Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Các quốc gia nỗ lực thử nghiệm vaccine chống Covid-19, Việt Nam cùng chung tay?

DTVN 15:28 04/03/2020

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh vừa phê duyệt bổ sung đề tài độc lập cấp Nhà nước “Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị...

Gần đây, tin tức về những loại thuốc có thể điều trị được bệnh viêm phổi Vũ Hán dự kiến được sử dụng đã lần lượt được công bố trên các tạp chí y học trên mạng internet. Vào sáng ngày 4/2, có 8 bài viết đã được giới thiệu ra công chúng, trong đó có một bài đề cập những loại thuốc do một công ty dược phẩm Nhật Bản sản xuất. Ngày 28/1, các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc và một số nơi khác có báo cáo về thuốc nelfinavir của hãng Japan Tobacco. Ngày 30/1, các nhà nghiên cứu tại Đại học Quân y Trung Quốc và Đại học Tứ Xuyên có báo cáo về các loại thuốc điều trị HIV do hãng Gilead Sciences sản xuất.

Tuy nhiên, tất cả những thí nghiệm trên mới chỉ là sự mô hình hóa trên máy tính, do vậy, những tính hiệu quả của các loại thuốc này trên các bệnh nhân ngoài thực tế vẫn là những câu hỏi chưa có câu trả lời.

Hiện nay các quốc gia với nền y học tiên tiến đang nỗ lực hết sức điều chế và thử nghiệm vaccine, thuốc chống virus Covid 19

Đại học Thiên Tân Trung Quốc tuyên bố điều chế thành công vaccine dạng uống tiến đến thử nghiệm lâm sàng

Vaccine được biết đến với dạng uống sử dụng saccharomyces cerevisiae, một loại nấm men bia làm "chất mang" và protein gai của virus corona để tạo ra kháng thể chống Covid-19.

Vaccine uống được sản xuất dưới dạng viện nang, viên sữa và dạng bột. Nhóm nghiên cứu cũng phát triển các công nghệ cốt lõi trong việc xây dựng các tế bào tái tổ hợp, sàng lọc, biểu hiện protein và tạo động lực lên men. Đây đều là các bước rất quan trọng trong việc phát triển vaccine.

Giáo sư Huang Jinhai, người đứng đầu dự án vaccine đã tự uống 4 liều mà không gặp bất cứ tác dụng phụ nào. Trường đại học đang tìm kiếm các đối tác tiềm năng để tiến đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và sản xuất rộng rãi.

Giáo sư Huang cho biết, vaccine dạng uống có khả năng kích thích miễn dịch niêm mạc tại màng nhầy để ngăn ngừa nhiễm bệnh. Đây cũng là liệu pháp tiềm năng chống lại virus corona.

"Vaccine có độ an toàn cao, sử dụng thuận tiện và có thể được sản xuất nhanh chóng với quy mô lớn", ông tuyên bố.

Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu của giáo sư Huang sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp đủ điều kiện hợp tác và đánh giá, tăng tốc thử nghiệm lâm sàng và mở rộng sản xuất.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đã phân tách thành công nCoV và công bố trình tự di truyền của virus, mở đầu cho các nỗ lực chạy đua điều chế vaccine của nhiều nhà khoa học đại lục và trên thế giới. Song đây là một quá trình phức tạp, cần nhiều thời gian và nguồn nhân lực. Toàn bộ quá trình nghiên cứu và điều chế vaccine thông thường mất 2 đến 5 năm.

Ngày 21/2, Xu Nanping, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc tuyên bố vaccine đầu tiên sẽ được thử nghiệm lâm sàng vào cuối tháng 4.

Mỹ thử nghiệm thuốc trị Covid 19 lần đầu bằng "tiêu chuẩn vàng"

Viện Y tế Quốc gia Mỹ ngày 25/2 xác nhận rằng cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên ở Mỹ đối với loại thuốc điều trị Covid 19 chủng mới đã bắt đầu tại bệnh viện Đại học Nebraska.

Thuốc được thử nghiệm là remdesivir của hãng Gilead, loại thuốc kháng virus có thể chữa nhiều loại bệnh, bao gồm Covid-19 do chủng virus corona mới gây ra, theo Fortune.

