Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Vì sao PAN quyết định đầu tư 80% cổ phần Shin Cà phê?

Mai Hương 15:58 12/11/2019

CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group - HoSE: PAN) vừa công bố đầu tư và nắm gần 80% cổ phần Shin Cà phê. Ông Nguyễn Duy Khánh - Thành viên HĐQT PAN trực tiếp phụ trách thương vụ đầu tư vào startup này.

Vì sao PAN quyết định đầu tư vào Shin Cà phê?

Theo tinnhanhchungkhoan, người Việt mỗi năm dùng khoảng 170.000 tấn cà phê nhân, song nguồn nguyên liệu cung ứng nhìn chung có chất lượng kém, sản xuất và tiêu thụ đều phân mảnh, chưa có công ty thống lĩnh thị trường. Mảng đặc sản thì càng không có.

Trong khi đó, cà phê đặc sản (coffee specialty) là loại cà phê được canh tác trong những điều kiện lý tưởng. Hiệp hội Cà phê đặc sản của Mỹ (SCAA) chấm đạt từ 80 điểm trở lên theo thang điểm 100 với những điểm rất cụ thể.

Shin Cà phê được biết đến với sản phẩm cà phê đặc sản, song quy mô còn khiêm tốn. Hiện tại, Shin Cà phê mới có 2 cửa hàng tại trung tâm TP.HCM. Mọi người thường biết đến 2 cửa hàng Shin Cà phê tại trung tâm TP HCM, song đó chỉ là những không gian trải nghiệm, giới thiệu đến công chúng các sản phẩm cà phê đặc sản.

Ông Nguyễn Duy Khánh - Thành viên HĐQT Tập đoàn PAN.

Trả lời cho câu hỏi vì sao PAN quyết định đầu tư vào Shin Cà phê, theo ghi nhận từ Vnexpress, ông Nguyễn Duy Khánh - Thành viên HĐQT The PAN Group nói rằng: "Ngoài các doanh nghiệp đầu ngành, PAN cũng có chiến lược đầu tư vào những startup tiềm năng, thích hợp để cùng thực hiện sứ mệnh nâng tầm nông sản, thực phẩm Việt".

Ông nhìn thấy rõ đối tác Shin Cà phê có thế mạnh ở khâu sản xuất và cung cấp cà phê đặc sản, kiểm soát được vùng trồng và chất lượng chế biến ở các nhà máy do chính họ sở hữu.

"Với cà phê thì cũng không phải đến giờ chúng tôi mới tìm hiểu. Tập đoàn từng ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Đăk Lăk về việc xây dựng cơ sở trồng, chế biến, sản xuất cà phê thương hiệu với quy mô khoảng 1.000 tỷ đồng" - Ông Khánh cho biết thêm.

Ông kể rằng việc hợp tác lần này lại rất tình cờ, ông Khánh vô tình đọc được câu chuyện gây nhiều cảm hứng của CEO Shin Cà phê - Nguyễn Hữu Long trên truyền thông. Ông cho biết: "Đây có thể là mắt xích phù hợp trong chuỗi liên kết từ nông trại đến những sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao. Startup cũng mang trong mình ước mơ mang nông sản Việt ra với thế giới..."

Ông cũng nêu rõ định hướng của The PAN Group từ lâu luôn muốn góp phần thúc đẩy việc đưa hạt cà phê từ những vùng trồng chất lượng cao của Việt Nam ghi danh trên bản đồ thế giới, thông qua những thương hiệu được biết tới trên toàn cầu, bởi vậy, dù Shin Cà phê mới có 2 cửa hàng tại trung tâm TP.HCM, PAN vẫn sẽ quyết định đầu tư.

Đầu tư vào Shin cà phê là trân trọng quá khứ và cả sự thất bại

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Khánh từng nói "Đó là vì chúng tôi trân trọng giá trị từ những thất bại trước đây của đối tác. Quan trọng hơn là cứ sau thất bại, anh ấy tự đứng lên được. Không giống như việc M&A các doanh nghiệp đầu ngành, đầu tư vào các startup không bao giờ có chuyện "ăn chắc".

Cách tốt nhất để hạn chế rủi ro, theo tôi, là tìm được những đối tác từng phải tự mình trả giá cho những sai lầm trong quá khứ".

Quả vậy, ông chủ SHIN Cà Phê Nguyễn Hữu Long từng khởi nghiệp và thất bại nhiều lần với ý tưởng mở quán cà phê. Có thời điểm, anh phải thừa nhận "mất dần động lực, công việc kinh doanh xuống dốc" và lựa chọn con đường xuất khẩu lao động sang Nhật.

Ông chủ SHIN Cà Phê Nguyễn Hữu Long.

Trong lúc làm việc tại xử sở hoa anh đào, anh được tiếp cận với văn hóa và những chủng loại cà phê cao cấp hàng đầu. Thế là anh bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho lần khởi nghiệp tiếp theo, và lần này phải mất tới 5 năm chuẩn bị.

Anh tìm mọi cơ hội để học hỏi về cà phê, tham gia những khóa huấn luyện và đào tạo chuyên gia cà phê được cấp chứng chỉ của Nhật Bản và Mỹ. Cuối cùng anh được một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu cà phê tại Nhật mời về làm quản lý chất lượng, nhờ đó, cơ hội được kết nối và giao thương với các công ty và các quốc gia có thế mạnh về cà phê hàng đầu thế giới ngày càng rộng mở.

Sau này, đến tận năm 2015, ông Long trở về nước khởi nghiệp với SHIN Cà Phê, tập trung cho ý tưởng "Specialty" (tạm dịch là "Chuyên biệt"), chọn phân khúc cao cấp nhất, giúp khách hàng Việt Nam nâng cao hiểu biết về giá trị và hương vị thuần khiết của những mẫu cà phê, đặc biệt từ các vùng trồng nổi tiếng trên thế giới. Hiện ông Nguyễn Hữu Long đang sở hữu cửa hàng tại Quận 1 - TP.HCM, theo Nhịp sống Kinh tế.

Nhìn lại hành trình miệt mài theo đuổi ước mơ và xây dựng thương hiệu Shin cà phê của ông chủ Nguyễn Hữu Long, ông Khánh nói: "Tôi rất tin tưởng là người sáng lập hoàn toàn "sống" với cây cà phê, rất yêu nghề và có kiến thức. Đó là những phẩm chất cần có để thành công, không chỉ trong lĩnh vực F&B".

Ông Nguyễn Hữu Long không chỉ được đánh giá cao về kinh nghiệm và năng lực, mà tình yêu cà phê đã giúp ông vượt qua những ngày tháng thăng trầm trong hành trình xây dựng thương hiệu Shin cà phê. Những bài học đắt giá trong quá khứ và tình yêu cà phê chính là nguồn nội lực giúp họ vượt qua những bất trắc tiếp theo.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn//vi-sao-pan-quyet-dinh-dau-tu-80-co-phan-shin-ca-phe-d64325.html

Bạn đang đọc bài viết Vì sao PAN quyết định đầu tư 80% cổ phần Shin Cà phê? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp