Các doanh nghiệp đã chuẩn bị tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, sản xuất, kinh doanh trong điều kiện giãn cách xã hội. |
Nhiều doanh nghiệp đang làm khác
Cuối tuần trước, trong khi các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ và các địa phương thảo luận tại Hội nghị trực tuyến, thì nhóm 20 doanh nghiệp đã chính thức ngồi với nhau, bàn cách sản xuất máy trợ thở.
“Chúng tôi đã làm việc với nhóm chuyên gia của Đại học Điện lực, cùng nghiên cứu cách làm. Cơ chế hợp tác các bên cũng như kế hoạch làm việc với Bộ Y tế đang được phân công nhiệm vụ trong nhóm, để có thể có giấy phép sản xuất máy trợ thở với số lượng lớn”, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Bắc Việt chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Nhóm 20 doanh nghiệp này chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ, đang cung cấp nguyên phụ liệu cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Theo ông Vương, con số này có thể chưa dừng lại, vì nhiều doanh nghiệp tiếp tục đăng ký tham gia nhóm.
“Mục tiêu của chúng tôi là tận dụng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp để hạn chế tối đa, thậm chí không phải nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài khi sản xuất máy trợ thở”, ông Vương nói.
Cũng phải nói thêm, vài tuần trước, khi bắt đầu ý tưởng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia sản xuất máy trợ thở “made in Việt Nam”, ông Vương thực sự băn khoăn về nguồn lực tài chính. Mặc dù trong nhóm doanh nghiệp quan tâm đến ý tưởng này có một số nhà đầu tư tài chính, nhưng vướng mắc nằm ở chính doanh nghiệp sản xuất khi các đơn hàng mới giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp rơi vào thế khó khăn nghiêm trọng về thanh khoản.
“Rất mừng là các giải pháp về gia hạn thời gian nộp thuế, nộp tiền thuê đất đã được Chính phủ ký và có hiệu lực ngay. Còn nhiều giải pháp rất cần cho doanh nghiệp khác mà Chính phủ đang bàn như cắt giảm thủ tục hành chính, các loại phí, lệ phí trong đầu tư, trong logistics… mà chúng tôi tin sẽ sớm được quyết định. Khi đó, doanh nghiệp có thể dành các khoản này để nghiên cứu, chuyển đổi dây chuyền sản xuất theo các kế hoạch mới”, ông Vương hào hứng.
Phải sống chung với dịch bệnh
Có thể ông Vương chưa nắm được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, cụ thể là Bộ Công thương, Bộ Y tế trong việc tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để đẩy mạnh sản xuất thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Yêu cầu này được cụ thể hóa trong thời gian tới, khi Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được ban hành sau Hội nghị trực tuyến.
Nhưng có thể thấy trước, kế hoạch xin cấp phép sản xuất máy trợ thở của nhóm doanh nghiệp trên trong diện sẽ được ưu tiên hỗ trợ.
VCCI đề nghị Chính phủ cho thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Đây là Ban chỉ đạo và Tổ công tác trợ giúp doanh nghiệp, nên VCCI đề nghị có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tham gia các thiết chế này. Mục đích là có được một cơ chế thường xuyên phối hợp thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đạt hiệu quả cao. |
“Chúng tôi mong mọi thủ tục hành chính cần được đơn giản. Thậm chí, sẽ phải có những cách làm khác với quy trình, thủ tục theo quy định hiện hành, để các ý tưởng kinh doanh mới, các kế hoạch kinh doanh mới nương theo tình hình kinh tế trong nước và thế giới có thể đi vào thực hiện ngay, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.
Ngay trước Hội nghị trực tuyến của Chính phủ, VCCI đã gửi khuyến nghị với 33 giải pháp cụ thể. Trong đó, lo ngại lớn nhất của VCCI là những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời điểm này vẫn chưa thực sự nhận được sự hỗ trợ ngay lập tức của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, cấp chính quyền địa phương. Chưa kể cách thức thực hiện không thống nhất ở các địa phương đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bị ngăn sông, cấm chợ.
Thực tế, thời điểm này, không ai có thể dự báo bao giờ dịch bệnh chấm dứt. Các doanh nghiệp đang chuẩn bị một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”, sẵn sàng kinh doanh trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội phải là giải pháp của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời đại dịch.
“Chúng tôi mong tâm thế này không chỉ từ doanh nghiệp, mà phải từ cơ quan quản lý nhà nước, cấp chính quyền địa phương, để có những đề xuất chính sách phù hợp”, ông Lộc nói.
Công ty cổ phần Bagico (Bắc Giang) đã đầu tư buồng khử khuẩn, sử dụng sản phẩm Actide của Đức - dung dịch dùng khử khuẩn rau ăn sống, để lắp đặt ở cổng nhà máy, thực hiện khử khuẩn toàn bộ người lao động và phương tiện khi ra vào nhà máy. Song, theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico, khi Bộ Y tế có khuyến nghị trên báo chí về việc không nên dùng do chưa được Hội đồng Khoa học cấp bộ thông qua vì chưa đủ tài liệu chứng minh và cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus và an toàn đối với người sử dụng, nhiều doanh nghiệp cảm thấy lo lắng.
“Nếu cần có đánh giá, Bộ Y tế có thể phân quyền cho các sở y tế địa phương để làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có sáng kiến này, để có quyết định ngay, chứ không nên đưa thông tin trên báo chí, gây hoang mang doanh nghiệp và người dân”, bà Thực nói.
Các thói quen, nguyên tắc cũ đang cần phải thay đổi trong trạng thái mới của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi sự phối hợp, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Theo Báo Đầu tư