Theo đó, dự kiến kế hoạch, HĐQT ngân hàng BIDV sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn từ 40.220 tỷ đồng hiện tại lên 45.549 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế ngân hàng thương mại có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Nhà băng này dự kiến phát hành gần 282 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành thêm hơn 251 triệu cổ phiếu mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
BIDV sẽ thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7%, tương đương mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 7 cổ phiếu mới. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và IV năm nay.
Với kế hoạch chào bán thêm cổ phần, BIDV sẽ phát hành thêm 6,25% số cổ phần đang lưu hành tính đến cuối năm 2019 trong giai đoạn 2020 - 2021. Thời điểm cụ thể sẽ được HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Đáng chú ý, kế hoạch tăng vốn từ 40.220 tỷ đồng hiện tại lên 45.549 tỷ đồng của BIDV cũng đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư tài chính. Bởi, theo thống kê 22 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính năm 2019 mới đây nhất, BIDV đang là nhà băng đội sổ về nợ xấu nội bảng với mức tăng 3,45% lên tới 19.451 tỷ đồng, tức tăng thêm 649 tỷ đồng so với năm 2018. Như vậy, con số nợ xấu nội bảng của BIDV gần gấp đôi Vietinbank và gấp 3 lần Vietcombank.
Tuy nhiên, so với mức tăng mạnh hơn với gần 13% của dư nợ cho vay (đạt hơn 1,11 triệu tỷ đồng), đã giúp kéo tỷ lệ nợ xấu của BIDV từ 1,9% đầu kỳ xuống 1,74%.
Điều đáng ngại nhất ở BIDV là các khoản nợ có khả năng mất vốn lên tới 11.209 tỷ đồng |
Điều đáng ngại nhất ở BIDV chính là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) kỳ này tăng đột biến 56% so với đầu kỳ và chiếm tới gần 58% so với tổng nợ xấu nội bảng, lên tới 11.209 tỷ đồng; trong khi đó nợ nhóm 3 và 4 đều giảm 29%.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến khoản mục Chứng khoán đầu tư giữ tới ngày đáo hạn của BIDV vẫn ở mức cao so với các nhà băng khác là 16.570 tỷ đồng, dù ghi nhận giảm hơn 5.000 tỷ đồng so đầu kỳ.
Chính bởi nợ xấu cao đã kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV chiếm tới 64,7% lợi nhuận trước dự phòng dù chỉ tăng nhẹ 5,6% so với năm 2018, từ 18.893 tỷ lên tới hơn 20.0000 tỷ.
Chính tốc độ giải quyết nợ xấu này đã ảnh hưởng tới lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của BIDV trong năm 2019 khi chỉ đạt 8.486 tỷ đồng, chưa bằng phân nửa của Vietcombank.
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2020, BIDV đặt mục tiêu huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, tăng trưởng khoảng 9%. Tín dụng tăng trưởng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (hiện BIDV được giao là 9%). Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,6%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất mục tiêu là 12.500 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2019. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 7%.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ tập trung hoàn thành đầy đủ và toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Cấu trúc lại toàn diện hoạt động đầu tư nhằm mục tiêu bảo toàn vốn và tuân thủ các quy định về an toàn trong hoạt động đầu tư bao gồm tập trung cấu trúc lại các khoản đầu tư mà BIDV có tỷ lệ sở hữu lớn và/hoặc chi phối; triển khai thoái vốn các khoản đầu tư không hiệu quả; tiếp tục thực hiện rà soát hoạt động đối với các Văn phòng đại diện nước ngoài.
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