Thuốc điều trị này đang có triển vọng nhất định khi trợ lý tổng giám đốc WHO Bruce Aylward nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 24/2 rằng “chỉ có một loại thuốc hiện giờ mà chúng tôi nghĩ có thể có tác dụng và đó là remdesivir”.

Loại thuốc này đang được thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc và một số nước, cả đối với những dịch bệnh trước do các chủng virus corona khác gây ra như MERS hay SARS. Nhưng đây là lần đầu tiên remdesivir được thử nghiệm theo “tiêu chuẩn vàng” của Mỹ.

Thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi là tiêu chuẩn vàng để xác định xem một loại thuốc thử nghiệm có tác dụng với bệnh nhân hay không”, theo thông cáo của viện chuyên về bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH).

“Thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi” có nghĩa cả bệnh nhân nhận thuốc thử nghiệm và bác sĩ cho thuốc đều không biết là đang dùng thuốc thử nghiệm hay chỉ là placebo (thuốc giả, không có tác dụng gì tới bệnh, nhưng cũng không làm hại bệnh nhân). Nhờ vậy có thể khẳng định chắc chắn tác dụng chữa bệnh nếu có là do thuốc đang thử nghiệm, chứ không do yếu tố khác.

Trung Quốc cũng đang thử nghiệm theo phương pháp mù đôi.

Remdesivir không phải là vắc-xin, và để điều trị những người đã nhiễm virus corona chủng mới.

Theo Wall Street Journal, cuộc thử nghiệm được thiết kế bao gồm 400 bệnh nhân toàn cầu, bao gồm cả ở Nhật Bản và Italy.

Cuộc thử nghiệm dự kiến kết thúc vào tháng 4/2023, nhưng các nhà nghiên cứu có thể có kết quả ban đầu trong vòng một năm, theo Andre Kalil, giáo sư nội khoa Đại học Nebraska, người dẫn đầu nghiên cứu thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm cũng sẽ cho phép đưa vào các cách điều trị thử nghiệm, tùy vào kết quả nghiên cứu.

Thời gian sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. “Trong trường hợp xấu nhất, nếu dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng và tệ hơn nhiều so với dự đoán, sẽ tìm được đủ 400 bệnh nhân khá nhanh, chỉ trong vài tháng”, ông nói với Wall Street Journal.

“Đây có lẽ sẽ là thử nghiệm nhanh nhất trong lịch sử Mỹ, vì cuộc thử nghiệm mới chỉ lên phương án vài tuần trước ở NIH, và chúng ta đã bắt đầu ngay”, ông nói thêm.

Việt Nam nghiên cứu thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19 ?

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh vừa phê duyệt bổ sung đề tài độc lập cấp Nhà nước “Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới”

Đề tài thử nghiệm được giao trực tiếp Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, Viện Pasteur TP HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Đại học Dược Hà Nội) thực hiện.

Nghiên cứu đặt mục tiêu sẽ thử nghiệm trong vòng 4 tuần hoặc có 10 người bệnh được điều trị lopinavir/ritonavir. Trên cơ sở đó đơn vị nghiên cứu sẽ báo cáo hiệu quả đáp ứng lâm sàng, cận lâm sàng, virus học của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới được điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Cơ quan nghiên cứu cũng sẽ báo cáo sơ bộ về tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh dựa trên phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Trên cơ sở đó, có thể đề xuất việc sử dụng lopinavir và ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới. Trong vòng 12 tháng, nghiên cứu sẽ làm rõ hiệu quả và tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới dựa trên phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Đề xuất phác đồ sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới.

Đây là đề tài nghiên cứu thử thuốc lâm sàng, đòi hỏi phải quản lý, theo dõi rất đặc biệt, vì vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế trong quá trình xem xét phê duyệt, triển khai thực hiện đề tài.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cac-quoc-gia-no-luc-thu-nghiem-vaccine-chong-covid-19-viet-nam-cung-chung-tay-d71222.html

Bạn đang đọc bài viết Các quốc gia nỗ lực thử nghiệm vaccine chống Covid-19, Việt Nam cùng chung tay? tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống
Tặng quà 8/3 cho mẹ, mẹ chồng hoặc mẹ vợ là cơ hội để bạn gắn bó tình cảm hơn. Vậy bạn đã có ý tưởng tặng mẹ món quà ý nghĩa nhân dịp này chưa. Nếu chưa, bạn hãy tham khảo những gợi ý dưới đây nhé.