Như PLVN đã thông tin, bà Nguyễn Thị Thơm (SN 1965, Tổ 7, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho người cháu mang quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại số 6, ngõ 29, tổ 7 (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) đi thế chấp để vay số tiền là 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh của bà Thơm, sau đó người cháu này đã làm giả chữ ký để vay thêm tiền tại Nam Á Bank. Hiện, cả gốc cả lãi của hợp đồng tín dụng này đã lên tới hơn 16,3 tỷ đồng.
Điều đáng nói, người vay tiền đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên việc trả nợ ngân hàng đang “đè” lên người có tài sản thế chấp là bà Thơm.
Kết quả xác thực chữ ký của bà Nguyễn Thị Thơm trong hợp đồng tín dụng tại Nam Á Bank. |
Trong khi bà Thơm khẳng định, bà chỉ đồng ý cho người cháu mượn “sổ đỏ” thế chấp để vay món tiền 2 tỷ đồng. Những lần vay sau, bà hoàn toàn không biết và không đồng ý. Do đó, hiện nay bà Thơm chỉ đồng ý trả Nam Á Bank số tiền vay lần đầu, 2 tỷ đồng; Đồng thời yêu cầu Nam Á Bank trả lại “sổ đỏ” cho gia đình bà.
Trao đổi với PLVN, bà thơm cho biết, bà đã đem “Biên bản định giá tài sản đảm bảo” (tài liệu photocopy) - văn bản mà bà Thơm khẳng định có chữ ký giả của bà đến Công ty CP Tư vấn Nguyên Thực để giám định. Kết quả tư vấn xác thực số 29384/2020/XT.NT ngày 17/9/2020 của Công ty CP Tư vấn Nguyên Thực cho thấy: mẫu chữ ký thật bà Thơm so với chữ ký ở mục “Đại diện bên thế chấp” trong văn bản nói trên là không cùng một người. Với kết quả xác thực nói trên, nghi vấn chữ ký bị làm giả của bà Thơm là có căn cứ?
Liên quan vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay, hồ sơ cho vay trong hợp đồng tín dụng này có nhiều bất thường. Vị luật sư cho rằng, nếu người có tài sản thế chấp là bà Nguyễn Thị Thơm khẳng định chữ ký của mình bị làm giả thì Nam Á Bank cần phối hợp, cung cấp tài liệu gốc để đem đi chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cũng theo luật sư, trong trường hợp hợp đồng tín dụng có chữ ký giả thì phía ngân hàng phải xem xét lại khâu thẩm định hồ sơ cho vay. Theo đó, để một hợp đồng tín dụng có hiệu lực thì một trong các bước thực hiện thủ tục cho vay là phải có mặt người có tài sản thế chấp để ký ở phần “Đại diện bên thế chấp”.
“Tại sao không có mặt bà Thơm mà ở các lần cho vay sau vẫn được ngân hàng chấp thuận? Trách nhiệm của phía ngân hàng ở đâu?”, luật sư Tiền đặt vấn đề và cho rằng, có dấu hiệu nhân viên ngân hàng tiếp tay để thực hiện hợp đồng tín dụng không đúng trình tự thủ tục.
Việc này dẫn đến hậu quả, người vay tiền (cháu bà Thơm) sau khi vay được nhiều tiền đã “cao chạy xa bay”, bỏ khỏi nơi cư trú, còn người có tài sản thế chấp rơi vào cảnh phải gánh nợ hộ. “Rõ ràng sự việc này có trách nhiệm từ phía ngân hàng”, luật sư này nhận định.
Trong một diễn biến khác, sau khi PLVN đăng bài “Bất thường một hợp đồng tín dụng tại Nam Á Bank” ngày 12/9/2020, đại diện Nam Á Bank đã có những phản hồi đầu tiên. Cụ thể, ông Hải Đăng, Phó Văn phòng Tổng Giám đốc Nam Á Bank cho biết, đã nắm được thông tin PLVN phản ánh. “Đây là vụ việc phức tạp”, ông Đăng nói và cho biết sẽ nghiên cứu lại hồ sơ, sẽ có phản hồi tới PLVN.
Như đã nêu trên, phía gia đình bà Thơm rất mong muốn được đối thoại với Nam Á Bank; Đồng thời sẵn sàng trả số tiền gốc 2 tỷ đồng để lấy lại “sổ đỏ” đang ở ngân hàng nhưng tới nay, hai bên vẫn chưa “chốt” được vấn đề này. “Lúc đầu vì thương cháu mà đưa “sổ đỏ” cho cháu cầm cố làm ăn. Nào ngờ lòng tốt lại bị lợi dụng, đẩy tôi vào cảnh nợ nần... Mong muốn của tôi là được thỏa thuận với Nam Á Bank bằng tình và lí để sự việc sớm được giải quyết dứt điểm” - bà Thơm nói.