Thương mại điện tử của Việt Nam đã bùng nổ trong 5 năm trở lại đây
9h sáng hàng ngày, các shipper vây kín trước cửa tòa nhà Center Building (số 1 Nguyễn Huy Tưởng), nơi có hàng ngàn nhân viên văn phòng làm việc. Không khó để nhận ra hầu hết trong số đó là hàng của Shopee, Tiki, Lazada... những sàn thương mại điện tử hàng đầu, tuy nhiên ít ai để ý việc vận chuyển được đảm nhiệm bởi đơn vị nào.
Nếu như Tiki chủ yếu sử dụng đội ngũ in-house để giao hàng (tại 2 thành phố lớn) thì Lazada cũng có công ty chuyển phát riêng Lazada Express.
Với quy mô áp đảo, các đơn hàng của Shopee có thể được giao bởi rất nhiều công ty chuyển phát khác nhau như Giao hàng tiết kiệm, J&T Express hay Viettel Post… Trong số này, nổi bật nhất là Giao hàng tiết kiệm – vốn được SEA (công ty mẹ của Shopee) mua lại từ năm 2017 cùng với cả Foody/Now như bước đệm cho chiến dịch đánh chiếm thị trường TMĐT Việt Nam.
Thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đã bùng nổ trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng kép trên 25%. Năm ngoái, quy mô thị trường B2C vượt ngưỡng 10 tỷ USD, gấp đôi so với 2016. Sách trắng TMĐT Việt Nam 2020 đưa ra ước tính số người tham gia mua sắm trực tuyến đạt gần 45 triệu, trong khi số tiền trung bình bỏ ra khoảng 225 USD mỗi người.
Cuộc chiến đẫm máu ngành chuyển phát
Sự phát triển của mua sắm trực tuyến giúp cho các doanh nghiệp giao nhận hưởng lợi rõ ràng, nhưng đồng thời cũng hình thành cuộc chiến tranh giành thị phần tương đối khốc liệt.
Sau khi được phía SEA mua lại, doanh thu của Giao hàng tiết kiệm ngay lập tức tăng vọt trong 2018, gấp 6,6 lần đạt 2.238 tỷ đồng. Trong năm vừa rồi, con số này tiếp tục nhân đôi lên 4.621 tỷ đồng.
Cuộc chiến giao nhận hàng hóa tỏ ra không "đẫm máu" như cuộc chiến các sàn thương mại, hay của các ứng dụng chở khách. Bằng chứng là một số đơn vị lớn có được mức lãi ròng đáng kể, thay vì "đốt tiền" chấp nhận lỗ để đổi lấy thị phần. Như Giao hàng tiết kiệm 2019 lãi sau thuế 508 tỷ đồng, gấp năm lần 2018.
Hoạt động với mô hình tương tự, Lazada Express tách ra thành một bộ phận riêng của Lazada tập trung vào giao nhận hàng hóa.
Nhưng nếu so với Giao hàng tiết kiệm về tốc độ tăng trưởng, Lazada Express lại tỏ ra lép về hơn rất nhiều. Doanh thu thuần năm tài chính 2018 – 2019 đạt 1.227 tỷ đồng, tăng 20%. Đáng chú ý, công ty này lỗ gộp 234 tỷ đồng và lỗ sau thuế 452 tỷ đồng, gấp hơn hai lần năm trước đó.
Một đơn vị khác cũng ôm lỗ nhiều năm là Ahamove. Sau khi tăng đến mức trên 280 tỷ đồng vào năm 2018, doanh thu của công ty này rơi về ngưỡng 100 tỷ đồng. Việc thu hẹp cũng giúp giảm số lỗ từ 53 tỷ đồng xuống còn 36 tỷ đồng.
Ở quy mô lớn hơn, Giao hàng nhanh (GHN) báo lãi vỏn vẹn 3 tỷ đồng trên doanh thu hơn 2.100 tỷ. Năm ngay trước đó công ty này lỗ tới 128 tỷ đồng, doanh thu đạt 1.400 tỷ đồng.
Trong cuộc chiến ngành chuyển phát, sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến hai cái tên dẫn đầu VNPost và Viettel Post. Cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp này bao gồm cấu phần quan trọng đến từ bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ chuyển phát. Đặc thù của mảng kinh doanh hàng hóa doanh thu cao nhưng hầu như không có lợi nhuận, trong khi đó tỷ trọng mảng dịch vụ chuyển phát ngày càng tăng cao.
Với VNPost, doanh thu dịch vụ năm 2019 đạt 11.451 tỷ đồng, tăng gần 10%. Tốc độ mở rộng cho thấy sự chững lại rõ rệt, khi mà trong hai năm trước đó tăng trưởng doanh thu lần lượt đạt 33% và 17%.
Việc tầm ảnh hưởng của VNPost giảm sút có nguyên nhân quan trọng đến từ việc vươn lên của các doanh nghiệp khác, mà đặc biệt là đối thủ số hai Viettel Post. Doanh thu dịch vụ của công ty con Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tăng hơn 26% trong năm ngoái, sau quá trình phi mã tăng trưởng 40% - 50% mỗi năm.
J&T Express dù tuổi đời non trẻ nhưng đang là một cái tên gây chú ý trong những năm gần đây. Ra mắt Việt Nam từ 2017, doanh thu của công ty này lập tức tăng lên tới 890 tỷ đồng trong 2019. Đi cùng sự mở rộng nhanh chóng là mức lỗ rất lớn, lỗ ròng lần lượt 232 tỷ đồng và 481 tỷ đồng trong hai năm gần nhất.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