Hà Nội, Thứ Năm Ngày 02/05/2024

Nhóm ủng hộ Kusto muốn dựa vào hơn 50% cổ phần tại Coteccons để phân định?

Mai Hương(T/H) 10:05 12/06/2020

Nhà sáng lập Vahoca - ông Herwig Van Hove cho rằng nếu nỗ lực tổ chức đại hội bất thường không thành công, thì nhóm cổ đông liên quan có thể bỏ qua luôn cuộc họp thường niên.

Nhóm ủng hộ Kusto sẽ chiếm quá bán cổ phần tại Coteccons?

Sau 8 năm gắn bó, từ mối quan hệ "đối tác chiến lược", Kusto và Coteccons chuyển sang "đối đầu", chủ yếu vì những bất đồng về Ricons. Thông báo đơn phương triệu tập họp cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) với tư cách cổ đông lớn của Kustocem Pte. Ltd coi như đánh dấu mối quan hệ đối tác chiến lược 8 năm chuyển sang đối đầu.

"Chúng tôi không thể tiếp tục đặt niềm tin vào hội đồng quản trị và ban giám đốc hiện tại, đặc biệt là các thành viên điều hành chủ chốt gồm ông Nguyễn Bá Dương, ông Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quang Quân. Chúng tôi yêu cầu họ lập tức từ chức khỏi tất cả vị trí trong Coteccons", nhóm Kusto cho biết.

Nhóm cổ đông này cũng cho rằng vấn đề xung đột lợi ích của lãnh đạo Coteccons đi ngược lại với hầu hết nguyên tắc quản trị. Các vi phạm về quản trị gây ra tổn thất đáng kể cho Coteccons và cổ đông khi doanh thu, lợi nhuận tiềm năng bị chuyển vào các công ty khác do một số lãnh đạo sở hữu và kiểm soát.

Động thái này được khởi xướng bởi cổ đông lớn nhất của Coteccons là Kustocem Pte., một đơn vị thuộc Kusto Group. Kusto Group có trụ sở tại Singapore, do doanh nhân người Kazakhstan là Yerkin Tatishev đồng sáng lập. Đáng chú ý, Kustocem cũng được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư Vahoca Pte. (trụ sở Singapore).

Nhà sáng lập Vahoca - ông Herwig Van Hove cũng là Giám đốc điều hành The8th.

Vahoca là công ty tập trung đầu tư ở châu Á với phạm vi tiếp cận trên toàn cầu. Nhà sáng lập và Tổng giám đốc Vahoca là ông Herwig Van Hove. Đáng chú ý, vị doanh nhân người Bỉ này cũng là giám đốc điều hành The8th kể từ ngày đầu thành lập đến nay.

Điều này giải thích một phần lý do tại sao The 8th lại ủng hộ nhóm cổ đông Kusto, bên cạnh những bất đồng với Ban lãnh đạo hiện tại của Coteccons, bao gồm các ông Nguyễn Bá Dương và Nguyễn Sỹ Công.

Sau đó, PXP Vietnam Emerging Equity Fund (PXP VEEF) - một trong những cổ đông của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, là cổ đông nắm giữ 881.360 cổ phần, tương đương 1,16% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trong Coteccons cũng đã lên tiếng ủng hộ hành động của KustocemThe 8th Pte Ltd.

Tổng Giám đốc Kusto Vietnam - ông Bolat Duisenov cho biết, Ban giám đốc Coteccons đã phản đối yêu cầu tổ chức đại hội bất thường, do đó, buộc họ phải tìm tới Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) để lấy danh sách cổ đông của Coteccons.

Ngoài ra, Kusto cũng liên lạc với các cơ quan chức năng để có thể tổ chức đại hội cổ đông bất thường mà không cần có sự hợp tác của Ban lãnh đạo Coteccons.

Lúc ban đầu, chúng tôi cố giải quyết vấn đề này một cách thân thiện và êm thấm”, ông Duisenov cho biết. Từ đó cho đến hiện tại, một liên minh giữa các nhà đầu tư đại diện cho khoảng 40-50% cổ phần Coteccons hiện đang ủng hộ những đề xuất của Kusto, ông nói thêm. “Đây sẽ là tiền lệ xấu nếu các cơ quan Chính phủ không thể hỗ trợ chúng tôi”.

Được biết, một cổ đông khác có lẽ cũng đứng về phía Kustocem là Madao Trading Pte Ltd (nắm giữ 2.15% Coteccons), được nêu tại thông cáo của Ban lãnh đạo Coteccons.

'Tôi nghĩ chúng tôi có thể dựa vào hơn 50% cổ phần tại Coteccons để phân định'

Nhà sáng lập Vahoca - ông Herwig Van Hove cho rằng nếu nỗ lực tổ chức đại hội bất thường không thành công, thì nhóm cổ đông liên quan có thể bỏ qua luôn cuộc họp thường niên. Theo đó, Coteccons phải đứng trước nguy cơ không đạt được số lượng nhà đầu tư tối thiểu cần thiết để tổ chức đại hội thường niên.

