tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán