Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Liên danh nhà đầu tư dự án sân golf Thuận Thành (Bắc Ninh) làm ăn thế nào?

Mai Hương 10:55 26/03/2020

Bộ Tài chính chưa có cơ sở đưa ra ý kiến đánh giá về khả năng đáp ứng nguồn vốn của Liên danh nhà đầu tư dự án Sân golf Thuận Thành (Bắc Ninh) là Công ty Hudland và Công ty Thăng Long.

Gần đây, dự án sân golf quốc tế Thuận Thành tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh là dự án đang nhận được sự quan tâm từ dư luận. Trong đó, vị trí nằm hoàn toàn ngoài đê sông Đuống, đề xuất triển khai xây dựng sân golf này của Bắc Ninh khiến dư luận quan tâm vì nhiều người lo ngại, nếu sân golf được xây dựng tại đây liệu có ảnh hưởng như thế nào đến môi trường, khi lượng chất thải từ sân golf đổ ra sông Đuống- nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm nghìn hộ dân của tỉnh Bắc Ninh?

Được biết, sân golf quốc tế Thuận Thành được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 và phù hợp với các quy hoạch tại địa phương như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung đô thị Hồ và phụ cận huyện Thuận Thành.

Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh có vị trí nằm hoàn toàn ngoài đê sông Đuống.

Dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành tại xã Đình Tổ sẽ do liên danh Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản HUDLand (Công ty Hudland) và Công ty Cổ phần tư vấn và thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long) làm chủ đầu tư.

Đóng góp ý kiến về dự án, Bộ Tài chính đã tỏ ra “nghi ngờ” về năng lực tài chính của liên danh nhà đầu tư nói trên.

Theo Bộ Tài chính, Luật Đất đai quy định về điều kiện năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư là “Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên”.

Như vậy, Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành có quy mô sử dụng 98 ha đất, với tổng mức đầu tư khoảng 797 tỷ đồng. Theo quy định thì nhà đầu tư đề xuất Dự án phải đảm bảo góp vốn chủ sở hữu thực hiện Dự án không thấp hơn 119,55 tỷ đồng (15% tổng mức đầu tư) để thực hiện Dự án” – Bộ Tài chính nêu ý kiến.

Theo hồ sơ Dự án, nhà đầu tư dự kiến phương án tài chính với cơ cấu vốn chủ sở hữu 159,4 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn đầu tư); vốn vay và huy động 637,6 tỷ đồng (80% tổng vốn đầu tư) để thực hiện Dự án.

Công ty Hudland: Tổng nợ chiếm gần 60% vốn chủ sở hữu, chủ yếu là nợ ngắn hạn

Hudland là chủ đầu tư của nhiều dự án như Khu đô thị mới đường Lê Thái Tổ (Thành phố Bắc Ninh); dự án Khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội); dự án BT08 và LK27 tại Khu đô thị mới Vân Canh (Hoài Đức - Hà Nội).

Tính đến cuối năm 2019, tài sản ngắn hạn của công ty là 598,4 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là 223,8 tỷ đồng; hàng tồn kho và phải thu ngắn hạn là 365.5 tỷ đồng, chiếm 61% tài sản ngắn hạn, trong đó hàng tồn kho là gần 17,9 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn khoảng 347,6 tỷ đồng.

Công ty Hudland: Tổng nợ chiếm gần 60% vốn chủ sở hữu, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Ảnh: cophieu68

Về kết quả sản xuất kinh doanh của HUDLand, trong 3 năm gần đây lợi nhuận sau thuế của công ty này có diễn biến tăng nhẹ, với năm 2017 đạt 57,7 tỷ, năm 2018 đạt 73,4 tỷ, còn đến năm 2019 đạt 76 tỷ đồng.

Dẫu vậy, gánh nặng tổng nợ của HUDLand cũng gây lo ngại vì chiếm tới gần 60% vốn chủ sở hữu, ở mức 271 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Nợ ngắn hạn là 236 tỷ đồng, chiếm 87% tổng nợ.

Đáng chú ý, vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn là 112 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 85 tỷ đồng, vay nợ thuê tài chính dài hạn gần 35 tỷ đồng.

Bộ Tài chính nhấn mạnh việc đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay, trong khi công ty đang phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán công nợ lớn (nợ phải trả chiếm gần 50% tổng cộng nguồn vốn, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn), điều này dẫn đến rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ theo cam kết đảm bảo huy động vốn đầu tư thực hiện Dự án.

Mặc dù hàng tồn kho ghi nhận gần 18 tỷ đồng, nghĩa là đã giảm mạnh 85% so với đầu năm (Trong đó, chiếm đa số là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (17,8 tỷ đồng), tuy nhiên, hàng tồn kho, khoản nợ ngắn hạn và khoản phải thu của Công ty Hudland tương đối lớn cho thấy công ty đang bị chiếm dụng vốn, khả năng thanh toán của công ty phụ thuộc lớn vào công tác thu hồi công nợ và công tác bán hàng tồn kho, có thể ảnh hưởng đến dòng tiền để thực hiện Dự án.

Đồng thời, ngoài việc đầu tư cho tài sản cố định, đầu tư hoạt động tài chính kinh doanh, vốn chủ sở hữu của Công ty Hudland còn phải tiếp tục đầu tư cho các dự án dang dở. Song, hồ sơ Công ty Hudland cũng chưa thuyết minh rõ đơn vị sử dụng vốn góp để thực hiện Dự án này hay kinh doanh các ngành nghề khác, vì vậy, chưa có cơ sở để xem xét, đánh giá về năng lực tài chính của Công ty Hudland.

Công ty Thăng Long: thua lỗ nhiều năm

CTCP tư vấn và thương mại Thăng Long có số vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ, gồm các cổ đông sáng lập là ông Bùi Văn Thiềng (10%), ông Trần Đức Thọ (10%), ông Vũ Đình Sâm (15%), ông Nguyễn Duy Dũng (45%) và bà Hoàng Hồng Hạnh (20%). Đến tháng 8/2017, ông Bùi Văn Thiềng giảm vốn góp về mức 1%, vừa hay tỷ lệ cổ phần mất đi lại đúng bằng con số tăng thêm trong sở hữu của ông Trần Đức Thọ. Số vốn điều lệ của Thăng Long vẫn giữ nguyên mức 100 tỷ cho đến thời điểm hiện tại.

Tại thời điểm ngày 31/12/2018 vốn chủ sở hữu của Công ty Thăng Long là 87,3 tỷ đồng (trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 100 tỷ đồng là cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 12,6 tỷ đồng...); nợ phải trả là 5,18 tỷ đồng, không có nợ dài hạn.

Tài sản ngắn hạn là 57,2 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là 211 triệu đồng; phải thu ngắn hạn là 56,3 tỷ đồng, chiếm 98,4% tài sản ngắn hạn. Đầu tư tài chính dài hạn là 33,7 tỷ đồng, chiếm 95,6% tài sản dài hạn.

Trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2018, Công ty Thăng Long không phát sinh doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2018 kinh doanh thua lỗ (-) 917 triệu đồng, lỗ lũy kế đến thời điểm ngày 31/12/2018 là (-) 12,7 tỷ đồng.

Từ các vấn đề trên cho thấy Công ty Thăng Long đang bị mất vốn chủ sở hữu, kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tiếp; ngoài ra Công ty Thăng Long đang bị chiếm dụng vốn ngắn hạn lớn, chiếm 60% tổng tài sản, trong đó chủ yếu là cho các cổ đông của Công ty Thăng Long vay với mức lãi suất 0%/năm.

Những điều này cho thấy rủi ro của Công ty Thăng Long trong việc huy động vốn thực hiện Dự án. Ngoài ra, hồ sơ Công ty Thăng Long cũng chưa thuyết minh rõ đơn vị sử dụng vốn góp để thực hiện Dự án này hay kinh doanh các ngành nghề khác.

Từ những nội dung trên, Bộ Tài chính chưa có cơ sở đưa ra ý kiến đánh giá về khả năng đáp ứng nguồn vốn chủ sở hữu thực hiện Dự án, năng lực tài chính của Liên danh nhà đầu tư.

Đề nghị cơ quan đăng ký đầu tư yêu cầu nhà đầu tư bổ sung báo cáo về danh mục các khoản đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; cam kết và phương án huy động vốn làm cơ sở để cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, đánh giá việc đáp ứng điều kiện quy định về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư” – Bộ Tài chính nêu ý kiến.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/lien-danh-nha-dau-tu-du-an-san-golf-thuan-thanh-bac-ninh-lam-an-the-nao-d72408.html

Bạn đang đọc bài viết Liên danh nhà đầu tư dự án sân golf Thuận Thành (Bắc Ninh) làm ăn thế nào? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp