Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Ngân hàng VietinBank và BIDV: Cổ tức đang 'treo'

 Theo ANTT 19:41 26/09/2019

Từng đều đặn trả cổ tức, nhưng từ 2 năm nay và gần qua 3 năm, cổ tức của hai "ông lớn" VietinBank và BIDV đang bị "treo" lại.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 tổ chức hồi đầu tháng 4 năm nay, cổ đông ngân hàng BIDV đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức cho năm 2018 là 6% bằng tiền mặt, tương đương với mỗi cổ phiếu sở hữu, cổ đông được nhận 600 đồng.

Còn tại đại hội của VietinBank, Ban lãnh đạo ngân hàng cũng trình cổ đông 2 phương án, một là chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% và hai là để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ.

VietinBank vẫn chưa có tín hiệu trả cổ tức.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, khi năm 2019 sắp đi qua, cả hai ngân hàng vẫn chưa có thông tin nào liên quan đến việc trả cổ tức trên.
Trước đó, cho năm tài chính 2017, VietinBank dự kiến sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 5-7%, còn con số này tại BIDV dự kiến là 7%, bằng tiền. Và cũng tương tự như năm 2018, số cổ tức năm 2017 hiện cũng vẫn đang bị “treo”.
Trong khi đó, từ năm 2016 trở về trước, hai ngân hàng này vẫn đều đặn trả cổ tức cho cổ đông, từ 7% đến 10%. Thậm chí, có năm 2012, VietinBank trả cổ tức bằng tiền lên tới 16%.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng có hai năm trả cổ tức bằng cổ phiếu, vào các năm 2009 (6,83%) và 2011 (20%).
Như vậy, lần trả cổ tức của hai ngân hàng này gần nhất là cho năm tài chính 2016.
VietinBank và BIDV với áp lực tăng vốn
Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, thì đến đầu năm 2020, quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành, với những yêu cầu khắt khe hơn.
Theo đó, lãnh đạo hai ngân hàng đã từng nhiều lần đề nghị cơ quan quản lý là Bộ Tài chính cho phép không chia cổ tức hoặc chia bằng cổ phiếu nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank cho biết, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) riêng lẻ của ngân hàng là 9,6% và hợp nhất là 10%. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo Thông tư 41, CAR của ngân hàng lại ở mức dưới 8%.
Theo đó, người đứng đầu VietinBank khẳng định, việc tăng vốn là điều đặc biệt cấp bách đối với ngân hàng hiện nay.
Với việc sở hữu lượng cổ phần chi phối (tại BIDV là 95% và tại VietinBank là 64,46%), cổ đông Nhà nước là đơn vị nắm quyền quyết định chi trả cổ tức tại hai ngân hàng.
Và việc trả cổ tức hay không, trả bằng cổ phiếu hay tiền mặt có tác động trực tiếp đến “túi tiền quốc gia”. Bởi, mỗi năm, hai “ông lớn” ngân hàng này đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Do đó, việc trả cổ tức bằng tiền dường như đã là “mặc định” hiển nhiên khi mỗi kỳ đại hội tới.
Thậm chí, năm 2016, VietinBank và BIDV đã quyết định chọn phương án trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu để tăng vốn nhằm đảm bảo hệ số CAR và phương án này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước đồng ý.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại hai ngân hàng trên chia cổ tức bằng tiền mặt và nộp số cổ tức được chia vào ngân sách nhà nước.
Và năm đó, BIDV buộc phải trả cổ tức 8,5% và VietinBank là 7%, bằng tiền mặt.
Thông tin trên Bizlive cho biết, tới thời điểm hiện tại, đã có 10 ngân hàng được áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn, nhưng trong số đó, vẫn chưa có tên VietinBank hay BIDV.
Với BIDV, áp lực tăng vốn đã được giải tỏa phần nào khi ngân hàng này chuẩn bị phát hành riêng lẻ 603 triệu cổ phiếu cho đối tác Hàn Quốc.

BIDV đang đối mặt với áp lực tăng vốn.

Tuy nhiên, với VietinBank, cánh cửa tăng vốn trở nên “hẹp” hơn khi tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng đã chạm sàn trong khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng đã được lấp đầy.
Việc phát hành cổ phiếu tăng vốn gần như là không thể do Nhà nước không có kế hoạch chi thêm ngân sách cho các ngân hàng thương mại.
Áp lực với ngân hàng này vì thế càng lớn hơn khi buộc phải dựa vào giải pháp ngắn hạn, liên tục phát hành trái phiếu bổ sung vốn cấp 2 với chi phí cao hơn.
Như trên, năm 2019 sắp trôi qua. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã nêu: “Đến năm 2020, các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực an toàn vốn của Basel 2”.
Với khả năng này, có thể số cổ tức năm 2017 và 2018 đang bị “treo” tại hai ngân hàng sẽ được trả bằng cổ phiếu trong thời gian tới? Câu hỏi này từng nhiều lần tưởng như có câu trả lời trong năm 2019, thậm chí đặt ra tại họp báo Chính phủ thường kỳ.
"Cơm chưa ăn, gạo còn đó", nhưng cổ đông nhỏ lẻ tại hai ngân hàng này đã một thời gian dài chưa có thu nhập cụ thể từ quyền lợi chính đáng của họ.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/ngan-hang-vietinbank-va-bidv-co-tuc-dang-treo-d62162.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng VietinBank và BIDV: Cổ tức đang 'treo' tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng