Nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm
Tại Diễn đàn "Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách", TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, có 5 tác động lớn của dịch Covid-19 tới ngành ngân hàng.
Thứ nhất, sức cầu yếu và niềm tin còn chưa cao, tăng trưởng tín dụng thấp (tính đến 15/9/2020, tín dụng mới chỉ tăng khoảng 4,81% (trong khi cùng kỳ đạt 8,64%). Dự đoán tăng trưởng cả năm 2020 sẽ chỉ ở mức 8-9%.
Năm tới, khi kinh tế phục hồi thì có thể tăng trưởng ở mức cao hơn khoảng 9-10%. "Tôi cho rằng đây là mức tăng trưởng phù hợp, do quy mô tín dụng/GDP là tương đối lớn", ông nói.
Thứ hai, chất lượng tài sản sẽ xấu đi. "Nợ xấu sẽ tăng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021; trong khi xử lý nợ xấu khó khăn hơn", vị chuyên gia dự báo. Thứ ba, lợi nhuận cũng sẽ giảm. Ước tính, lợi nhuận ngân hàng Việt Nam sẽ giảm 20-25% trong năm 2020, tương đương các ngân hàng thương mại của Trung Quốc.
Ông Lực cho rằng, cuối năm 2020 và năm 2021 sẽ là thời điểm hết sức khó khăn với hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, "trong nguy có cơ", TS. Cấn Văn Lực cho biết cũng có những tác động tích cực. Cụ thể, tác động thứ tư là ngân hàng số và thanh toán không tiền mặt tăng nhanh (trong 6 tháng đầu năm 2020: mobile banking tăng trưởng 180%).
Và tác động lớn thứ năm, hành vi, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của khách hàng thay đổi, cần thiết kế sản phẩm và dịch vụ phù hợp.
Chạy đà phá bom nợ xấu
Tổng số nợ xấu trung bình được xử lý/tháng cao hơn, thậm chí gấp đôi kết quả xử lý trước khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực. Và khách hàng cũng chủ động hợp tác hơn trong việc trả nợ cho TCTD.
Tình hình nợ xấu chung của hệ thống cho thấy có vẻ như vấn đề vẫn đang trong kiểm soát, và thậm chí có nhiều điểm tích cực dần lên.
Tất nhiên, số liệu trên chưa bao gồm nợ phát sinh tương lai, đặc biệt từ 321 nghìn tỷ đồng của 271 nghìn khách hàng mà các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ tính đến 14/9/2020. Chưa kể nợ xấu có thể phát sinh trong dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng đã được miễn, giảm lãi vay hay ở doanh số vay mới lũy kế tới nay 1,6 triệu tỷ đồng mà 310.000 khách hàng đã vay.
Dù vậy, trong 6 tháng đầu 2020, nợ xấu của nhiều nhà băng tăng nhanh so với cùng kỳ 2019, như KienlongBank tăng 5,5 lần, VIB (29%), LienVietPostBank (24%), BacABank (19%), Vietcombank (11%)…
Phát mãi, bán đấu giá nợ, tài sản để thu hồi nợ… là những giải pháp chính đang được các TCTD ưu tiên xử lý nợ xấu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những giải pháp này thường sẽ có hiệu quả khi thị trường còn dồi dào nguồn lực, các Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các nhà băng còn có điều kiện để tìm kiếm người mua. Song COVID-19 đã khiến nhiều nhà đầu tư "tay to" còn tiền chọn phương án đứng ngoài quan sát, chờ giá tài sản đi xuống thấp hơn...
Một loạt các đợt rao bán đấu giá tài sản ế ẩm, dù tài sản đảm bảo thuộc hàng hiếm, đất vàng. Điều này cho thấy cửa bán tài sản thu hồi nợ ngày càng hẹp hơn. Chẳng hạn, Sacombank đã phải rao bán lần thứ 9 khoản nợ của Công ty CP Ngọc Sương…
Theo một chuyên gia tài chính, khi các tài sản xuống giá đến một mức độ nhất định, các "cá mập" sẽ mua lại các tài sản bất động sản đại hạ giá, hoặc mua lại các doanh nghiệp có tiềm năng nhưng làm ăn khó khăn. "Nợ xấu của hệ thống ngân hàng bước qua 2021 mới có thể bắt đầu hết "ẩn"- và hiển lộ dần trong tổng nợ nội bảng, phân loại nhảy vọt sẽ là nhóm nợ 4,5. Đây mới thực sự là quả bom rủi ro của các ngân hàng.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