Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Lãnh đạo Bộ Công thương thông tin về kết quả thực thi Hiệp định CPTPP tại Việt Nam

ĐTVKD 15:52 23/09/2020

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa đọc báo cáo về "việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên". Trong đó thông tin về kết quả thực thi Hiệp định CPTPP.

Chiều nay 23/9/2020, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đọc báo cáo về "việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên" tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành.

Trong đó, việc thực thi Hiệp định CPTPP đã ghi nhận một số kết quả cụ thể như sau:

1. Kết quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP

Cho đến nay, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành đã ban hành 15 văn bản pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP, bao gồm: 02 Luật, 03 Nghị định, 09 Thông tư, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉnh phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục tiến hành rà soát các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành mới để bảo đảm sự tương thích với Hiệp định CPTPP. Cụ thể, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng báo cáo nghiên cứu, rà soát tính tương thích của Bộ luật Hình sự năm 2015 với Hiệp định CPTPP, xây dựng Kế hoạch chi tiết về sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 theo cam kết của Hiệp định CPTPP, và xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Trong khi đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng các Nghị định hướng dẫn Bộ luật lao động sửa đổi v.v..

Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành vào chiều ngày 23/9/2020.

Về cơ bản, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực thi Hiệp định CPTPP theo quy định tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan và Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP được đánh giá là minh bạch, kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực và hiệu quả.

Các văn bản được xây dựng phù hợp với với các chủ trương, định hướng chung theo các văn bản, Chỉ thị và Nghị quyết của Đảng và Trung ương và các Nghị quyết của Chính phủ. Mặc dù đa số thời gian ban hành của văn bản đúng theo lộ trình cam kết trong Hiệp định nhưng cũng có một số văn bản quy phạm pháp luật còn ban hành chưa đúng với lộ trình cam kết của Hiệp định do ta phải tuân thủ đủ thời gian quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Kết quả ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP

Ngay sau khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2019 về Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP với các nhóm nhiệm vụ cụ thể và lộ trình thực hiện. Cho đến nay, đã có 26 Bộ, ngành và cơ quan cấp trung ương và 62/63 địa phương đã xây dựng Kế hoạch của đơn vị mình và gửi về Bộ Công Thương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Bộ Công Thương đã tổng hợp và gửi công văn số 696/BCT-ĐB ngày 05 tháng 02 năm 2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả một năm triển khai Hiệp định CPTPP).

3. Kết quả thực hiện các nghĩa vụ thông báo của Hiệp định CPTPP

Đối với nghĩa vụ minh bạch hóa, các Bộ, ngành hoàn thành tất cả 15 nghĩa vụ thông báo bao gồm: Cơ chế áp dụng lộ trình cắt giảm thuế quan; Cơ chế chứng nhận xuất xứ; Cấp phép xuất khẩu, cấp phép nhập khẩu; Mua sắm của Chính phủ; Các nghĩa vụ liên quan đến SMEs; Đầu mối xử lý đơn thư về lao động; Đầu mối xử lý đơn thư về môi trường; Đầu mối thực thi các chương của Hiệp định; Doanh nghiệp Nhà nước; Cơ quan được chỉ định hỗ cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định; Các biện pháp gắn kết môi trường chính sách; Mức giá cước chuyển vùng di động quốc tế; Trợ cấp thủy sản; biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại thời điểm đỉnh của dịch COVID-19 trong tháng 04 năm 2020 và kết quả thực hiện cam kết đầu thầu hạn ngạch thuế quan đối với ô tô cũ trong CPTPP năm 2020.

4. Kết quả tham gia các phiên họp Hội đồng CPTPP

Việt Nam cũng đã tham gia đầy đủ các phiên họp Hội đồng CPTPP lần thứ 1 tại Nhật Bản từ ngày 19-20 tháng 01 năm 2019, lần thứ 2 tại Niu Di-lân từ ngày 07- 09 tháng 10 năm 2019 và lần thứ 3 dưới hình thức trực tuyến do Mê-hi-cô chủ trì từ ngày 04 - 06 tháng 08 năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đọc báo cáo về "việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên".


5. Kết quả tuyên truyền phổ biến về Hiệp định CPTPP và thị trường các nước tham gia Hiệp định CPTPP

Công tác này đã được triển khai tích cực và đa dạng ở cả trung ương và địa phương. Phần lớn các Bộ, ngành và địa phương đã tiến hành hoạt động tuyên truyền của mình thông qua các hình thức như hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn, các phóng sự truyền thanh, truyền hình, xuất bản ấn phẩm, v.v.. Các hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đối với Hiệp định CPTPP. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 86% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã biết hoặc đã tìm hiểu về Hiệp định CPTPP.

Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành và địa phương đã thiết lập, đăng tải các mục thông tin về Hiệp định CPTPP trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình như Bộ Tài chính, tỉnh Bình Định, tỉnh Đồng Nai v.v.. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành đã thiết lập các kênh để tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp về các vấn đề liên quan của Hiệp định CPTPP như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường, v.v.. Đây là những kênh thông tin hết sức quan trọng hỗ trợ cho sự tương tác giữa các Bộ, ngành với người dân, doanh nghiệp, đồng thời đã góp phần đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP.

