BIDV và Vietinbank là một trong những ngân hàng thương mại có vốn nhà nước quy mô lớn trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Song ngân hàng lớn gắn liền với khách hàng lớn nên rủi ro cũng lớn. Điều này thể hiện qua những số liệu liên quan đến nợ xấu của Ngân hàng trong thời gian qua.
Dồn dập rao bán nợ, phát mãi tài sản đảm bảo
Vừa qua, BIDV thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 7 đường số 1E KDC Trung Sơn, ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM. Khu đất ở có diện tích 204 m2, nhà ở có tổng diện tích sử dụng 222 m2, diện tích xây dựng 108,8 m2. Giá khởi điểm của tài sản là 18,5 tỷ đồng.
Trước đó, ngân hàng này cũng thông báo lựa chọn tổ chức để đấu giá bán khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Sài Gòn Phố Đông với tổng giá trị 85 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 31 tỷ đồng, dư nợ lãi và phí phạt 54 tỷ đồng. Giá bán khởi điểm là hơn 85 tỷ đồng.
Gần đây, một số chi nhánh VietinBank cũng thông báo đấu giá và thanh lý nhiều tài sản và khoản nợ. Đơn cử VietinBank chi nhánh Thanh Xuân, Hà Nội thông báo xử lý một số tài sản thế chấp của khách hàng vay vốn để thu hồi nợ, bao gồm căn hộ chung cư số A1705, diện tích 155,6 m2, tòa A, chung cư 48 tầng Keangnam Vina, Hà Nội. Giá bán dự kiến bán là 6,224 tỷ đồng.
Ngân hàng đang rao bán tích cực nợ BĐS để thu hồi nợ (Ảnh minh họa) |
Tài sản thứ hai được xử lý là quyền sử dụng đất của bên ủy quyền tại thửa đất số 131, gò BuLu xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc có thời hạn sử dụng đến năm 2045 do ông Vũ Tiến Lâm sở hữu. VietinBank dự kiến bán với giá 12 tỷ đồng.
Ngân hàng này cũng thông báo bán khoản nợ có tài sản đảm bảo của CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà Trường Linh giá trị hơn 465 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 208 tỷ đồng. Khoản nợ có tài sản đảm bảo là 3 thửa đất với tổng diện tích 159,4 m2 tại 100 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội và 21 ô đất tổng diện tích 67,2 m2 tại khu đô thị Chí Linh, Hải Dương.
Theo BCTC, BIDV là ngân hàng có nợ xấu nội bảng nhiều nhất trong hệ thống với 21.121 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2019, tăng 12,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 46% lên 10.492 tỷ đồng; nợ dưới chuẩn tăng 12% lên 6.105 tỷ.
Tương tự, Vietinbank đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng nợ xấu nửa đầu năm nay, với 13.010 tỉ đồng. Tuy con số này đã giảm 5% so với cuối năm ngoái, nhưng nợ có khả năng mất vốn có tỉ lệ cao hơn cả BIDV, lên đến 56,5% tổng nợ xấu.
Ngoài ra, VietinBank và BIDV là 2 ngân hàng duy nhất trong nhóm ngân hàng quốc doanh chưa đạt chuẩn Basel II.
Bế tắc trong giải pháp
VietinBank cho biết, hiện chưa tìm được lời giải cho bài toán tăng vốn. Do không tăng được vốn điều lệ, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã xuống gần ngưỡng cảnh báo, thậm chí nếu tính theo Basel II thì đã xấp xỉ ngưỡng thấp nhất. Điều này khiến ngân hàng khó có thể mở rộng hoạt động.
Hoạt động giao dịch tại Vietinbank |
Đối với BIDV, để đáp ứng chuẩn Basel II cũng phải tăng vốn điều lệ, nhưng ngân hàng này lại đang có nhiều khó khăn về giá và phương thức phát hành. Bởi hiện nay tỷ lệ nắm giữ của Bộ tài chính lên tới hơn 90%. Vì vậy, việc tăng vốn của BIDV còn phụ thuộc nhiều vào cơ chế của nhà nước, trong đó có cơ chế về giá, về phương thức phát hành.
Mới đây, thương vụ phát hành KEB Hana Bank đã được công bố chính thức. BIDV sẽ thu về 20,3 nghìn tỷ và nhận được sự hỗ trợ dài hạn về quản lý, yếu tố này sẽ giúp nhà băng cải thiện bộ đệm vốn. Thế nhưng, BIDV có thể để đạt chuẩn quốc tế Basel 2 trước thời hạn hay không vẫn chưa chắc chắn.
Thực tế, việc xử lý nợ xấu tại Vietinbank và BIDV vẫn là nhiệm vụ trọng điểm. Hơn nữa, thời hạn áp dụng Basel 2 đang đến rất gần nên hai nhà băng này đang phải nhanh chóng thanh lý các tài sản để thu hồi tiền mặt và hoàn trả các khoản nợ đến hạn, đặc biệt đủ tiềm lực để đạt chuẩn Basel 2 đúng thời hạn mà ngân hàng nhà nước đã đề ra.
Nghị quyết 42 được ban hành đã giúp các ngân hàng được chủ động hơn trong việc phát mãi, thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, theo các ngân hàng, quá trình xử lý tài sản đảm bảo vẫn còn nhiều vướng mắc và mất thời gian. Cụ thể, không ít tài sản đã trải qua nhiều lần đấu giá nhưng vẫn chưa tìm được người mua, dù giá bán đã giảm rất nhiều sau mỗi lần đấu giá không thành công.
Theo các chuyên gia, cần phát triển thị trường mua bán nợ nhưng hiện vẫn chưa có khung pháp lý cho thị trường này. Được biết, Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) được giao chủ trì dự thảo Nghị định của Chính phủ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, tiến độ thực hiện trong 2 năm 2018 - 2019. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có Dự thảo Nghị định này.
Theo An ninh Tiền tệ