Hà Nội, Thứ Hai Ngày 25/11/2024

Trong bão Covid-19 nhà đầu tư cần cẩn trọng khi đổ tiền vào những kênh nào?

Mai Hương(T/H) 14:40 04/03/2020

Trong bão Covid-19, thị trường biến động liên tục và diễn biến khó lường, vậy thì tích trữ vàng, hay gửi tiết kiệm, chơi chứng khoán hay bất động sản sẽ là kênh đầu tư ổn?

Chỉ chơi chứng khoán khi bạn thực sự chuyên nghiệp

Các nhà đầu tư cũng cần tham khảo kỹ lưỡng các thông tin và yếu tố tác động trước khi quyết định lựa chọn kênh này trong năm 2020, hơn nữa thị trường này chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, trường hợp không hiểu biết sâu về chứng khoán thì không nên đầu tư.

"Ở thị trường này, nếu không hiểu rõ mà đầu tư theo tính “bầy đàn” thì sẽ dễ thua lỗ, mất vốn", Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Tại thị trường chứng khoán, kết thúc năm 2019, chỉ số VN-Index tăng gần 7%. Tuy nhiên, không phải mã cổ phiếu nào cũng được hưởng lợi từ đà tăng này. Nhìn tổng thể thị trường, các mã giảm chiếm tới một nửa danh mục cổ phiếu niêm yết trên các sàn.

Năm 2019 qua đi, không ít cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 giảm giá, ảnh hưởng đến chỉ số chung, chưa kể khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 6 tháng cuối năm. Nhiều nhà đầu tư không đạt được thành quả như ý, thậm chí thua lỗ, tâm lý bị thử thách.

Sang năm 2020, TTCK còn thách thức khi thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn và tiêu cực như tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Mỹ - Iran, bầu cử Tổng thống Mỹ, Brexit… 2020 có thể là năm bước ngoặt với kinh tế thế giới khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại là con dao hai lưỡi với Việt Nam khi đồng thời mang lại lợi ích và rủi ro. Ngoài ra, kịch bản Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách áp thuế quan… cũng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng, tác động đến tâm lý nhà đầu tư.

Cần phải kể đến là, mỗi năm, TTCK đều có những nhóm ngành được hưởng lợi và các cổ phiếu có mức tăng giá tốt. Năm 2020, cơ hội có thể xuất hiện ở nhóm cổ phiếu dầu khí, đến từ triển vọng giá dầu hồi phục.

Một điểm sáng nữa là ngành ngân hàng được dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực dù quy định pháp lý chặt chẽ hơn. CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng mặc dù tín dụng khó tăng trưởng mạnh trong năm 2020 nhưng nhiều ngân hàng vẫn có thể cải thiện biên lãi cho vay và thu nhập dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Ngành bán lẻ hàng tiêu dùng dự báo tiếp tục tăng trưởng khi thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ do cơ cấu dân số trẻ, tăng trưởng thu nhập khả dụng và tỷ lệ đô thị hóa cao.

Nêu lên quan điểm của mình, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay, các kênh như chứng khoán, vàng vẫn đang có những ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do đó, gửi tiết kiệm sẽ là kênh đảm bảo an toàn nhất cho nhà đầu tư, dù kênh này sinh lời không lớn nhưng các nhà đầu tư có thể yên tâm, đây chính là kênh ít rủi ro nhất trong các kênh đầu tư. Tuy nhiên, những kênh như vàng, hay gửi tiết kiệm ngân hàng có thật sự lý tưởng?

Gửi tiết kiệm - Tiền ngủ đông

Với những nhà đầu tư “ăn chắc” hơn, gửi tiết kiệm ngân hàng là lựa chọn phổ biến để cất tiền. Hầu hết ý kiến các chuyên gia cho rằng, những kênh đầu tư sinh lời thấp như gửi tiền ngân hàng vẫn là kênh có độ an toàn cao nhất. Những kênh đầu tư càng có tính lợi nhuận cao thì rủi ro càng lớn.

Ở lĩnh vực tiền gửi ngân hàng, từ cuối tháng 1 đến nay, mặc dù NHNN liên tục hút ròng tiền về, nhưng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn giảm liên tục.

Trong khi đó, tính thanh khoản của thị trường dồi dào, cùng với chính sách của Nhà nước, NHNN hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 bằng việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ… đã khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm xuống.

Tuy nhiên, gửi tiết kiệm ngân hàng thường chỉ được coi là kênh bảo toàn vốn, vì vậy khó mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn cho nhà đầu tư. Điều này dẫn đến tâm lý “kệ” cho tiền “ngủ đông”. Thật vậy nều trừ tỷ lệ lạm phát 2,76% của năm 2019 thì mức lợi tức thực tế cho tiết kiệm ngân hàng chỉ còn hơn 4% (7%-2,76%).

