6 tháng đầu năm 2020 của TPBank ghi nhận nhiều kết quả tích cực
Nhờ tiên phong trong công nghệ nên mặc dù dịch bệnh hoành hành, ngân hàng phải hy sinh hàng trăm tỷ lợi nhuận để hỗ trợ cho gần 10 nghìn khách hàng vượt qua khó khăn thông qua việc giảm lãi, cơ cấu lại nợ, giãn nợ… song TPBank vẫn ghi nhận kết quả tích cực. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế lên tới 2.034 tỷ đồng, tăng đáng kể so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 50% kế hoạch năm. Tổng huy động vốn của ngân hàng đạt trên 162 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ dù lãi suất huy động liên tục hạ thấp. Mức tăng trưởng tín dụng của TPBank cũng cao hơn nhiều so với toàn ngành (chỉ đạt trên 3% trong 6 tháng). Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt, chỉ ở mức 1,53%.
Không chỉ được các tổ chức trong nước đánh giá cao, ngay trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng đã có những đánh giá mới dành cho TPBank. Trong khi nhiều ngân hàng bị hạ triển vọng tín nhiệm, TPBank vẫn được Moody’s xếp ở hạng mức B1 - mức cao nhất trong nhóm các NHTM cổ phần và "là một trong bốn ngân hàng" được giữ nguyên triển vọng ổn định.
Từ ngôi nhà hoang tàn đến ngân hàng số hàng đầu
Tháng 8/2020, hệ thống của ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) phát hiện một trường hợp đáng ngờ. 9 bộ hồ sơ đăng ký tài khoản tại ngân hàng, sử dụng 9 chứng minh thư nhân dân khác nhau lại của cùng một người, dù hình chụp các tư thế và kiểu tóc khác nhau.
Sau khi kiểm tra lại dữ liệu khách hàng bằng hệ thống định danh điện tử - eKYC, TPBank xác định các tài khoản trên đăng ký chứng minh thư giả. Ngay lập tức, hệ thống tự động loại bỏ các hồ sơ này.
Trong quá khứ, rất khó để các ngân hàng phát hiện những bất thường như vậy. Ở một quy trình đăng ký tài khoản truyền thống, nhân viên tại phòng giao dịch sẽ đối chiếu chứng minh thư của khách bằng mắt thường, sau đó chụp, lưu lại bản photo đen trắng, kẹp vào hồ sơ là coi như hoàn thành. Vì không có dữ liệu chung giữa các chi nhánh, nhân viên ngân hàng không thể kiểm tra được người đăng ký tài khoản này đã mang hồ sơ đến đăng ký ở những phòng giao dịch khác hay chưa.
“Với eKYC, dữ liệu khách hàng sẽ được hệ thống ‘quét’ tự động trên một cơ sở dữ liệu đồng bộ, qua đó giảm thiểu việc đăng ký tài khoản ảo và nhiều rủi ro bảo mật khác”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ.
Thị trường hiện có nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh công nghệ và triển khai eKYC tới khách hàng. Mặc dù vậy, hiếm có ngân hàng nào theo đuổi công nghệ một cách quyết liệt như TPBank.
Thay vì cố gắng mở thêm chi nhánh, TPBank quyết định tập trung vào công nghệ với trọng tâm là ngân hàng số, triển khai các tính năng ngân hàng điện tử, internet banking, mobile banking.
“Ngay khi chúng tôi tái cơ cấu, một trong những ưu tiên là ngân hàng điện tử, vì đó là bắt buộc, nếu không thì không tồn tại,” ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank nhớ lại.
Thực tế, TPBank không phải là ngân hàng duy nhất phát triển ngân hàng điện tử. Nhưng TPBank vẫn xác định ngân hàng điện tử có vị trí chiến lược then chốt, đảm bảo cho sự phát triển của ngân hàng. Người đứng đầu TPBank kể lại rằng, TPBank kiên quyết với chiến lược đó và tự tin rằng sẽ thành công, vì “chúng tôi áp dụng kiên quyết, triệt để, toàn diện và vượt mọi khó khăn”.
Nhóm khách hàng TPBank hướng đến là giới trẻ thế hệ Y, sinh từ năm 1981 đến 2000, và thế hệ Z là những người sinh sau năm 2000. Đây là nhóm dân số vàng trong nền kinh tế, yêu thích công nghệ và hầu hết đều sở hữu smartphone. Chưa kể, đây là nhóm có sức lan tỏa rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ công nghệ mới tới các thành viên khác trong gia đình, những thế hệ trước.
Những phần chìm của tảng băng bên trong hệ thống của TPBank góp phần mang lại những giá trị để giữ chân khách hàng. Đó là trải nghiệm một sản phẩm chất lượng tốt với sự thuận tiện, nhanh chóng và đầy đủ. Đây là những giá trị đòi hỏi sự vun đắp theo thời gian, chứ không phải chỉ bỏ tiền ra ồ ạt đầu tư là có thể đạt được. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh của TPBank so với các ngân hàng khác.
Nói đơn giản, theo ông Hưng, TPBank luôn cố gắng để “đi trước nửa bước chân”: Ngân hàng luôn cố gắng vươn lên, ngày càng hoàn thiện sản phẩm, không chủ quan tự mãn. Những thành tựu đã gặt hái được trong thời gian qua là điểm tựa để ngân hàng tự tin theo đuổi chiến lược của mình.
Mặt khác, chi phí cũng là rào cản lớn khiến các ngân hàng e ngại. Để thực sự chuyển đổi số, một ngân hàng phải tác động trực tiếp hay thậm chí là thay cả “lõi”, kéo theo một khoản chi phí khổng lồ. Không nhiều ngân hàng sẵn sàng cho sự thay đổi này, nhất là khi hệ thống đang hoạt động ổn định.
Cho đến nay, TPBank đã chi tới hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho công nghệ, để ngân hàng có thể phục vụ nhiều khách hàng cùng lúc tốt hơn.
“Chuyển đổi số tại TPBank bao gồm 2 cấp. Đầu tiên là chuyển đổi số, lên một mức cao hơn là đổi mới số, sáng tạo số. Chúng tôi đã làm được bước tự động hóa quy trình, giờ phải vươn lên mức cao hơn, đòi hỏi hệ thống nguồn lực khác hơn, quy trình khác hơn. Qua đó, mang lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng”, ông Hưng chia sẻ.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