Xây dựng thói quen quản lý tiền bạc từ sớm
"Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi tiêu, hãy tiêu những gì còn lại sau khi tiết kiệm" là điều Warren Buffett luôn tâm niệm. Tại các nước phương Tây, quản lý tài chính cá nhân từ lâu đã là một trong những kỹ năng được các bậc phụ huynh dạy con từ khi còn bé. Tuy nhiên tại Việt Nam, điều này lại hoàn toàn ngược lại.
"Ở Việt Nam chúng ta có thể nói đề tài về chuyện tiền bạc hơi kiêng kỵ được nhắc đến khi bạn còn quá trẻ. Con cái không được tự ý tiêu tiền, thậm chí sờ đến tiền. Bố mẹ hạn chế nói về tiền bạc với con cái Trong các trường học cũng có thể dạy về tiền nhưng theo nghĩa con số trên giấy tờ chứ không phải tiền thật", shark Phạm Thanh Hưng chia sẻ trong một cuộc trò chuyện do Finhay tổ chức cách đây không lâu.
Shark Phạm Thanh Hưng (Ảnh Internet). |
Chính vì vậy shark Hưng cho rằng phản xạ về tiền hay độ nhạy cảm về tiền, cảm xúc đối với tiền với người trẻ Việt Nam không có nhiều. Nhưng khi một người có đồng tiền thực sự thì độ nhạy cảm, cảm xúc sẽ rất khác nhưng thông thường đến hơi muộn. Vì thế theo shark Hưng nếu người trẻ tiếp xúc sớm với tài chính, tiền bạc thì càng có độ nhạy cảm với vấn đề tài chính kể cả tài chính cá nhân và doanh nghiệp sau này muốn khởi nghiệp.
Từ chính bản thân mình, Phó Chủ tịch CenGroup cho rằng thế hệ của mình không được dạy về tài chính cá nhân. Bản thân gia đình shark Hưng cũng không có truyền thống về làm kinh doanh. Bố mẹ đều là giáo viên nên nhắc chuyện tiền nong với con cái tuy không phải là điều cấm kỵ nhưng thường hạn chế.
"Có một biến cố cuộc đời là bố tôi mất khá sớm khi tôi mới tốt nghiệp đại học và ngay lập tức mọi thứ đổ dồn vào đầu tôi. Ngay lập tức tôi phải tính toán dòng tiền của mình có, bố để lại bao nhiêu. Mình tính toán xem chi tiêu như thế nào. Thực sự là câu chuyện khó khăn tại thời điểm đó và mất rất nhiều. Cũng bị người này người kia khuyên mình nên đầu tư cái này cái kia kể cả bất động sản. Với lứa tuổi như vậy đó là câu trả lời rất khó khăn với bản thân tôi tại thời điểm đó. Cũng phải trả giá rất nhiều năm sau mình mới học được bài học từ nhiều nguồn, từ chính kinh nghiệm bản thân lẫn người thầy hay bài học trong trường lớp", shark Hưng nhớ lại việc học về quản lý tài chính cá nhân của mình.
Quan điểm của shark Hưng tương đồng với tỷ phú thế giới Warren Buffett. Ông cho rằng thói quen là thứ khó cảm nhận lúc mới đầu nhưng dần dần sẽ không dễ để phá vỡ. Nếu trẻ có một số thói quen xấu liên quan đến tiền bạc và bạn không đủ tinh ý để nhận ra hoặc không cố gắng định hướng, về sau bạn sẽ rất khó thay đổi. Do đó, hãy quyết định thật khôn ngoan từ sớm thay vì cố cứu vãn khi đã quá muộn.
Dùng sức tiền thay vì "bán thân"
Không chỉ đưa ra lời khuyên về tiết kiệm, shark Hưng cho rằng trong cuộc sống, thu nhập của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta kiếm tiền.
"Nếu chúng ta chỉ kiếm tiền bằng tiền công, tiền lương, dùng sức lao động, thời gian, có thể cao hơn chút nữa là dùng trí tuệ để kiếm tiền. Thì đây là cách kiếm tiền sơ đẳng nhất, chúng ta nói đùa là "bán thân". Có thể là thời gian, trí tuệ, sức lực. Nhưng nếu dùng công cụ là tiền, dùng người khác làm thuê cho mình thì đó là đang tận dùng sức tiền để tạo ra thu nhập của mình", cá mập CenGroup cho biết.
Ông cũng đưa ra dẫn chứng thống kê cho thấy có 22% những người ở tầng lớp thu nhập trung, thượng lưu trên thế giới bằng tiết kiệm. Thế nên khi bạn biết cách tiết kiệm, biết cách dùng tiền tiết kiệm để đầu tư thì bạn sẽ rất nhanh chóng ở một lứa tuổi rất trẻ nhưng có thể vượt qua được bẫy đi làm thuê.
"Tôi mong muốn ở lứa tuổi càng sớm càng tốt các bạn đạt được trạng thái cân bằng giữa thu nhập từ hoạt động đầu tư và thu nhập từ tiền công tiền lương, sức lực của mình. Nếu các bạn đạt được điều này ở lứa tuổi 35 thì chúc mừng bạn. Bạn có sức khỏe tài chính rất tốt. Các bạn cứ tích lũy rồi đầu tư thì thu nhập từ tích lũy, đầu tư sẽ dần thay thế thu nhập từ tiền công tiền lương", shark Hưng khẳng định.
Tất nhiên với người trẻ, vốn không có, tiền không nhiều một câu hỏi rất khó là làm sao để đầu tư thành công. Theo kinh nghiệm của shark Hưng, trong đầu tư có rất nhiều quan điểm và tùy theo mức độ đầu tư, khẩu vị rủi ro của từng người. Cách đơn giản nhất theo nhà đầu tư này chính là gửi tiết kiệm không nhất thiết phải là vàng bạc, chứng khoán.
Sức tiền mà shark Hưng đề cập tới chính là sức mạnh của lãi kép. Einstein từng gọi lãi kép là kỳ quan thứ tám của thế giới và nói rằng "những ai hiểu nó, sẽ kiếm được nó, còn những ai không, thì phải trả nó". Chẳng hạn, một khoản đầu tư 100.000 USD có mức sinh lợi 10% mỗi năm. Tổng lợi nhuận sẽ cao hơn khoảng 7% nếu các khoản lợi nhuận được tái đầu tư thay vì rút ngay sau thời gian 5 năm. Tuy nhiên, sau 10 năm, khoản tiền mà có lợi nhuận được tái đầu tư (tạm gọi là Khoản dùng lãi kép) sẽ sinh lợi nhiều hơn 30% so với khoản tiền không được tái đầu tư. Lãi kép tăng theo hàm số mũ, nó sẽ hình thành đà tăng lên theo thời gian; sau 20 năm, lợi nhuận đã lên tới 125%.
Theo Thu Hoài/TBCK