Hà Nội, Thứ Hai Ngày 16/09/2024

Doanh nhân tuổi Tý: Ông Đặng Văn Thành, bước đường thăng trầm và duyên nghiệp nhà băng

DTVN 11:04 25/01/2020

Cuộc đời của doanh nhân Đặng Văn Thành gắn liền với bao biến động của thời cuộc, của kinh tế Việt Nam, với những khoảng sáng và bóng tối.

Để làm nên cuộc cách mạng trong ngành mía đường và năng lượng tái tạo, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho rằng vũ khí M&A cùng việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán đã giúp TTC giải quyết dòng tiền hữu hiệu.

Doanh nhân tuổi Tý Đặng Văn Thành

2 cú sốc về đời doanh nhân

Ông Thành sinh năm 1960 Canh Tý trong một gia đình người Hoa, bố là một đông y sĩ chuyên chữa trật tay, viêm khớp… chẳng có gì liên quan đến kinh doanh. Cơ hội đến khi đất nước bước vào kinh tế thị trường, bạn bè rủ rê ông thành lập Thành Thành Công. Năm 1985, lang thang khắp miền Tây thu mua rỉ đường về Sài Gòn sản xuất thành cồn, chàng trai 24 tuổi như cá gặp nước, cơ hội cho tố chất kinh doanh bộc phát.

Từ sản xuất cồn bước qua kinh doanh nhà hàng, rồi thành lập hợp tác xã tín dụng, tiệm cầm đồ… tạo thành một chuỗi cửa hàng liên kế nhau trên đường Âu Cơ, nền tảng giúp công có cái nhìn đa diện từ sản xuất đến kinh doanh, điều hành dòng vốn chảy liên tục dưới nhiều hình thức.

Cuối 1989, các hợp tác xã tín dụng ra đời hàng loạt với lãi suất từ 12 - 14%/tháng. Chỉ chưa đầy 2 năm hàng loạt hợp tác xã tín dụng sụp đổ, Thành Công cũng không thoát khỏi tình trạng đó.

Ông Thành kể: "Khi đó tôi chỉ còn biết đứng nhìn các khách hàng đến rút tiền. Không có tiền họ ùa vào đập phá tranh giành tài sản. Suốt 6 tháng trời nhân viên chỉ được trả lương cầm chừng. Lúc ấy nếu không có một ‘hậu phương vững vàng’, chắc tôi không thể trụ nổi. Hàng ngày tôi lo đối phó ngoài ngân hàng, mọi công việc nhà hàng, sản xuất, thương mại đều giao hết cho vợ. Đến chiều được bao nhiêu tiền cô ấy vét hết tập trung ứng cứu kịp thời".

Để tồn tại và tự cứu mình, hợp tác xã Thành Công đã hợp nhất với ba HTX khác lập ra ngân hàng Sài Gòn Thương Tín với số vốn điều lệ 8 tỷ đồng, tiền đề cho Sacombank sau này.

Tuy nhiên, thế sự xoay vần, năm 2011, ông Đặng Văn Thành đã không thể chống lại được nhóm thâu tóm từ bên ngoài. Các cổ đông lớn lần lượt rút lui, bắt đầu Dragon, Capital, sau đó là REE và ANZ.

Những cơn sóng ngầm lẫn sóng nổi khi các bên đua nhau mua vào cổ phiếu để chiếm quyền kiểm soát ngân hàng. Tháng 5/2012, Trầm Bê nhảy vào quản lý Sacombank, ông Thành xin từ chức và rút khỏi Sacombank.

Là người sáng lập Sacombank, khi ông Thành phải chuyển giao quyền điều hành cho người khác, nhà băng này đã có 417 chi nhánh ở Việt Nam, Lào, Campuchia và 9 công ty con, với vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận hàng năm 4.000 tỷ đồng.

“Biến cố lớn nhất ập đến với tôi là thời điểm 2012, lúc ấy bi đát lắm, cú sốc khiến tôi mất phương hướng, chỉ còn chỗ dựa lớn nhất là gia đình, bạn bè chí thân. Nếu không khó có thể vượt qua được”, ông Thành nhớ lại.

Người sáng lập Sacombank tâm tư: “Việc rời bỏ giữa chừng, tôi cảm thấy có lỗi với cổ đông, những người sáng lập và khách hàng. Lúc ấy tôi phải kìm lắm để không rơi lệ”.

Ông Đặng Văn Thành và người bạn đời của mình - bà Huỳnh Bích Ngọc

Mất đứa con ao ước là Sacombank, nhưng qua thời gian nhìn lại, ông Thành nói rằng: “Tôi đã tạo được những chuẩn mực, cán bộ công nhân viên rất tự hào. Uy tín tôi từ đó được giới tài chính và giới doanh nhân đánh giá rất cao. Bây giờ đi đến đâu tôi cũng nhận được những cảm tình của mọi người. Đó là an ủi lớn nhất đối với tôi”.

