Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 13/09/2024

Sacombank vượt 20% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, ông Đặng Văn Thành quay trở lại?

DTVN 11:20 25/12/2019

Lãnh đạo ngân hàng cũng cam kết sẵn sàng ứng dụng Basel II vào hoạt động, triển khai thông tư 41 theo đúng lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ ngày 1/1/2020.

Sự quay trở lại của ông Đặng Văn Thành – người sáng lập Sacombank sau 7 năm xa cách

Vừa qua, Sacombank tổ chức buổi lễ kỷ niệm 28 năm thành lập của Sacombank và có lẽ đây là một trong những lần đón sinh nhật ý nghĩa nhất của lãnh đạo và cán bộ nhân viên của ngân hàng này. Sau nhiều năm tập trung tái cơ cấu, lãnh đạo của Sacombank tại buổi lễ đã có thể tự hào công bố những kết quả kinh doanh đầy ấn tượng, bao gồm cả con số lợi nhuận và những thành công trong công cuộc xử lý nợ xấu.

Đặc biệt, buổi lễ có sự xuất hiện của ông Đặng Văn Thành – người sáng lập Sacombank sau 7 năm xa cách.

Ông Đặng Văn Thành – người sáng lập Sacombank

Ông Đặng Văn Thành sinh năm 1960, là người sáng lập Sacombank với vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng, cũng là người có công lớn trong việc đưa Sacombank trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn và uy tín tại Việt Nam.

Năm cuối cùng ông Thành còn gắn bó với Sacombank, ngân hàng đã có mạng lưới rộng lớn với 417 chi nhánh - PGD, khoảng 10.000 nhân viên hoạt động ở 3 quốc gia và có 9 công ty con trong nhiều lĩnh vực. Vốn điều lệ của Sacombank tăng lên gần 11.000 tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Thành là người sáng lập Sacombank với vốn điều lệ khi đó mới chỉ 3 tỷ đồng cho tới khi trước khi ông Thành rời đi thì vốn điều lệ ngân hàng này đã lên tới 11.000 tỷ đồng.

Ông giữ vị trí chủ tịch HĐQT từ năm 1995 và là người chèo lái đưa Sacombank trở thành một ngân hàng lớn mạnh và uy tín.

Sacombank cũng niêm yết thành công vào năm 2006 và là ngân hàng đầu tiên lập công ty quản lý quỹ và công ty cho thuê tài chính.

Trong 28 năm hình thành và phát triển của Sacombank, có một giai đoạn mà ông Thành cho rằng nhà băng này bị chững lại do "sự thôn tính không chuyên nghiệp" cách đây hơn 7 năm khi một nhóm cổ đông thâu tóm thành công và nắm tỷ lệ chi phối, buộc cha con ông Thành rời Sacombank hồi giữa năm 2012. Thời điểm ấy, các doanh nghiệp trong hệ thống sản nghiệp của gia đình ông Thành cũng phải tái cơ cấu.

Sau khi bị thâu tóm, Sacombank có dấu hiệu xuống dốc nhanh chóng với mức doanh thu năm 2016 là 5.119 tỉ đồng và lợi nhuận 373 tỉ đồng. Đầu năm 2017, NHNN thông báo đưa Sacombank, DongABank cùng với 3 ngân hàng “0 đồng” vào diện tái cơ cấu và tập trung xử lí nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Giá trị nợ xấu nội bảng của nhà băng này là 13.745 tỉ đồng, tương đương 6,9% tổng dư nợ. Tuy nhiên, nếu cộng cả số đã bán cho VAMC và một số khoản phải thu từ Southernbank thì ước tổng giá trị nợ xấu tại nhà băng này lên xấp xỉ 60.000 tỉ đồng.

Sau hơn 7 năm, sự xuất hiện của ông Thành thời điểm này khiến nhiều người cho rằng ông Thành đã sẵn sàng trở lại với “đứa con” của mình.

Sacombank gặp khó khăn sau khi sáp nhập Southern Bank

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng, việc sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) vào năm 2015 đã mở rộng quy mô của Sacombank, song cũng từ sau thương vụ sáp nhập này đã khiến Sacombank gặp khó khăn do phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu. Do phải ôm thêm nợ xấu từ SouthernBank.

Vì thế, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNH) đã quyết định tái cơ cấu Sacombank. Trong những năm qua, Sacombank đã không ngừng nỗ lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu để làm sao có thể hoàn thiện việc tái cơ cấu trong thời gian nhanh nhất đưa Ngân hàng phát triển trở lại như vị thế trước đây.

