Điệp khúc trúng thầu sát giá, hệ số tiết kiệm cực thấp
Từ năm 2018 đến nay, UBND xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội tổ chức đấu thầu hơn 40 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư gần 160 tỉ đồng nhưng chỉ tiết kiệm được hơn 300 triệu đồng.
Theo thống kê của PV, từ cuối năm 2018 đến tháng 2/2020, UBND xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) đã đại diện làm chủ đầu tư, tổ chức mời thầu hơn 40 gói thầu xây lắp bằng hình thức đấu thầu qua mạng.
Hàng chục gói thầu ở xã Liên Hà được lựa chọn nhà thầu với hệ số tiết kiệm rất thấp. |
Các gói thầu này đa số là sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng phát triển địa phương. Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận thấy sau khi công bố kết quả đấu thầu của các gói thầu trên là hệ số tiết kiệm rất thấp: 40 gói thầu với tổng mức đầu tư gần 160 tỉ đồng nhưng chỉ tiết kiệm được hơn 300 triệu đồng (tỉ lệ tiết kiệm là 0,18%).
Trong danh sách hơn 41 gói thầu mà chúng tôi thu thập được, thì gói thầu tiết kiệm cao nhất là gói xây lắp, thuộc dự án: Cải tạo, nâng cấp sân thể thao và điểm vui chơi trung tâm xã Liên Hà. Gói thầu này được UBND xã Liên Hà đấu thầu qua mạng có giá dự toán là 4.562.275.000 đồng, giá trúng thầu là 4.492.411.000 đồng (tiết kiệm được 69.864.000 đồng).
Còn lại, hầu hết các gói thầu đều tiết kiệm được từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, UBND xã Liên Hà tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 7 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư là 60.577.310.000 đồng. Tuy nhiên, trong 7 gói thầu này, số tiền tiết kiệm được sau đấu thầu chỉ là hơn 70 triệu đồng (tỉ lệ tiết kiệm là 0,11%).
Được biết, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Liên Hà ký liên tiếp hai quyết định số 48/QĐ-UBND và 50/QĐ-UBND về việc lựa chọn Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại và Xây dựng Hoàng Việt là đơn vị trúng 2 gói thầu xây lắp trên địa bàn.
Thứ nhất là gói thầu Xây lắp (bao gồm cả chi phí hạng mục chung), thuộc Dự án: Cải tạo, nạo vét và kè hồ Hà Hương, thôn Hà Hương, xã Liên Hà. Gói thầu này có giá là 7.670.249.000 đồng, giá trúng thầu là 7.656.529.000, tiết kiệm được 13.720.000 đồng (tỉ lệ là 0,17%).
Tiếp đến là gói thầu Xây lắp (bao gồm cả chi phí hạng mục chung), thuộc Dự án: Xây dựng hạ tầng, trồng cây xanh khu vực từ ao Bờ Giếng đến chùa Phổ Lại thôn Hà Phong, xã Liên Hà. Gói thầu này cũng chỉ tiết kiệm được 12.952.000 đồng (tỉ lệ là 0,12%).
Ngày 3/2/2020, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Liên Hà tiếp tục kí Quyết định số 62/QĐ-UBND về việc lựa chọn Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại và Xây dựng Hoàng Việt thực hiện gói thầu Xây lắp (bao gồm cả chi phí hạng mục chung), thuộc Dự án: Trồng cây xanh kết hợp cải tạo, nạo vét kè ao trước chùa thôn Đại Vĩ. Gói thầu này có tổng mức đầu tư là 9.858.898.000 đồng, giá trúng thầu là 9.847.645.000 đồng, tiết kiệm được 11.253.000 đồng (tỉ lệ là 0,11%).
Những nhà thầu 'quen mặt'
Điều đáng nói là ngoài hệ số tiết kiệm cực thấp, hàng loạt gói thầu này chỉ xoay quanh các nhà thầu quen thuộc trên địa bàn. Từ năm 2018 đến nay, hầu hết các gói thầu đều lựa chọn một số nhà thầu quen thuộc trên địa bàn.
Trong đó, đáng chú ý như Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại và Xây dựng Hoàng Việt, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển thương mại Vạn Lợi, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Xây dựng Bảo An, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Thăng Long Hà Nội…
Đối với nhà thầu là Công ty Hoàng Việt, từ 2018 đến nay trúng 8 gói thầu với tổng giá trị khoảng 56 tỉ đồng; Công ty Vạn Lợi từ tháng 10/2018 đến tháng 6/2019 cũng trúng 6 gói thầu với gần 17 tỉ đồng; Công ty Bảo An từ 2018 đến nay trúng 5 gói với gần 20 tỉ đồng; Công ty Thăng Long Hà Nội trúng 3 gói hơn 24 tỉ đồng…
Trong năm 2020, trong 7 gói thầu xây lắp được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, 3 công ty trên cũng “chia nhau” để trúng, trong đó, Công ty Hoàng Việt 3 gói, Công ty Bảo An 2 gói, Công ty Thăng Long Hà Nội 2 gói. Các gói thầu này, khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, đều chỉ có duy nhất một nhà thầu tham gia và trúng thầu.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, nếu gói thầu có số lượng nhà thầu tham dự ít sẽ hạn chế trong việc lựa chọn nhà thầu đáp ứng về năng lực và kinh nghiệm. Ngoài ra, với việc gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự thì sẽ làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu cũng như khó có thể nâng tỉ lệ tiết kiệm ngân sách cho nhà nước.
Thực tế, qua thống kê kết quả lựa chọn nhà thầu nhiều gói thầu xây lắp trong những năm qua, số lượng gói thầu có giá trúng thầu sát giá gói thầu còn phổ biến ở nhiều địa phương. Và trong những gói thầu này, nhà thầu trúng thầu thường là các nhà thầu “quen” với chủ đầu tư/bên mời thầu, với tần suất trúng thầu rất lớn.
Có thể kể đến những địa phương gần đây có nhiều nhà đầu tư trúng thầu sát giá như Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hải Dương,...
Trao đổi về câu chuyện trúng thầu sát giá, ông Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng: “Nguyên nhân của tình trạng này là bởi luật pháp chưa được thực hiện một cách nghiêm minh. Yếu tố con người cũng rất quan trọng, cần làm rõ có hay không sự móc nối giữa các nhà thầu và đơn vị mời thầu để cùng ăn chia hoa hồng”, ông Đào nói.
Với hàng loạt câu chuyện về trúng thầu sát giá như tại Đông Anh, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tìm hiểu rõ rằng có hay không chuyện khuất tất, tránh dư luận xấu, ngăn chặn thất thoát ngân sách Nhà nước cũng như không để những gói thầu được phê duyệt dễ dàng gây ảnh hưởng chất lượng công trình khi đi vào sử dụng.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