“Khi rời nhà băng, tài sản của tôi là 7 tỷ USD”, ông Thành cho biết và nhắc lại: “Tôi có nói với vợ tôi đời doanh nhân đến giờ không phải làm để kiếm tiền nữa, phải sắp xếp thế nào để cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Là doanh nhân phải có tố chất đặc biệt, cần trực giác mạnh lắm. Trước một đầm lầy mình phải nhìn thấy tương lai nó sẽ trở thành cái gì. Nhưng còn thiên thời nữa, phải kiên nhẫn và nắm bắt cơ hội...”

Luôn là người tiên phong
Sau một thời gian im lặng, ông Đặng Văn Thành lại tái xuất thương trường với một sức mạnh mới để trở thành “ông vua” trong ngành mía đường.

“Khi tôi quay lại ngành mía đường, năng suất bình quân không hơn 60 tấn/ha. Tôi phải sang Mỹ, tìm đến nơi chuyên về sản xuất mía đường để đưa ra quay trình canh tác chuẩn, từ ba tấc tôi cho cày sâu 6 tấc, rồi tìm hiểu độ chịu hạn cục bộ, độ bén rễ của cây mía, để sản xuất bằng giá thành cây mía với Thái Lan! Tận dụng mọi phụ phẩm của cây mía làm điện, làm phân làm sao hiệu quả cao nhất. Tôi phải đi một vòng trái đất để tìm cách giúp cho nông dân làm giàu bằng cây mía”, ông Thành kể.

Hưởng ứng chương trình cổ phần hoá các doanh nghiệp đường của nhà nước vào cuối năm 1980, từ nhà thương mại, ông Thành chuyển sang sản xuất với điều kiện tiên quyết phải sở hữu vùng nguyên liệu.

Trong khi thị trường thường “quen” với các thương vụ doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp Việt, thì năm 2007, ông Đặng Văn Thành lại đi ngược, khi mua 2 nhà máy đường của nhà đầu tư Pháp là Bourbon Tây Ninh và Bourbon Gia Lai.

Ông nói có thể nhờ trực giác, bản năng người làm doanh nghiệp nên nhìn thấy thị trường và nghề nghiệp của mình thôi thúc “phải làm gì đó để ngành mía đường Việt Nam có tiếng nói riêng”.

Dựa trên cánh đồng mẫu lớn, tăng tỷ lệ cơ giới hoá, với ông Thành, đó là vấn đề căn bản, tác động 80% thành công cho mỗi nhà máy đường và hiệu quả sẽ vượt trội sao cho “mọi thành phần cấu tạo nên cây mía đều có thể dùng được” bằng việc thực hiện chu trình sản xuất khép kín.

“Mía là một loại cây chung thuỷ, đền ơn cho nông dân tức khắc, ngay khi đốn mía bán cho nhà máy phát điện sinh khối. Vừa đem cây mía vô là ra điện cho dân xài. Rồi tôi nghĩ đến việc sản xuất rỉ ra cồn, tách 10% CCS (chữ đường) ra làm đường cát, 90% còn lại được tách ra làm nước mía đóng chai”, ông Thành chia sẻ rồi tiếp tục nói về mục tiêu của TTC trong ngành mía đường mà TTC theo đuổi “tệ nhất, phải làm chủ thị trường 90 triệu dân”.

Kinh doanh là sản xuất ra sản phẩm thị trường cần, vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thị trường, TTC có đường đen nữ hoàng làm trà sữa, đường que, đường phèn, đường organic… Ông Thành khẳng định tại Việt Nam, hầu hết đường que uống cà phê đều do TTC cung cấp. Mỗi năm TTC có khoảng 1,6-1,7 triệu tấn đường được sản xuất, trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 1,5 triệu tấn còn xuất khoảng 200.000 tấn.

Không chỉ với mía, dừa cũng là một loại cây quen thuộc, nhưng khi thấy trái dừa “lận đận” ngay chính tại Bến Tre - thủ đô dừa, ông Thành nhận ra rằng, nguyên nhân của sự lận đận là do chưa xây dựng được mối liên kết có tính ổn định giữa sản xuất với tiêu thụ.

Ngay khi nhìn ra bản chất “lận đận” của trái dừa, năm 2014, ông Thành đã nghiên cứu, xây nhà máy sản xuất nước dừa và sữa dừa đóng hộp với vốn đầu tư hơn 20 triệu USD và cũng chỉ sau một thời gian, nước dừa nguyên chất, nước dừa trái cây, nước cốt dừa, dầu dừa, cơm dừa sấy khô và đặc biệt là sữa dừa của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) được xuất khẩu sang nhiều quốc gia.