“Tôi nghĩ chúng tôi có thể dựa vào hơn 50% cổ phần tại Coteccons để phân định”, ông Herwig Van Hove nói với Bloomberg. Vị này cũng đưa ra quan điểm rằng “Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng một yếu tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng của đất nước là các khoản đầu tư nước ngoài”.

Bloomberg dẫn lời Tony Foster, đối tác quản lý tại công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringer tại Hà Nội. Theo đó, ông Foster cho rằng, các cổ đông thiểu số và cổ đông nước ngoài rất khó để gây áp lực lên ban điều hành của các công ty Việt Nam, mặc cho những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài với những lời hứa nâng cao hoạt động quản trị doanh nghiệp.

Nếu bạn cố gắng thách thức cổ đông kiểm soát nhưng không có khả năng bổ nhiệm các vị trí Chủ tịch, Tổng giám đốc và phần lớn HĐQT, thì bạn rồi sẽ trải qua khoảng thời gian rất tồi tệ”, ông Foster nói.

Kusto - quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore đầu tư vào Coteccons năm 2012, sau đợt phát hành hơn 10 triệu cổ phiếu để huy động 500 tỷ đồng. Mối quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng khi có vấn đề sáp nhập các công ty thành viên và tại phiên đại hội cổ đông năm 2018 cũng được đề cập.

Nhóm này nói, họ quan ngại vấn đề xung đột lợi ích nên thoả thuận với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương, trong vòng một năm, sáp nhập ít nhất 51% vốn của hai công ty xây dựng thành viên Unicons (khi đó Coteccons đang nắm 27% vốn) và Ricons (Coteccons đang giữ 20% vốn). Nếu không thành công, ông Dương cùng các quản lý cấp cao sẽ bán toàn bộ cổ phần tại hai công ty này.

Việc sáp nhập sau đó suôn sẻ với Unicons còn Ricons thì không. Nhóm cổ đông này cho hay không muốn bàn tiếp chuyện sáp nhập để Coteccons tập trung phát triển hoạt động cốt lõi, nhưng sự việc được khơi lại vào đầu năm 2018 buộc họ lên tiếng. "Chúng tôi chưa bao giờ xác nhận đồng ý sáp nhập mà chỉ đề cập với ông Dương rằng có thể cân nhắc", đại diện nhóm cổ đông nói.

Quan điểm của Kusto là phần lớn giá trị trong Ricons lẽ ra thuộc về Coteccons vì doanh nghiệp này phát triển chủ yếu từ nhân sự, uy tín và được kiểm soát bởi một số quản lý cấp cao của Coteccons. Thương vụ không mang lại lợi ích bởi hai công ty cùng ngành nghề và phân khúc thị trường. Nếu phải nghiên cứu phương án sáp nhập, nhóm này đề xuất thuê đơn vị định giá độc lập tham gia ngay từ đầu.

Ngược lại, phía Coteccons ủng hộ sáp nhập bởi cho rằng khó đơn phương thực hiện các dự án lớn khi thị trường ngày càng phát triển và cạnh tranh gay gắt.

Ông Nguyễn Bá Dương. Ảnh: Coteccons.

Sự việc tạm lắng một năm, khi Coteccons thừa uỷ quyền của đại hội đồng cổ đông để làm việc với Ricons về phương án sáp nhập. Ban lãnh đạo sau đó gửi tờ trình xin ý kiến về chủ trương hoán đổi cổ phiếu để Coteccons sở hữu 100% Ricons trong giai đoạn 2019-2020.

Tuy nhiên, một ngày trước phiên họp thường niên 2019, phía Kusto bất ngờ thông báo sẽ không đưa ra bất cứ biểu quyết đồng ý nào cho thương vụ sáp nhập lần này, cũng như không ủy quyền cho hội đồng quản trị về chiến lược mua bán – sáp nhập (M&A). Thay vì nói "cân nhắc" như trước, nhóm này khẳng định không thấy được sự hợp lý và chiến lược rõ ràng nên yêu cầu ban lãnh đạo Coteccons dừng ngay việc sáp nhập.

Từ bất đồng quan điểm trong việc sáp nhập công ty liên kết, Kusto nhiều lần yêu cầu họp đại hội đồng cổ đông bất thường, gần nhất là giữa tháng 10/2019 và tháng 7/2020, để bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Bá Dương và Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công.

Phía Coteccons cho hay đã bác bỏ và có công văn giải thích chi tiết cho nhóm cổ đông này. Tuy nhiên, những lập luận vô căn cứ về xung đột quyền lợi giữa nhóm quản lý với các công ty thành viên vẫn xuất hiện "nhằm mục tiêu hoàn tất thâu tóm công ty". Công ty yêu cầu Kusto phải chịu trách nhiệm với những nhận định mang tính chất thù địch và bôi nhọ danh dự của ban lãnh đạo.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nhom-ung-ho-kusto-muon-dua-vao-hon-50-co-phan-tai-coteccons-de-phan-dinh-d77540.html

Bạn đang đọc bài viết Nhóm ủng hộ Kusto muốn dựa vào hơn 50% cổ phần tại Coteccons để phân định? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp