BIDV là một trong 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước quy mô lớn trong hệ thống Ngân hàng (NH) Việt Nam. Song ngân hàng lớn gắn liền với khách hàng lớn nên rủi ro cũng lớn. Điều này thể hiện qua những số liệu liên quan đến nợ xấu của NH trong thời gian qua và hiện đã tăng lên hơn 10.000 tỷ đồng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Trích lập dự phòng rủi ro quá lớn
Năm 2018, huy động vốn của BIDV tăng 9%, dư nợ tín dụng và đầu tư tăng 7,2%, nhưng tỷ lệ nợ xấu riêng NH là 1,8% và lợi nhuận trước thuế đạt 9.473 tỷ đồng. Năm 2019, NH này đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 12% trong giới hạn được NHNN giao, huy động vốn tăng trưởng 11%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 10.300 tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu trên, nhà băng này định hướng năm 2019 sẽ cấu trúc lại toàn diện hoạt động đầu tư tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị ở nước ngoài nhằm mục tiêu bảo toàn vốn.
|
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, NH sẽ tập trung rà soát và đánh giá tính hiệu quả của từng khoản đầu tư/danh mục đầu tư để ra quyết định duy trì, tăng/giảm hay thoái vốn và tập trung thoái vốn toàn bộ các khoản đầu tư tài chính ngoài ngành không hiệu quả.
Bên cạnh đó, BIDV cũng đặt mục tiêu quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp thu hồi các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu tồn đọng, nợ xấu đã bán cho VAMC, phấn đấu mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2019.
Tuy nhiên, kết thúc quý II-2019, NH lại ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 4.772 tỷ đồng, thấp hơn một số NHTMCP như Techcombank (5.018 tỷ đồng) và MB (4.875 tỷ đồng).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã được soát xét, tổng thu nhập hoạt động của BIDV trong 6 tháng đầu năm đạt 22.670 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần chiếm 17.646 tỷ đồng, thu nhập dịch vụ chiếm 1.968 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối tăng mạnh so với kỳ trước, đạt 734,6 tỷ đồng…
Sau khi trừ chi phí hoạt động 7.216 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 3% so với kỳ trước, đạt 15.454 tỷ đồng.
Nếu chỉ xét trên tổng thu nhập hoạt động, nửa đầu năm nay, BIDV đã đạt được kết quả rất khả quan, chỉ đứng sau Vietcombank (23.071 tỷ đồng). Tuy nhiên, tại Vietcombank, chi phí hoạt động 8.451 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro chỉ 3.316 tỷ đồng đã giữ cho lợi nhuận trước thuế ở mức rất cao 11.303 tỷ đồng.
Trong khi đó, BIDV đã phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đến 10.745 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến tổng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt khoảng 45% kế hoạch năm, giảm 5,2% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế giảm 5,8% còn 3.770 tỷ đồng.
Với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng như trên, BIDV là NH có lượng trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất trong số các NHTM đã công bố báo tài chính 6 tháng. Cùng với đó, nhà băng này cũng đứng đầu về tỷ lệ trích lập dự phòng/lợi nhuận thuần với mức 69%. Song đây không phải là câu chuyện gây ngạc nhiên vì từ năm ngoái, BIDV cũng đã mạnh tay trích lập khủng khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh.
Cụ thể, lợi nhuận thuần năm 2018 cao nhất hệ thống với hơn 28.300 tỷ đồng, nhưng NH đã trích lập đến 18.800 tỷ đồng (chiếm khoảng 2/3 lợi nhuận). Trích lập lớn là bởi NH ôm khối nợ xấu lớn nhất hệ thống. Tại thời điểm cuối năm 2018, nhà băng này có tổng cộng 16.697 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ có khả năng mất vốn lên tới 7.170 tỷ đồng.
Áp lực giải bài toán nợ xấu và hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn
Đầu năm nay, lãnh đạo NH đưa ra kế hoạch lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, nhưng sau đó điều chỉnh giảm còn 10.300 tỷ đồng. 200 tỷ đồng được điều chỉnh giảm trong phần lợi nhuận này được dùng để tăng vào quỹ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Đồng thời, dự kiến lợi nhuận riêng lẻ của NH năm 2019 đạt 30.000 tỷ đồng và sẽ trích lập dự phòng rủi ro 20.200 tỷ đồng. Con số này cho thấy bản thân NH cũng chưa kỳ vọng vào việc xử lý nợ xấu bằng các phương pháp khác, cũng như chưa an tâm về vấn đề nợ xấu của mình.
Thực tế cũng thể hiện, dù tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 7,7%, nhưng tỷ lệ nợ xấu của NH cũng đã tăng từ mức 1,9% vào đầu năm lên 1,98% vào cuối quý II. Tổng giá trị nợ xấu nội bảng là 21.121 tỷ đồng, tăng 12,3% so với đầu năm, tiếp tục là NH có tổng nợ xấu cao nhất hệ thống NH.
|
BIDV đang chịu áp lực giải bài toán nợ xấu. |
Trong đó, nợ nghi ngờ giảm 27% xuống 4.523 tỷ đồng, nhưng nợ có khả năng mất vốn tăng thêm 3.321 tỷ lên 10.492 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng nợ xấu. Việc nợ xấu tăng lên cũng không khó lý giải, bởi NH lớn luôn gắn với các khách hàng lớn và rủi ro cũng lớn hơn.
Đơn cử như tại báo cáo tài chính bán niên 2019 của Đức Long Gia Lai, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh hầu hết các khoản nợ vay của tập đoàn này đã quá hạn thanh toán, đặc biệt là nợ vay NH, tổ chức, cá nhân và nợ trái phiếu đến hạn trả. Tất cả các NH đều ngừng giải ngân đối với tập đoàn.
Tập đoàn có thể sẽ không có khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả trong điều kiện kinh doanh bình thường. Và BIDV đang là chủ nợ lớn nhất của tập đoàn Đức Long Gia Lai với khoản vay 1.781 tỷ đồng, gồm 1.540 tỷ đồng dài hạn và 241 tỷ đồng ngắn hạn. Là chủ nợ lớn, BIDV chắc chắn cũng chịu ảnh hưởng từ điều này.
Trong một báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho thấy tổng rủi ro tín dụng bao gồm nợ cần chú ý, nợ xấu và nợ được xử lý cộng dồn chiếm 5% dư nợ 6 tháng, gần gấp đôi so với số liệu trung bình các NH khác. Mức so sánh này không bao gồm dư nợ trái phiếu VAMC của BIDV. Theo số liệu do BIDV công bố tại ĐHCĐ hồi tháng 4, NH số có dư nợ trái phiếu VAMC hơn 14.000 tỷ đồng và đã trích lập dự phòng hơn 7.600 tỷ đồng cùng với một quỹ số dư thu nợ là 1.900 tỷ đồng.
Gần đây, BIDV cũng tích cực rao bán nợ xấu, tính riêng trong tháng 9, các chi nhánh của BIDV phát hành gần 30 thông báo về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, có một số tài sản được rao bán nhiều lần vẫn chưa xử lý được, dù đã có Nghị quyết 42 nhưng khó có người mua. Xem ra, trong thời gian tới, ngoài trích lập dự phòng để cải thiện quản lý rủi ro là cần thiết với BIDV, NH còn phải nỗ lực hoạt động để nuôi các khoản nợ có khả năng mất vốn.
Theo ANTT