Bộ Công Thương đã thiết lập và đưa vào vận hành chuyên trang thông tin điện tử chính thức của Việt Nam về Hiệp định CPTPP tại địa chỉ: http://cptpp.moit.gov.vn với mục tiêu cung cấp thông tin và tương tác với công chúng về Hiệp định CPTPP. Kể từ khi chuyên trang này hoạt động, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý nhiều vướng mắc thực tiễn mà các doanh nghiệp gặp phải cũng như cung cấp thông tin giải thích liên quan đến các cam kết trong Hiệp định CPTPP. Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) nâng cấp trang thông tin điện tử lên Cổng thông tin điện tử về FTA (FTA Portal).

6. Kết quả thiết lập đầu mối thông tin, đôn đốc triển khai thực hiện về Hiệp định CPTPP

Hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ định cơ quan đầu mối thông tin về Hiệp định CPTPP của mình. Bộ Công Thương đã chủ động tiến hành việc kết nối với các đầu mối CPTPP của từng Bộ, ngành, địa phương.

7. Kết quả về kinh tế - thương mại

Trong năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu từ 10 nước CPTPP đạt 37,9 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2018.

Như vậy, trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP là 1,6 tỷ USD trong khi năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP là 0,9 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của ta sang 6 nước đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP năm 2019 đạt gần 34,4 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2018. Tỷ trọng trong tổng xuất nhập khẩu năm 2019 cũng đạt 14,1% so với con số 12,9% của năm 2018.

Nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA là Ca-na-đa và Mê-hi-cô thì trong năm 2019 Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỷ USD, tương đương 50% tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam. Đây cũng chính là hai đối tác có quan hệ FTA mới (các nước khác trong khối ta đã FTA trước đó nên tác động không rõ ràng bằng). Xuất khẩu sang Ca-na-đa tăng 29,8%, Mê-hi-cô tăng 26,3%. Trong 6 nước đối tác, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng xuất khẩu của Việt Nam (chiếm 8,4%), xếp thứ hai là Ca-na-đa (1,6%).

Thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Trong đó, cao nhất là tại Nhật Bản (chiếm 2,8%) và thấp nhất là Mê-hi-cô (chiếm 0,6%). Thị phần hàng Việt Nam tại các thị trường khác lần lượt là: 1,6% tại Ốt-xtrây-lia, 1,3% tại Niu Di-lân, 0,9% tại Xinh-ga-po và Ca-na-đa là 0,8%. Do vậy, còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao thị phần tại thị trường các đối tác này.

Trong năm 2019, Việt Nam đã cấp 21.163 C/O mẫu CPTPP cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước thuộc hiệp định với tổng giá trị hàng hóa gần 600 triệu USD. Trong đó, Ca-na-đa và Mê-hi-cô là hai thị trường mới có FTA với Việt Nam có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP cao nhất trong số các nước thành viên. Các nước còn lại đã có quan hệ FTA (thậm chí như Nhật Bản đã có hai hiệp định FTA với các nước ASEAN và Việt Nam trước Hiệp định CPTPP) nên doanh nghiệp có thể sử dụng các mẫu C/O trong các FTA khác.

Toàn cảnh buổi làm việc.

8. Kết quả thực hiện trong một số lĩnh vực khác

Việc thực thi các cam kết CPTPP đã giúp hoàn thiện khung khổ pháp lý trong nhiều lĩnh vực:

Về môi trường: Hiện nay, ta đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường có tính đến các yêu cầu của công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Về lao động: Để thực thi cam kết CPTPP, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động 2019 đảm bảo tính tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế; xây dựng hồ sơ trình phê chuẩn 02 Công ước cơ bản của ILO là Công ước số 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức và đã được Quốc hội phê chuẩn.

Về sở hữu trí tuệ: Năm 2019, Chính phủ đã hoàn tất các thủ tục để Việt Nam gia nhập Thỏa ước La Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (ngày 30 tháng 9 năm 2019, Việt Nam trở thành thành viên thứ 61 tham gia Thỏa ước La Hay). Đồng thời, ngày 14 tháng 6 năm 2019, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật số 42/2019/QH14 bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thực thi cam kết về các lĩnh vực này trong Hiệp định CPTPP.

Về mua sắm của Chính phủ và thương mại điện tử: Cho đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các lĩnh vực này bao gồm Nghị định hướng dẫn riêng về các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP và chỉ dành cho các nước CPTPP và Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để chuẩn bị ban hành. Do các văn bản bản quy phạm pháp luật này chưa ban hành và có hiệu lực nên hiện ta chưa đánh giá kết quả thực hiện đối với các lĩnh vực này.

Bạn đang đọc bài viết Lãnh đạo Bộ Công thương thông tin về kết quả thực thi Hiệp định CPTPP tại Việt Nam tại chuyên mục Hợp tác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hợp tác