Ngày 30/6/2017, cổ đông của Sacombank đã bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát mới điều hành Sacombank. Qua 2 năm rưỡi tái cơ cấu, HĐQT Sacombank cũng như toàn thể cán bộ nhân viên đã nỗ lực để gặt hái được những thành công nhất định.

Tổng tài sản của Sacombank tháng 1//7/2017 là 355.000 tỷ đồng đến 31/12/2019 là 457.000 tỷ đồng, tăng 28%. Tổng dư nợ cho vay huy động và cho vay cũng tăng 30% từ tháng 7/2017 đến tháng 12/2019. Cụ thể, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư của Sacombank đến cuối tháng 12/2019 đạt 413.000 tỷ đồng, cho vay đạt hơn 296.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu hiện đã giảm xuống còn 1,75%.

Cũng theo ông Minh, khi mới tham gia vào HĐQT Sacombank nhiều người nghĩ rằng, ông tham gia vào ngân hàng là để trông chờ vào khối bất động sản của Sacombank. Tuy nhiên, bản thân ông cũng như Tập đoàn Him Lam đã không mua bất cứ một tài sản nào của Sacombank và không sử dụng vốn của Sacombank.

“Chỉ khi mình tuân thủ các quy định của pháp luật thì hệ thống mới đảm bảo được điều hành hoạt động một cách công khai, minh bạch", ông Minh bộc bạch.

Đã xử lý được gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu

Theo Chủ tịch HĐQT Sacombank, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của Sacombank dự kiến đạt gần 3.200 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết tại đại hội đồng cổ đông; tổng tài sản đạt 457.000 tỷ đồng, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 413.000 tỷ đồng, cho vay đạt hơn 296.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu hiện đã giảm xuống còn 1,75%.

Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, trong hơn 2 năm qua, Sacombank đã xử lý được 39.400 tỷ đồng nợ xấu; thu hồi 13.000 tỷ đồng tài sản không sinh lời, giúp cho tài sản thu nợ trên tổng tài sản giảm từ 29,3% xuống còn 13,3%.

Đồng thời, kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ 7,25% xuống còn 1,75%. Qua 2 năm rưỡi tái cơ cấu, lợi nhuận của Sacombank đã tăng trưởng, các tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ sinh lời tăng trưởng cao; cải thiện được năng suất lao động... Trong quá trình tái cơ cấu, HĐQT Sacombank chú trọng đến tái cơ cấu quản trị điều hành sau đó là tái cơ cấu ngân hàng. Năm 2019, Sacombank áp dụng triệt để Thông tư 41.

Chủ tịch HĐQT Sacombank đánh giá cao vai trò của ông Đặng Văn Thành – người sáng lập Sacombank và đã điều hành vị trí Chủ tịch Ngân hàng trong một thời gian dài.

Vượt 20% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2019

Lãnh đạo ngân hàng Sacombank cho biết, năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank đạt gần 3.200 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch; tổng tài sản đạt 457.000 tỷ đồng, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 413.000 tỷ đồng, cho vay đạt hơn 296.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu hiện đã giảm còn 1,75%.

Sacombank đang có hệ khách hàng ổn định gần 6 triệu cá nhân và doanh nghiệp. Trong vài năm gần đây, ngân hàng hoạt động ổn định và đã mở rộng mạng lưới, riêng năm 2019 Sacombank đã hiện diện thêm tại 4 tỉnh miền Bắc gồm Lào Cai, Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình, nâng mạng lưới lên 570 điểm giao dịch tại 52 tỉnh thành Việt Nam cùng hai nước Lào, Campuchia.

Lãnh đạo ngân hàng cũng cam kết sẵn sàng ứng dụng Basel II vào hoạt động, triển khai thông tư 41 theo đúng lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ ngày 1/1/2020.

Trải qua hơn 7 năm qua giá cổ phiếu STB của ngân hàng này liên tục thăng trầm nhưng đến những ngày cuối tháng 12 đã trở về đúng mức giá hồi giữa năm 2012, thời điểm ông Thành rời Sacombank.

Mộc Diệp (T.H)/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/sacombank-vuot-20-ke-hoach-loi-nhuan-truoc-thue-ong-dang-van-thanh-quay-tro-lai-d67757.html

Bạn đang đọc bài viết Sacombank vượt 20% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, ông Đặng Văn Thành quay trở lại? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp