Hà Nội, Chủ nhật Ngày 28/04/2024

Con đường nào 'giải cứu' dự án 6.000 tỷ đồng liên doanh Trung Quốc ngập trong nợ nần?

DTVN 17:42 11/06/2020

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cho biết, hiện nay, Công ty VTM còn nợ ngân sách nhà nước 957 tỷ đồng; nợ ngân hàng 3.667 tỷ đồng, nợ các nhà cung cấp 1.846 tỷ đồng

'Bết bát' trầm trọng

Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM) là doanh nghiệp liên doanh giữa Vnsteel với Công ty cổ phần Khoáng sản Lào Cai (Lamico) và Công ty Khống chế cổ phần Gang thép Côn Minh – Trung Quốc (KISC) được thành lập năm 2006 với nhiệm vụ thực hiện dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai và dự án khai thác và tuyển quặng mỏ Quý Xa, quản lý vận hành sản xuất kinh doanh sau khi công trình hoàn thành.

Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 335,7 triệu USD (trong đó dự án Nhà máy Gang thép 307 triệu USD, dự án Mỏ sắt Quý Xa 28,7 triệu USD). Vốn điều lệ do các bên liên doanh góp vốn là 101,26 triệu USD, trong đó Vnsteel góp 46,85% vốn điều lệ, Công ty TNHH Khống chế cổ phần gang thép Côn Minh (Trung Quốc) góp 45%, Công ty CP Khoáng sản Lào Cai góp 8,15%.

Thời gian thực hiện đối với dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai: từ năm 2010 đến năm 2014. Đối với dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa được cấp phép từ tháng 9 năm 2006 và đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 2007.

Dự án đã được phê duyệt quyết toán với giá trị 5.416 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty VTM đã triển khai xây dựng mỏ Quý Xa đồng bộ với Nhà máy gang thép để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả đầu tư với giá trị quyết toán được phê duyệt 436 tỷ đồng.

Hết năm 2016, Công ty VTM lỗ lũy kế 1.214 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến nay, Công ty đã có lãi, tuy nhiên lãi do được hưởng lợi từ chính sách cho phép khai thác mỏ và các chính sách về phòng vệ thương mại. Hoạt động sản xuất, kinh doanh chính là phôi thép thua lỗ trừ năm 2018 VTM có lãi phôi thép, lãi thu được là từ khai thác và kinh doanh quặng.

Đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu là 1.325,9 tỷ đồng, tổng tài sản là 8.051,4 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 6.725,4 tỷ đồng, lỗ lũy kế 679,2 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty VTM còn nợ ngân sách nhà nước 957 tỷ đồng; nợ ngân hàng 3.667 tỷ đồng, nợ các nhà cung cấp 1.846 tỷ đồng, thiếu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và chi phí tài chính cao.

Thua lỗ do lãi vay cao

Ngoài ra, triển khai việc tổ chức điều chỉnh dự án diễn ra chậm dẫn đến khi đầu tư bị trượt giá, mất cơ hội tốt để đưa sản phẩm ra thị trường. Kết quả thanh tra cũng cho biết dự án bị thua lỗ liên tiếp trong 2 năm sau khi đưa vào hoạt động. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2016, tổng lỗ lũy kế 1.188 tỷ đồng. Trong khi đó, theo kế hoạch, trong 2 năm đầu khi Nhà máy gang thép đi vào hoạt động, VTM được phép lỗ theo kế hoạch 555 tỷ đồng.

Dự án cũng thua lỗ do lãi vay trong thời gian đầu tư cao, có thời điểm lãi suất 20,5% so với tính toán trong dự án đầu tư là 10,5%. Tỷ giá USD liên tục tăng trong thời gian thi công gói thầu EPC cũng làm tăng chi phí đầu tư.

"Các đơn vị tư vấn thiết có trách nhiệm trong việc chưa tiên lượng được thực tế hiện trạng, chỉ dựa trên kết quả khảo sát bước thiết kế cơ sở để thiết kế và tính toán. Việc xác định phương án kiến trúc, quy mô của công trình chưa chính xác ở bước thiết kế cơ sở, dẫn đến việc bước thiết kế bản vẽ thi công phải điều chỉnh quy mô để đáp ứng với nhu cầu thực tế", cơ quan Thanh tra cho hay.

Đối với Viện thiết kế luyện kim mầu Côn Minh Trung Quốc, Thanh tra tỉnh Lào Cai cho rằng, đơn vị này phải chịu trách nhiệm về công tác lập hồ sơ thiết kế hạng mục xưởng nghiền trong đó phần dây chuyền công nghệ lựa chọn chưa phù hợp, dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung công nghệ. Thanh tra tỉnh Lào Cai yêu cầu VTM nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, khuyết điểm trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và dự án nhà máy gang thép Lào Cai.

Đồng thời, lập phương án cụ thể khắc phục tình trang thua lỗ trong sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa các công đoạn sản xuất, giảm định mức tiêu hao nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động và những sáng kiến cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất.

Thúc đẩy chuyển sang công ty cổ phần

Chia sẻ về tình hình thực hiện Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của mốt số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương hôm 9/7, ông Dương Duy Hưng-Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực hỗ trợ pháp lý, tư vấn, hướng dẫn cho ý kiến đối với các Tập đoàn, Tổng công ty và DN về các vấn đề liên quan đến tranh chấp, tồn tại, vướng mắc với các nhà thầu tại các hợp đồng tổng thầu (EPC), hợp đồng liên doanh với các đối tác tại một số dự án, trong đó có trường hợp của Dự án Nhà máy Thép Việt Trung. Bộ Tư pháp cũng đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về rà soát tồn tại, vướng mắc pháp lý các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản tại các dự án, DN.

Từ góc độ VnSteel, Tổng công ty đã hỗ trợ tư vấn pháp lý và chỉ đạo đại diện phần vốn của Tổng công ty tại các dự án chủ động tham gia đàm phán và giải quyết các vướng mắc, tranh chấp có liên quan của dự án. Qua đó, tới nay đã hoàn thành việc sửa đổi và ký Hợp đồng liên doanh, Điều lệ của Công ty VTM và quy định đề cử chức danh Tổng giám đốc dự án; chỉ đạo và hỗ trợ các dự án làm việc với các ngân hàng và tổ chức tín dụng đề nghị cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đối với các dự án. Đến nay, Nhà máy Thép Việt Trung đã ký được với VietinBank về việc cấp giới hạn tín dụng năm 2019 với hạn mức giải ngân tối đa là 1.600 tỷ đồng.

Bộ Công Thương nêu rõ: Vấn đề nổi bật của Dự án Nhà máy Thép Việt Trung hiện tại là Dự án này chưa hoàn thành được dây chuyền cán thép 500 nghìn tấn/năm theo phương án ban đầu đề ra do khó khăn về huy động vốn và thị trường chưa thuận lợi. Thời gian tới, hướng xử lý chủ yếu được đặt ra đối với Dự án này là xem xét việc Công ty VTM chuyển đổi thành công ty cổ phần, kêu gọi thêm các nhà đầu tư để thực hiện đầu tư dây chuyền cán thép và phát triển Công ty.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/con-duong-nao-giai-cuu-du-an-6000-ty-dong-lien-doanh-trung-quoc-ngap-trong-no-nan-d77522.html

Bạn đang đọc bài viết Con đường nào 'giải cứu' dự án 6.000 tỷ đồng liên doanh Trung Quốc ngập trong nợ nần? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp