Trong đó, ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) - Phó Chủ tịch Tập đoàn CEN Group đã đề cập đến câu chuyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam cũng như khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên.
Khái niệm “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”
“Bản thân CEN chúng tôi luôn luôn quan tâm đến đổi mới và sáng tạo ngay trong chính bản thân những hoạt động của mình, đổi mới về tư duy, đổi mới về cách tiếp cận và sáng tạo trong việc tạo ra sản phẩm dịch vụ mới, sáng tạo trong cách thực thi công việc” – ông Hưng nói. Một ví dụ của sự sáng tạo trong cách thực thi công việc của CEN Group là cách tiếp thị, môi giới bất động sản: trước đây công việc rất truyền thống như kiểu đi phát tờ rơi hay gọi điện nhưng hiện nay phải dùng big data, trí tuệ nhân tạo để tiếp cận khách hàng.
Về chính sách Nhà nước, ông Hưng cho rằng trước hết cần quay trở lại định nghĩa về khởi nghiệp. “Tôi cho rằng một trong những cái đổi mới sáng tạo hiện nay cần phải thực hiện đó là đính chính quá trình lâu nay chúng ta nói về khởi nghiệp”.
Không thể nhìn khởi nghiệp theo con mắt cũ và áp dụng những chính sách, cơ chế, thể chế cũ, cách tính thuế và tiếp cận theo kiểu cũ. “Đối với cơ chế chính sách Nhà nước, tôi mong muốn là sẽ có những cơ chế cho những quỹ đầu tư khởi nghiệp, các lventure business để nhà đầu tư được tự do hơn trong việc quyết định những cái được – mất của họ. Bên cạnh đó, đừng bao giờ dùng ngân sách Nhà nước đi đầu tư khởi nghiệp mà thay vào đó rất nên dùng để đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp”.
Theo ông Hưng, cái khó khăn nhất khi hỗ trợ khởi nghiệp là làm sao để có cơ quan thực sự đủ tầm hiểu biết để đánh giá, nhận định, xác định đó là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thực sự để ban hành những cơ chế đó.
Shark Phạm Thanh Hưng nhấn mạnh đến sự cần thiết của một hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp |
Những cái khó của khởi nghiệp theo góc nhìn của “Shark” Hưng
Một trong những lý do khởi nghiệp Việt Nam thất bại chiếm xấp xỉ khoảng trên 50% là làm ra sản phẩm thị trường không có nhu cầu, đó là nguyên nhân vì sao người trẻ khởi nghiệp cần xác định được demand (nhu cầu) bằng cách xác định cả ba yếu tố: need (cần), want (muốn) và khả năng đáp ứng.
Nhận xét về tiềm năng khởi nghiệp tại Việt Nam, phó Chủ tịch tập đoàn cho biết: “Người Việt Nam rất thông minh và sáng tạo nhưng để mang những ý tưởng đó ra hiện thực thì còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong việc vận hành, và thiếu đội ngũ điều hành chuyên nghiệp”. Bên cạnh đó, ông Hưng cho biết một trong những khó khăn của những người trẻ khởi nghiệp là các bạn không tìm ra được đầu bài đúng và không trung thực trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư.
Ở Việt Nam, nhu cầu làm chủ doanh nghiệp rất cao dẫn đến câu chuyện nhiều bạn trẻ lao vào khởi nghiệp, xong các bạn chưa có cái nhìn đúng về hành trình khởi nghiệp. Shark Hưng chia sẻ câu hỏi thường xuyên gặp nhất từ các bạn trẻ tới doanh nghiệp lớn đó là: Muốn khởi nghiệp phải bắt đầu từ đâu?
Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Thanh Hưng cho biết, để bắt đầu khởi nghiệp, người trẻ cần có trong tay một thứ gì đó, có thể là ý tưởng, kinh nghiệm hay nguồn tài chính. Shark Hưng cho rằng “Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, tôi cho rằng vườn ươm đóng vai trò rất quan trọng, giúp các bạn đỡ bị ảo tưởng và lúng túng trong việc tìm kiếm ý tưởng của mình. Có thể có những bạn có khả năng điều hành rất tốt nhưng không có ý tưởng”.
Nếu không có thứ gì đó trong tay thì không nên nghĩ đến việc khởi nghiệp bởi “chỉ đam mê và niềm tin là không đủ”, người trẻ sẽ gặp khá nhiều khó khăn trên con đường khởi nghiệp của mình. Theo ông Hưng, không có một công thức khởi nghiệp cụ thể nào cho tất cả mọi người mà thay vào đó, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp cần biết rõ chỗ đứng của mình dựa vào 3 yếu tố: hiểu được đam mê của mình là gì, năng lực của mình ra sao và xã hội có nhu cầu như thế nào?
Shark Phạm Thanh Hưng chia sẻ cởi mở với các nhà báo, phóng viên về “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” |
Đánh giá về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ trường đại học
Bàn về câu chuyện khởi nghiệp của sinh viên, ông Hưng cho biết đây không phải vấn đề nên hay không nên mà bản thân tỉ lệ, xác suất khởi nghiệp thành công của sinh viên rất thấp. Trường đại học nói nhiều về đào tạo gắn liền với doanh nghiệp nhưng thực tế Shark Hưng cho biết ông chưa nhận được câu hỏi nào từ phía nhà trường về nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhà đầu tư của chương trình Shark Tank lấy câu chuyện của Đại học Harvard làm ví dụ cho sự kết nối hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp: “Ở Harvard dù là con tỷ phú thì vẫn nhận học bổng, dù có nhu cầu hay không. Nguồn thu cho học bổng sẽ đến từ tài trợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp từng là cựu học sinh của Harvard. Đây là cách hệ sinh thái gắn kết, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, doanh nghiệp khi ra trường sẽ tài trợ ngược lại cho trường”
Ngoài ra, ông Hưng cũng góp ý nên rút ngắn thời gian đào tạo xuống còn từ 2-3 năm thay vì 4-5 năm bởi khi đó, đào tạo xong, kiến thức đã lạc hậu. Thay vào đó, nên tập trung dạy cách tư duy, cách làm việc bởi đó là những điều hầu hết sinh viên đều thiếu khi mới ra trường. Hơn thế nữa, ông Hưng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thực hành. Theo đó, startup muốn thành công phải tham gia vào điều hành. Công tác đào tạo chiếm 49%, còn kinh nghiệm thực tế chiếm phần còn lại. “Điều hành doanh nghiệp nói chung giống lái xe, phải ngồi trên vô lăng, phải học lý thuyết, thực hành và trải nghiệm thực tế”.
Shark Hưng khuyên các bạn sinh viên: “Thời gian thực tập là thời gian vô cùng quý báu, vì các bạn vẫn đang còn được ôm ấp, vẫn đang có người đứng đằng sau, thời gian thực tập phải đúng nghĩa thực tập, “tập bơi đi”, như vậy mới có khả năng lập nghiệp, sau đó mới là khởi nghiệp”.
Theo Cao Nhật/Công Thương