Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bên cạnh các dự án 'đắp chiếu', Vicem còn phát lộ nhiều sai phạm 'khủng'

Mai Hương(T/H) 16:37 11/06/2020

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các đơn vị thuộc Tổng công ty Xi măng (Vicem), đồng thời đề nghị Vicem kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân liên quan.

Dự án 'khủng' chậm tiến độ rồi đắp chiếu nhiều năm

Theo kết luận kiểm toán, đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất của Vicem đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đối với các lô đất, song chưa hoàn thành thủ tục hoặc/và chưa được phê duyệt lại.

Đối với lô đất 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội), Tổng công ty đề thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”, đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng Tổng công ty chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt.

Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Vicem Tower) được cấp phép năm 2011 và dự kiến hoàn thành 3 năm sau đó. Dự án được xây dựng theo quy mô hạng A trên diện tích 8.476m2, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và bốn tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 78.270m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.952 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó số vốn đầu tư đã tăng lên 2.743 tỷ đồng (tăng thêm gần 800 tỷ đồng).

Vicem Tower có vị trí đắc địa nằm cạnh tòa tháp Keangnam 72.

Hiện tòa tháp Vicem Tower đã hoàn thiện phần thô. Dự án vẫn “án binh bất động”, “đắp chiếu” gần chục năm qua, công trường không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, cỏ hoang mọc ở nhiều nơi, hàng rào bao quanh đã xuống cấp.

Trước đó, theo thông tin báo chí đưa về kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế của Vicem do Thanh tra Bộ Tài chính ban hành. Một trong những nội dung đáng chú ý tại Kết luận thanh tra này liên quan đến việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại Vicem.

Đến ngày 30/6/2017, giá trị nghiệm thu dự án là gần 1.200 tỷ đồng, giá trị thanh toán là trên 1.200 tỷ đồng (do ứng trước tiền theo hợp đồng nhưng khối lượng chưa được chủ đầu tư nghiệm thu thanh toán).

Từ năm 2015, Vicem đã có chủ trương chuyển nhượng dự án cho đối tượng khác, nên chỉ thực hiện những gói thầu đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng thi công. Đến ngày 20/3/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo việc chuyển nhượng dự án.

Đối với lô đất 52.083 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thay đổi từ "Xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy" thành "tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hoá sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc Vicem theo quy hoạch của TP Hà Nội", được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương song Bộ Tài chính chưa có ý kiến.

Được biết, ngày 4/7/2012, Tổng công ty có Quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy với mục tiêu đầu tư khu nghiên cứu và phát triển, khu tổng hợp bao gồm văn phòng làm việc tư vấn, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, thí nghiệm và thực nghiệm kết họp với việc kinh doanh cho thuê vãn phòng, thương mại và khu lưu trú.

Năm 2018, Vicem cũng có văn bản gửi Bộ Xây dựng báo cáo tình hình thực hiện đầu tư dự án gặp nhiều khó khăn không đủ nguồn vốn để thực hiện đầu tư, dự án. Đến ngày 17/01/2019, Vicem tiếp tục có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị cho phép được tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất ngõ 122 Vĩnh Tuy để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh của Vicem như hiện trạng…

Ô đất tại ngõ 122 Vĩnh Tuy có diện tích 52.083 m2 thay đổi từ "Xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy" thành "tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng.

Cuối cùng là lô đất 166.527m2 tại Khu công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thay đổi từ "tiếp tục xây dựng dự án Nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi" thành "chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với chuyển nhượng dự án", đến tháng 5/2019 Bộ Xây dựng chưa có ý kiến.

Công ty mẹ - Vicem: Công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng xác định, việc chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ là Công ty mẹ - Vicem; Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch; Vicem Hải Phòng.

Đặc biệt, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC xác định chưa chính xác giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Công ty mẹ - Vicem, KTNN kiến nghị điều chỉnh tăng theo phương pháp tài sản 1.169,52 tỷ đồng, theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức 1.747,96 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại công ty mẹ - Vicem loại tài sản không cần dùng khỏi giá trị doanh nghiệp và đề nghị điều chuyển, bàn giao không đúng quy định.

Cụ thể, đề nghị điều chuyển nhà điều dưỡng 5 tầng về Bộ Xây dựng quản lý không đúng quy định tại Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tiếp đó, bàn giao về địa phương một số tài sản là cầu, đường do công ty đầu tư xây dựng, đang sử dụng làm đường giao thông phục vụ dân sinh và sản xuất kinh doanh tại Vicem Hải Phòng nguyên giá 93.878 triệu đồng, giá trị còn lại 56,188 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp nguyên giá 15,854 tỷ đồng, giá trị còn lại 6,167 tỷ đồng không đúng quy định tại điểm 3 Điều 14 Nghị định 126/2017/NĐ-CP.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/ben-canh-cac-du-an-dap-chieu-vicem-con-phat-lo-nhieu-sai-pham-khung-d77514.html

Bạn đang đọc bài viết Bên cạnh các dự án 'đắp chiếu', Vicem còn phát lộ nhiều sai phạm 'khủng' tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp