Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Lộ diện nhiều nhà đầu tư trong nước trúng thầu Cao tốc Bắc - Nam

M.ANH 16:03 31/10/2019

Sau gần một tháng bán hồ sơ theo hình thức đấu thầu rộng rãi khắp nước, nay đã có nhiều nhà đầu tư chuyên xây lắp các dự án giao thông lớn muốn tham gia thực hiện 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam.

Đăng tải trên Hải quan Online, theo Bộ Giao thông vận tải, việc phát hành hồ sơ mời sơ tuyển các nhà đầu tư trong nước đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP đã được thực hiện trong tháng 10. Trường hợp thuận lợi có thể hoàn thành công tác đấu thầu nhà đầu tư khoảng tháng 11/2020. Trong quá trình thực hiện, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các đơn vị có giải pháp rút ngắn tối đa thời gian trong phạm vi pháp luật cho phép nhằm đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà đầu tư và dự kiến vào cuối tháng 8/2020 sẽ hoàn thành việc đấu thầu.

Đáng chú ý, trong hồ sơ mời sơ tuyển trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020 đã “nới lỏng” một số tiêu chí, điều kiện cho các nhà đầu tư nội. Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải), về năng lực kinh nghiệm, thay vì mức 30% như hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế trước đó, nhà đầu tư sẽ đủ điều kiện khi từng tham gia 1 gói thầu xây lắp có giá trị vốn tối thiểu bằng 20% giá trị xây lắp của dự án tham gia đấu thầu. Về liên danh nhà đầu tư, vẫn giữ quy định nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải chiếm ít nhất 30% vốn góp trong liên danh, mỗi liên danh không quá 5 nhà đầu tư. Tuy nhiên, bỏ quy định các nhà đầu tư khác tham gia trong liên danh phải chiếm tối thiểu 15% vốn góp. Như vậy, các nhà đầu tư tham gia liên danh (trừ nhà đầu tư đứng đầu) chỉ cần 5-10%, thậm chí thấp hơn đều được. Nhưng vẫn giữ quy định mỗi liên danh không quá 5 nhà đầu tư để tránh bị chia nhỏ, quá nhiều nhà đầu tư sẽ gây phức tạp cho việc quản lý.

8 dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP .

Ngoài ra, nhà đầu tư có phần vốn nước ngoài vẫn được tham gia đầu tư (hoặc tham gia các liên danh nhà đầu tư), với điều kiện phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% (tức nhà đầu tư nước ngoài không nắm cổ phần chi phối).

“Chỉ cần vốn chủ sở hữu của liên danh nhà đầu tư đảm bảo tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án đang xét là đáp ứng yêu cầu. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực về tài chính nhưng thiếu kinh nghiệm sẽ liên kết với nhà đầu tư có năng lực về kinh nghiệm nhưng thiếu vốn để cùng nhau tham gia dự án”, ông Nguyễn Viết Huy cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải vẫn giữ nguyên những quy định “cứng” trước đó như yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (liên danh nhà đầu tư) phải bằng ít nhất 20% giá trị dự án tham gia đấu thầu; phải có cam kết tài trợ vốn từ tổ chức tín dụng; nhà nước không bảo lãnh tỷ giá, doanh thu tối thiểu… Trong trường hợp không tìm được nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội chuyển sang đầu tư công.

Về kế hoạch giải ngân vốn, theo Bộ Giao thông vận tải, tổng nguồn vốn đã bố trí theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 là 55.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 27.306 tỷ đồng để thực hiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng 11 dự án và xây dựng 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước; 27.694 tỷ đồng hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cho 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP để đảm bảo tính khả thi. Đối với phần vốn hỗ trợ chi phí xây dựng 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP chỉ được giải ngân sau khi đã giải ngân hết 50% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và thực hiện giải ngân song song theo tỷ lệ các phần vốn đầu tư của nhà nước, vốn vay thương mại và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên cơ sở khối lượng thực hiện được nhiệm vụ. Nhà đầu tư có tối đa 6 tháng để thu xếp vốn vay tín dụng và thực hiện các thủ tục giải ngân.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, đến nay, đã có khoảng 30 nhà đầu tư trong nước đã tham gia mua hồ sơ dự thầu và kỳ vọng có thể thu hút được 50 - 60 nhà đầu tư trong nước tham gia.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đã được một số nhà đầu tư lớn quan tâm như: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung… Còn tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lộ cũng có nhiều nhà đầu tư quan tâm như Tập đoàn Phương Thành, Công ty cổ phần Tập Đoàn Cienco4, Vinaconex, Tập đoàn Thái Bình Dương, Công ty Cường Thuận IDICO....

Trước đó, thông tin trên VOV, Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư đã lựa chọn xong nhà thầu xây lắp để chuẩn bị khởi công xây dựng. Đơn vị trúng thầu xây lắp là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn là một trong 3 đoạn tuyến sử dụng vốn ngân sách đầu tư.

Tham gia đấu thầu dự án này ngoài doanh nghiệp Xuân Trường còn có 4 nhà thầu lớn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông, từng trúng thầu nhiều dự án cao tốc lớn trong nước nằm trong hai liên danh gồm: Liên danh CIENCO4 - Tổng công xây dựng Trường Sơn và liên danh công ty CP Đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành - Tổng công ty Thăng Long.

Cuối cùng, nhà thầu đứng độc lập tham gia đấu thầu là doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đã được lựa chọn để thi công dự án.

Cao Bồ - Mai Sơn là 1 trong 3 dự án cao tốc Bắc - Nam (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2) được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Cao Bồ - Mai Sơn cũng là dự án duy nhất trong 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Bộ GTVT giao cho địa phương (Sở GTVT Ninh Bình) làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.607 tỷ đồng, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ.

8 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 kêu gọi đầu theo hình thức BOT có số vốn nhà đầu tư phải thu xếp khoảng 63.716 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng, phần còn lại ngân sách nhà nước hỗ trợ gồm:

Đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 (qua Ninh Bình - Thanh Hóa), dài 63km, tổng mức đầu tư khoảng 12.900 tỷ đồng; Đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa), dài 43 km, tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng.

Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa - Nghệ An), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng; Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 13.300 tỷ đồng.

Đoạn Nha Trang - Cam Lâm, dài 50km, tổng vốn đầu tư hơn 7.615 tỷ đồng, trong đố vốn nhà nước hỗ trợ hơn 5.058 tỷ đồng; Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dài 79km, tổng vốn đầu tư hơn 13.687 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ hơn 9.311 tỷ đồng.

M.ANH/Sở hữu Trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Lộ diện nhiều nhà đầu tư trong nước trúng thầu Cao tốc Bắc - Nam tại chuyên mục Tin tức 24h. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h