Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Ngân hàng ồ ạt bán nợ ngàn tỉ nhưng việc 'đẩy hàng' ra thị trường không dễ

DTVN 11:08 28/09/2020

Dịch Covid-19 làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) khó khăn hơn cũng là yếu tố góp phần khiến các ngân hàng (NH) rao bán khoản nợ và tài sản thế chấp … nhiều hơn.

Ô ạt bán nợ ngàn tỉ

Dịch Covid-19 làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) khó khăn hơn cũng là yếu tố góp phần khiến các ngân hàng (NH) rao bán khoản nợ và tài sản thế chấp … nhiều hơn. Theo số liệu của NH Nhà nước, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên tới 2,27 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ toàn hệ thống và tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động NH.

NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bắc An Giang vừa thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Việt Can và DN tư nhân Như Ý với số dư nợ gốc và lãi tạm tính đến tháng 11-2019 trên 1.153 tỉ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này là 154 lô đất nền tại khu đô thị mới - TP lễ hội thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, giá khởi điểm được rao bán hơn 616 tỉ đồng.

BIDV Chi nhánh Phú Tài đang chọn DN thẩm định giá các tài sản bảo đảm của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy cho khoản nợ hơn 1.002 tỉ đồng gồm trung tâm tiệc cưới - khách sạn 8 tầng Crystal Palace ở đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP HCM và rừng trồng ở tỉnh Đắk Nông, 6 ôtô các loại, 2 cụm nhà xưởng và máy móc, thiết bị sản xuất gỗ (không bao gồm quyền sử dụng đất) ở tỉnh Bình Định, hơn 8,7 triệu cổ phiếu của Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang…

NH này cũng đã thông báo sẽ đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton ở huyện Nhà Bè, TP HCM của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên để giải quyết nợ gốc, lãi phát sinh tạm tính đến tháng 3-2020 hơn 4.063 tỉ đồng.

NH TMCP Sài Gòn (SCB) rao bán đấu giá dự án chung cư cao ốc và biệt thự tại đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM là tài sản thế chấp của một khách sạn với giá khởi điểm hơn 2.352 tỉ đồng.

NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) muốn rao bán tài sản thế chấp lớn là KCN Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP HCM) để xử lý, thu hồi nợ. Tuy nhiên, bất động sản này thuộc đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và NH Nhà nước phê duyệt nên việc bán đấu giá đang tạm dừng theo yêu cầu của UBND TP nhằm tiến hành rà soát các vấn đề pháp lý theo quy định.

SHB thu giữ tài sản của An Trường An để xử lý nợ xấu

Ngày 21/9, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa ra thông báo thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo đối với khách hàng là CTCP An Trường An (ATG).

Theo thông báo từ SHB, mặc dù ngân hàng đã nhiều lần hỗ trợ, tạo điều kiện để ATG thanh toán và thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại khách hàng vẫn không thực hiện đúng cam kết trả nợ, vị phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng.

Trước đó ngày 8/9/2020, SHB đã gửi thông báo yêu cầu ATG thanh toán nợ hoặc bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý, thu hồi nợ. Tuy nhiên ATG vẫn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ, ông Trường Đình Xuân (Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng giám đốc ATG) và bà Trần Thị Mai Xuân (Thành viên HĐQT ATG) cũng không thực việc bàn giao tài sản bảo đảm theo yêu cầu của SHB.

SHB thông báo sẽ tiến hành thu giữ toàn bộ tài sản bảo đảm cho khoản vay tại SHB, bao gồm các tài sản tại địa chỉ 347, 347A, 347 (sau) Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và tài sản tại địa chỉ Tổ 31A – khu vực 7, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn, Bình Định.

Trong văn bản giải trình, An Tường An cho biết chậm thanh toán là do khoản nợ vay của SHB được sử dụng để đầu tư cho dự án khu du lịch Thủy Sơn Trang, nhưng do những vướng mắc về vấn đề giải tỏa khiến dự án không thể tiếp tục. Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2019 đã thống nhất việc ngưng đầu tư và thu hồi các khoản tiền đã đầu tư. Nguồn tiền thu hồi sẽ dùng để trả nợ cho SHB. Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT đang điều trị bệnh nên việc công bố thông tin bị chậm trễ.

An Trường An cũng nhấn mạnh đang thu xếp nguồn tiền thanh toán dứt điểm nợ cho vay cho SHB để không ảnh hưởng đến hoạt động công ty tại trụ sở chính cũng như không gây ảnh hưởng xấu đến nhà đầu tư.

Về tình hình hoạt động, dịch Covid-19 khiến An Tường An chưa thu hồi được các khoản đầu tư vào các dự án có thời gian kéo dài và các khoản công nợ khó đòi nên nguồn tiền để chi trả các khoản vay đến hạn bị thiếu hụt.

Trong thời gian còn lại của năm 2020, Công ty vẫn đang đẩy mạnh việc thu hồi các khoản đầu tư và nợ khó đòi để giải quyết các khó khăn tài chính.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2020, ATG có 10,2 tỷ đồng nợ quá hạn chưa thanh toán, trong đó có 9 tỷ đồng nợ quá hạn vay từ SHB chi nhánh Hà Đông với lãi suất dao động từ 9,7% đến 13,08%/năm. Ngoài ra, ATG còn đang có nợ quá hạn 1,2 tỷ đồng với một cá nhân và tài sản đảm bảo là 1 triệu cổ phiếu của công ty.

Nửa đầu năm 2020, Công ty không phát sinh doanh thu hoạt động và lỗ ròng 1,18 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế đến cuối quý 2 lên 24 tỷ đồng.

ATG niêm yết trên HoSE từ năm 2016 và từ đó đến nay cổ phiếu này liên tục giảm, thị giá hiện chỉ còn quanh ngưỡng 600 đồng/cp, thuộc "top" thấp nhất toàn thị trường. Trước thông tin bị siết nợ, cổ phiếu ATG liên tục nằm sàn.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/ngan-hang-o-at-ban-no-ngan-ti-nhung-viec-day-hang-ra-thi-truong-khong-de-d83036.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng ồ ạt bán nợ ngàn tỉ nhưng việc 'đẩy hàng' ra thị trường không dễ tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng