Theo Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt trên 3.868 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng tương đương 71.3% so với năm trước và đạt 121.75% kế hoạch đặt ra. Tổng huy động vốn đạt trên 147 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018.
Với định hướng tập trung vào ngân hàng bán lẻ, tín dụng của TPBank trong năm tăng trưởng ổn định với dư nợ đạt gần 102 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng trên 20%. Đặc biệt, chất lượng tín dụng của ngân hàng vẫn luôn được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, dưới 1.0%.
Trong năm 2019, TPBank đã trích đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định, ngoài ra còn đã trích bổ sung dự phòng đủ để tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC với tổng số tiền trên 700 tỷ đồng.
Ngoài việc tuân thủ sớm theo đúng các quy đinh của Thông tư 41 và áp dụng ICAAP theo chuẩn Basel II, năm 2019, TPBank cũng đã đáp ứng những quy định mới của Ngân hàng nhà nước theo Thông tư 52 với mô hình đánh giá CAMELS (phương pháp đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và quản lý rủi ro của ngân hàng) và đủ điều kiện để được xếp hạng cao theo chuẩn mới này.
Giữ vững mục tiêu ngân hàng số, TPBank đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công nghệ nhằm mang tới những trải nghiệm và tiện ích tốt nhất, phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của khách hàng. Tính đến cuối năm 2019, mạng lưới chi nhánh ngân hàng đã trải rộng khắp toàn quốc với tổng số điểm giao dịch đạt gần 300 điểm, trong đó ngân hàng tự động LiveBank đạt hơn 200 điểm.
TPBank báo lãi gần 3.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 71% so với năm trước |
Một điểm nhấn quan trọng về công nghệ số của TPBank trong năm 2019 là sự kiện ra mắt phiên bản eBank X. Đây là phiên bản được nâng cấp vượt trội về cả công nghệ, giao diện và tính năng so với phiên bản internet banking trước đó: tốc độ xử lý nhanh hơn gấp nhiều lần, giao diện thân thiện, hiện đại và áp dụng nhiều công nghệ mới như AI, Marchine Learning, Big Data..., dễ dàng nâng cấp mà không cần dừng hệ thống.
TPBank cũng trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công chuyển tiền quốc tế qua blockchain, giúp giao dịch chuyển tiền quốc tế qua TPBank nhanh chóng hơn, thuận tiện và an toàn hơn trước rất nhiều.
Với sản phẩm thẻ, năm 2019, TPBank đã gây một tiếng vang lớn khi trở thành ngân hàng đầu tiên cung cấp thẻ tín dụng kim loại – một sản phẩm thẻ được thiết kế dành riêng cho giới khách hàng VIP với rất nhiều quyền năng xứng tầm, mang lại sự sang trọng và đẳng cấp cho người sở hữu.
Cùng với những sản phẩm tài chính đột phá, năm 2019, TPBank cũng vinh dự nhận được nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước: Top 500 ngân hàng mạnh nhất Châu Á Thái Bình Dương theo đánh giá của The Asian Banker, Tổ chức tài chính xuất sắc Châu Á theo đánh giá của Enterprise Asia, giải thưởng Ngân hàng số tiêu biểu do IDG trao tặng; được tổ chức thẻ Quốc tế Visa đã trao tặng cho TPBank đồng thời 3 giải thưởng về thẻ …
Có thể thấy, TPBank đã có một năm kinh doanh xuất sắc với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Định hướng công nghệ số cùng những nỗ lực không ngừng vì khách hàng của TPBank đã được đền đáp xứng đáng, giúp TPBank “bội thu trái ngọt” trong năm 2019.
Bà Nguyễn Hoài Thương khi còn là Tổng giám đốc thẩm mỹ viện |
Tuy nhiên, ngoài những kết quả đáng ghi nhận của TPBank về kết quả kinh doanh của mình thì nhà băng này vẫn còn đâu đó những gờn gợn "tì vết" kế bên chưa khiến khách hàng yên tâm (!?).
Trước đó, vào giữa tháng 11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hoài Thương (tức Nguyễn Thu Trang, 35 tuổi, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Phó Giám đốc Chi nhánh kiêm Giám đốc Dịch vụ khách hàng tại Chi nhánh Phạm Hùng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 355, bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo điều tra ban đầu, trong thời gian giữ chức vụ Phó giám đốc Ngân hàng TPBank - Chi nhánh Phạm Hùng, Nguyễn Hoài Thương đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới làm thủ tục để Thương phê duyệt, tất toán khống 5 sổ tiết kiệm của khách hàng, rồi chiếm đoạt số tiền này.
Trong thông cáo phát đi đó, đại diện Ngân hàng TPBank cho biết: “Sự việc này đã được chính TPBank phát hiện trong quá trình rà soát quy trình, hồ sơ nội bộ để đảm bảo an toàn cho Ngân hàng và tài sản của khách hàng. Đây là việc làm định kỳ hàng tháng tại TPBank. Sau khi phát hiện ra vụ việc của bà Thương, chúng tôi đã chủ động đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra để phối hợp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.”
Theo đó, bà Thương sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Ngân hàng về hành vi vi phạm của mình, vị đại diện này nói thêm.
Liên quan tới việc đảm bảo an toàn tài sản của khách hàng gửi tiền, đại diện TPBank khẳng định các khách hàng có liên quan trong vụ việc đều được TPBank đảm bảo quyền lợi, đều đã được hoàn trả đầy đủ gốc và lãi các sổ tiết kiệm đã gửi đúng theo quy định.
Được biết, ngoài chức vụ tại TPBank, bà Nguyễn Hoài Thương còn từng làm Tổng giám đốc Viện thẩm mỹ Bonita ở quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