Sau khi thành “ông vua” trong ngành mía đường, ông Thành lại mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, giáo dục, y tế…

Để làm nên cuộc cách mạng trong ngành mía đường và năng lượng tái tạo, ông Đặng Văn Thành cho rằng vũ khí M&A cùng việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán đã giúp TTC giải quyết dòng tiền hữu hiệu.

Ông Thành chia sẻ: “M&A là con đường đi tắt rất hiệu quả, tới giờ này tôi là người M&A nhiều nhất. Từ hữu hạn lên cổ phần, lên đại chúng đều phải tái cấu trúc hết. Còn nguồn vốn tiếp cận, không để 'chảy máu' bản thân mình, tôi phát hành chứng khoán nợ".

Ông Đặng Văn Thành tại buổi lễ kỷ niệm 28 năm thành lập Sacombank sau nhiều năm vắng bóng

"Chúng ta cần tiền chứ không cần chủ, nên tốt nhất giữ lại lợi nhuận hàng năm thông qua cổ tức và cổ phiếu là đường dài cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Định hướng tiền nhàn rỗi thông qua đầu tư vào thị trường vốn là cách tốt nhất, vì tiền vay nhà băng cũng phải trả lãi.

Tôi muốn khuyên chân thành nhất, đặc biệt với người có thương hiệu lớn, nên cổ phần hóa và đưa lên thị trường chứng khoán để tạo dòng tiền. Đây là thương hiệu của quốc gia, không phải của mình nữa. Tại sao có 36, 49, 51, 65… đó là cơ cấu cổ đông, cơ cấu quyền lực.

Nếu muốn an toàn bạn chỉ nên bán 30% thôi. Mình phải bán kỹ nghệ của mình ra để nắm tiền chứ. Giữ được 51% là an toàn 100% rồi. Phải cổ phần để lấy tiền về, không bán là uổng. Công trình bao nhiêu nằm làm ra thương hiệu này phải chia sẻ với các nhà đầu tư… chứ những lúc còn nhan sắc, còn xuân nên kiếm chồng đi, còn để xuống dốc rồi thì ai mua", Chủ tịch TTC chia sẻ thêm.

Sẵn sàng trở lại nhà băng

Sau gần 9 năm “vắng bóng”, sự xuất hiện của ông Đặng Văn Thành tại buổi lễ kỷ niệm 28 năm thành lập Sacombank vào cuối năm 2019, đã gây nhiều chú ý.

Ông Thành cho biết ông Dương Công Minh và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank đã mời tham dự lễ kỷ niệm Sacombank cách đây 3 năm, song ông từ chối vì chưa phải là lúc thích hợp. Và đến nay ông cảm thấy phù hợp hơn khi xuất hiện trở lại tại sự kiện lớn của Sacombank.

Theo ông Thành, sau 28 năm hình thành và phát triển, Sacombank đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngân hàng đã có sự chững lại trong khoảng thời gian dài hơn 5 năm qua, bởi sự “thôn tính” Sacombank không chuyên nghiệp.

Mặc dù vậy, ông Thành cho rằng trong thời gian ngắn ngủi chưa đầy 3 năm, HĐQT Sacombank đã cố gắng xử lý hết được các tồn tại nội tại, đồng thời hoàn thiện các chỉ số an toàn theo chuẩn quốc tế là một nỗ lực không ngừng của HĐQT và toàn thể cán bộ Sacombank.

Đáp lại nhã ý mong muốn mình quay trở lại Sacombank, ông Thành cho biết, sẽ chỉ trở lại vào thời điểm mà ông cảm thấy hưng phấn nhất.

“Nói gì thì nói, nghề ngân hàng vẫn còn nằm trong máu và tôi vẫn dành hết tình yêu cho lĩnh vực này. Khi thấy thích hợp, tôi sẵn sàng tham gia thị trường ngân hàng bởi tôi luôn quan niệm rằng, đã là doanh nhân, khi có điều kiện và có thể đóng góp được gì cho đất nước, cho xã hội thì sẵn sàng làm.

Có người hỏi tôi có trở lại ngành ngân hàng không? Tôi sẵn sàng trở lại, nhưng có thể không làm Sacombank, mà làm nơi khác”, ông Thành chia sẻ.

Theo Vietnamfinance

Link gốc : https://vietnamfinance.vn/doanh-nhan-tuoi-ty-ong-dang-van-thanh-buoc-duong-thang-tram-va-duyen-nghiep-nha-bang-20180504224233760.htm

Bạn đang đọc bài viết Doanh nhân tuổi Tý: Ông Đặng Văn Thành, bước đường thăng trầm và duyên nghiệp nhà băng tại chuyên mục Doanh nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nhân