Hơn nữa, TS. Bùi Quang Tín cũng cho rằng, khi dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian để phục hồi sản xuất sẽ phải kéo dài qua Quý III và sang quý IV. Có thể dịch bệnh sẽ kết thúc sớm nhưng sự ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế sẽ kéo dài có thể đến hết năm 2020. Do đó, dự báo lãi suất năm nay sẽ giảm mạnh hơn năm 2019.

Vàng: Lên nhanh chóng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trong năm 2020, thị trường này dự đoán sẽ biến động theo chiều đi lên. Bên cạnh đó vàng có thể đáp ứng được hai chỉ tiêu là tính thanh khoản và tỷ lệ sinh lời cao, do vậy đầu tư vào vàng trong năm nay là một sự lựa chọn tốt.

Đây là kênh tư có diễn biến mang tới nhiều bất ngờ trong năm 2019. Tính trong năm, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 19%, trong khi vàng trong nước tăng gần 18%. Đây là diễn biến lạc quan dành cho nhà đầu tư. Theo dự đoán, do ảnh hưởng từ các yếu tố về thương mại Mỹ - Trung, giá dầu thế giới… giá vàng có thể “lấp lánh” cho tới cuối năm.

Cũng bởi liên quan trực tiếp từ tình hình kinh tế - chính trị thế giới, nhà đầu tư nên lường trước việc giá vàng “quay đầu” giảm để tính toán thời điểm mua – bán hợp lí. Về kênh đầu tư này, giới chuyên gia cũng khuyến cáo, vàng không hẳn là kênh trú ẩn an toàn vì đã có thời điểm lao dốc một cách thảm hại, khi xuống dưới mức 35 triệu đồng/lượng.

Về các yêu tố vĩ mô, những lo ngại về sự lây lan của virus Corona chủng mới (Covid-19) trên khắp châu Á và bây giờ là châu Âu và Mỹ dẫn đến một đợt bán tháo mạnh các tài sản rủi ro, khiến các nhà đầu tư tìm mua trái phiếu. Và vàng thường cũng là một kênh trú ẩn khá an toàn trong “mùa bão Covid-19”.

Theo chuyên gia kinh tế PGS - TS Ngô Trí Long, thời điểm này mua vàng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ngắn hạn. “Vàng đảo chiều giảm nhưng đã tăng mạnh khoảng 20% kể từ đầu năm đến nay. Theo quy luật, khi giá tăng cao thì rủi ro càng lớn. Đó là chưa kể hiện còn tình trạng làm giá, thổi giá lên quá cao”, ông Long khuyến cáo.

“Có hai điều cần phải quan tâm khi đầu tư vào vàng là không nên “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, tức là không đem tất cả tiền của mình đầu tư hết vào kênh này mà nên phân bổ.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư không nên lướt sóng vàng trong năm 2020, nghĩa là mua đi bán lại một cách nhanh chóng, điều này sẽ dẫn tới thua lỗ. Thay vào đó, nên mua vào rồi chờ ít nhất 6 tháng rồi bán”, ông Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên.

Đổ tiền vào bất động sản: Cần thận trọng

Trước đây, bất động sản vẫn là kênh được các nhà đầu tư quan tâm nhất do lợi nhuận thuộc hàng “khủng” nhất. Tuy nhiên, sang năm 2019 bất động sản lại có một vài dấu hiệu chững lại. Thời gian gần đây, kênh này được giới đầu tư rất “dè chừng do các chính sách của nhà quản lý nhằm siết chặt thị trường bất động sản.

Dù vậy, theo nhận định chung của các chuyên gia, trong năm 2020 này, ngành bất động sản sẽ có nhiều dư địa để các nhà đầu tư lựa chọn, do các chính sách đối với ngành này đã tạo nên sự ổn định hơn. Chính bởi vậy, đây sẽ là một kênh đầu tư đáng quan tâm trong 2020 với những nhà đầu tư am hiểu thị trường này.

Nếu đầu tư, kinh doanh bất động sản để kiếm lời thì cần phải thận trọng, bên cạnh đó, đây cũng là kênh đòi hỏi phải bỏ ra một số tiền lớn từ 500 triệu trở lên. Do vậy cần suy xét kỹ lưỡng và không nên đầu tư vào kênh bất động sản nóng như đất nền.

Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Hoàng Nam, một nhà đầu tư sành sỏi trong lĩnh vực bất động sản, với số vốn khoảng 1 tỷ đồng, nhà đầu tư có thể chia cho 2 kênh: 50% đổ vào bất động sản và phần còn lại có thể đầu tư vào vàng và tiết kiệm. “Bất động sản tuy có một thời điểm khủng hoảng nhưng nay đã ổn định hơn, do đó, vẫn là một kênh khá hấp dẫn bởi khả năng sinh lời lớn hơn khá nhiều so với các kênh khác”, ông Nam nói.

Mai Hương

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/trong-bao-covid-19-nha-dau-tu-can-can-trong-khi-do-tien-vao-nhung-kenh-nao-d71216.html

Bạn đang đọc bài viết Trong bão Covid-19 nhà đầu tư cần cẩn trọng khi đổ tiền vào những kênh nào? tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư