Vietnam Airlines thiệt hại nặng nề nhất
Báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty đánh giá, Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, lỗ 2.383 tỷ đồng.
Vietnam Airlines thiệt hại nặng nề nhất. |
Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong Quý IV, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020, ước lỗ 19.651 tỷ đồng. Dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20/3 lên tới 3.568 tỷ đồng. Nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Với TCT Đường sắt VN (VNR), trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải hành khách dự kiến hơn 527 tỷ đồng, giảm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, công ty mẹ doanh thu giảm từ 700 - 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2020 và lỗ từ 694 - 935 tỷ đồng tùy theo từng thời điểm kết thúc dịch Covid-19.
Tương tự với TCT Hàng hải VN (Vinalines), doanh thu hợp nhất 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 2.218 tỷ đồng, giảm 626 tỷ đồng. Doanh thu công ty mẹ ước đạt hơn 281 tỷ đồng, giảm 87 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ hợp nhất 113 tỷ đồng, ước lỗ công ty mẹ 94 tỷ đồng. Dự kiến nếu dịch kéo dài đến Quý IV/2020, doanh thu của công ty mẹ Vinalines ước đạt 1.269 tỷ đồng, giảm 279 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2020, ước lỗ 76 tỷ đồng.
Để giải quyết các khó khăn cấp bách, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương xem xét miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường các sản phẩm xăng, dầu trong năm 2020 cho các doanh nghiệp vận tải như: TCT Hàng không VN, Hàng hải VN, Đường sắt VN; Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động...
Cho phép Vietnam Arlines không tính chi phí khấu hao đối với tàu bay sở hữu và thuê tài chính trong thời gian dừng bay do dịch bệnh và điều chỉnh tăng thời gian khấu hao lên tương ứng...
“Thiếu máu thì không thể sống”
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó TGĐ Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, hãng sẽ áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ để duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn đại dịch trong đó có việc tái cơ cấu lao động, tinh giản biên chế, tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất; cắt giảm các chi phí cố định, chi phí gián tiếp chưa thực sự cần thiết; đàm phán với các nhà cho thuê tàu bay để giảm chi phí, chi tiền, giãn tiến độ thanh toán do chi phí tàu bay là một trong những khoản chi phí cố định chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí của TCT.
Đáng lưu ý, Vietnam Airlines đã đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng (thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0%), bắt đầu từ tháng 4/2020 để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản cho doanh nghiệp. “Đây là giải pháp quan trọng bậc nhất mà Vietnam Airlines cần lúc này để vượt qua khủng hoảng”, ông Hà nói và dùng từ “thiếu máu thì không thể sống được” để nói về tính cấp bách của việc này.
Với Vinalines, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q. Tổng giám đốc Vinalines cho biết, đã đề xuất Ủy ban Quản lý vốn trình Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 107 về một số giải pháp tái cơ cấu tài chính của Tổng công ty Hàng hải VN giai đoạn 2016 - 2020; kiến nghị bộ, ngành chức năng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường mua bán nợ các khoản nợ tài trợ mua/đóng tàu của các DN thành viên; miễn thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập DN năm 2020 và thuế nhập khẩu…
Phía Tổng công ty Đường sắt VN, Tổng giám đốc Đặng Sỹ Mạnh cho biết, để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng dịch, tổng công ty đã tổ chức thêm các đoàn tàu hàng bù vào phần năng lực chạy tàu dư thừa do tàu khách bị cắt giảm. Phối hợp với Đường sắt Trung Quốc nâng cao khai thác các đoàn tàu hàng liên vận quốc tế, đặc biệt là tổ chức thêm nhiều đoàn tàu chở container lạnh xuất khẩu hoa quả, thủy hải sản sang Trung Quốc. Cùng đó, xây dựng các giải pháp tiết giảm chi phí xuống mức tối thiểu, cố gắng duy trì thu nhập của người lao động, nhất là lao động trực tiếp.
Nhiều kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền để giúp VNR vượt qua khó khăn cũng được ông Mạnh đề cập đến như: Miễn nộp các loại thuế, phí năm 2020; Miễn đóng BHXH, BHYT, BHTN, ước tính số tiền là 661 tỷ đồng; Miễn đóng phí công đoàn, ước tính số tiền là 51 tỷ đồng.
VNR cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp vận tải đường sắt được miễn khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải năm 2020, ước tính số tiền là 280,6 tỷ đồng; miễn trích nộp ngân sách 20% tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư năm 2020, ước tính số tiền là 11,9 tỷ đồng. Xem xét miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuế sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt (dự kiến năm 2020 là 36,581 tỷ đồng).
Theo báo Giao Thông