Tại buổi chia sẻ 1.000 CEO do Công ty Tư vấn đào tạo PDCA tổ chức ngày 27/10 tại Hà Nội, rất nhiều chủ doanh nghiệp phàn nàn: “Tôi làm mãi mà doanh nghiệp không lớn được” hoặc “Khởi nghiệp rất lâu nhưng tôi thấy vẫn chưa bài bản và nhiều vấn đề đang bị mắc kẹt”…
Làm doanh nghiệp theo bản năng
Tại sự kiện, bà Phương Thảo, Giám đốc Công ty Đồng phục học sinh Phương Thảo, cho biết: “Tôi khởi nghiệp khi còn trẻ và năm nay đã 58 tuổi. Đối với thị trường trong nước, Công ty Phương Thảo đã “phủ sóng” gần như khắp các tỉnh thành. Tuy nhiên, sang giai đoạn này, tôi thấy cần có công nghệ. Tôi đang “mắc kẹt” ở vấn đề này nên công ty chưa thẻ vươn ra biển lớn. Đến với sự kiện 1.000 CEO, tôi mong được gặp gỡ để học hỏi cùng nhau phát triển”.
Chia sẻ về vấn đề mình đang gặp phải, chị Như Quỳnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thể thao Long Vũ nêu khó khăn: “Tôi đã vượt qua nhiều rào cản để khởi nghiệp. Hiện tại tôi có hai công ty nhưng do không kiểm soát được nên phải bàn giao một công ty cho người khác quản lý. Dù chỉ quản lý một nhưng công ty vẫn không đâu vào đâu. Có lẽ do tôi làm doanh nghiệp theo bản năng, cạnh tranh bằng giá nên biên độ lợi nhuận rất mỏng, thu không đủ bù chi. Nhiều lúc, tôi cảm thấy mệt mỏi”.
Gần 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nhưng anh Bùi Quang Tú vẫn “mắc kẹt” trong mơ bòng bong. Doanh nghiệp do anh thành lập mãi vẫn “không lớn”. “Tôi đang mắc kẹt trong chính công ty của mình. Tôi tối mắt tối mũi, thậm chí mất cân bằng cuộc sống, không có thời gian dành cho bản thân, gia đình. Kết quả thì sao? Công ty của tôi mãi vẫn “không lớn”, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản”, anh Tú chia sẻ.
Qua trao đổi của các chủ doanh nghiệp, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận thấy, hầu hết khi bước chân vào con đường kinh doanh, ai cũng mong muốn “đã làm là phải lớn”. Nhiều người mơ về doanh nghiệp “triệu đô” hay đó là một tập đoàn kinh tế lớn. Không ai nghĩ, khởi nghiệp chỉ để “đủ ăn”.
Phải làm rõ hiện tại của doanh nghiệp
Giải mã vấn đề, ông Hoàng Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn đào tạo PDCA, tác giả cuốn sách “Giải phóng lãnh đạo, tự động hóa doanh nghiệp” cho rằng, làm doanh nghiệp theo bản năng khiến doanh nghiệp… loay hoay như mới khởi đầu. “Làm doanh nghiệp theo bản năng dễ mắc kẹt vào nợ nần, mất uy tín, danh dự, thậm chí là mất niềm tin vào chính mình. Nhiều người vượt qua các rào cản, khó khăn, đấu tranh nội tâm để khởi nghiệp rồi làm doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp lớn thêm một chút, quy mô tăng từ 20 - 30 nhân sự, khách hàng nhiều lên… họ lại mất kiểm soát.
Điều đó, khiến họ bị mắc kẹt vào chính công ty của mình và trở thành người nóng tính, hạnh phúc gia đình vì thế mà ảnh hưởng. Cố gắng để công ty lớn thêm một chút, doanh nghiệp phụ thuộc vào họ. Họ ốm cũng phải “có kế hoạch”. Vì khi họ ốm doanh nghiệp ốm theo, nhân viên không biết làm gì. Vì vậy, họ lo lắng, trăn trở cho sự phát triển của doanh nghiệp, làm sao để xây dựng đội ngũ kế thừa, chuyển giao được cho thế hệ, để nhân bản, phát triển công ty mà vẫn kiểm soát được. Để giải quyết tất cả vấn đề trên, theo tôi phải làm rõ hiện tại của doanh nghiệp”, ông Trọng chia sẻ.
Thực tế, làm rõ hiện tại là một trong những điều mà ông Trọng tâm đắc nhất trong một chuyến đi khảo sát doanh nghiệp ở Nhật Bản.
Theo ông Trọng, ở Nhật Bản, khi đầu tư vào lĩnh vực nào đó, điều đầu tiên mà doanh nghiệp nghĩ đến là lợi nhuận, doanh thu và thời gian thu hồi vốn đầu tư. Họ hiểu rằng, để doanh nghiệp phát triển bền vững cần xác định cái gì nên và không nên đầu tư. Ngoài ra, các ông chủ phải xây dựng cho mình một hệ thống quản trị doanh nghiệp hiệu quả để giải phóng sức lao động cho lãnh đạo.
Theo điều tra của VCCI, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 90% doanh nghiệp tư nhân được thành lập và phát triển bởi những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Dưới sự dẫn dắt của những lãnh đạo này, doanh nghiệp nhanh chóng phát triển và mở rộng sản xuất trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi quy mô doanh nghiệp mở rộng thì lãnh đạo doanh nghiệp không thể kiểm soát được bởi họ thiếu kỹ năng quản trị doanh nghiệp.
Điều đó cho thấy, để giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững và trở thành những “ông lớn”, người lãnh đạo doanh nghiệp cần am hiểu về chuyên môn kỹ thuật, nắm vững kỹ năng quản trị doanh nghiệp và thực hành linh hoạt nghệ thuật các kỹ năng đó.
Ba dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp mãi “không lớn”
Chủ doanh nghiệp làm việc trên 8h/ngày: Mặc dù chủ doanh nghiệp làm việc chăm chỉ nhưng công ty vẫn hoạt động chắp vá, ai biết việc người đó. Hoạt động của các phòng, ban thiếu sự cân bằng và kết nối.
Công việc các phòng, ban chồng chéo: Bản thân doanh nghiệp không có phòng, ban rõ ràng hoặc có nhưng không xác định được đầu vào, quy trình thực hiện và đầu ra của một bộ phận.
Không ghi lại tình hình tài chính: Điều hành một doanh nghiệp nhỏ đòi hỏi sự suy nghĩ, lập kế hoạch và tài liệu. Bạn suy nghĩ rất tốt và có kế hoạch cụ thể, bài bản nhưng nếu bạn nghĩ rằng có thể dẫn dắt doanh nghiệp mà không theo dõi mọi thứ như tài chính, nhân sự… thì đó là sai lầm. Do vậy, ngoài kế hoạch kinh doanh, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, các tài liệu pháp lý cần thiết, chi phí dự kiến và ước tính chính xác về chi phí tăng trưởng… bạn cần phải theo dõi về mặt tài chính của doanh nghiệp. Tất cả những tài liệu tài chính để bán hàng, chi phí, thuế, nhân viên, nhà thầu… đến những thứ liên quan đến dòng tiền, bạn cần phải ghi lại. Nếu không, bạn thực sự không thể biết những gì đang xảy ra với tài chính của doanh nghiệp và không biết sai lầm đang mắc phải nằm ở đâu.
(Còn nữa)