Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Nguy cơ thất thoát hàng tỷ đồng tại Agribank Trung Yên?

DTVN 16:16 22/09/2020

CT Linh Anh kiến nghị CQCN xem xét có hay không hành vi phạm QĐ về hoạt động Nh và hoạt động khác liên quan đến việc thẩm định, nhận thế chấp căn hộ Dự án 317 Trường Chinh và giải ngân tại Agribank

Agribank Trung Yên có khiến Nhà nước bị thất thoát nhiều tỷ đồng hay không?

Dự án Khu siêu thị, văn phòng giao dịch thương mại và nhà ở - gọi tắt là Dự án 317 Trường Chinh (tại địa chỉ 317 Trường Chinh, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) được phê duyệt từ năm 2004, tuy nhiên đến nay những vướng mắc xung quanh dự án đình đám này vẫn chưa thể giải quyết.

Có thể nói, vụ án trên là hệ quả của việc tranh chấp đồng chủ đầu tư giữa Công ty ICC và đối tác hợp tác đầu tư Công ty Tân Hồng Hà. Vụ việc tranh chấp này sau đó đã đưa ra tòa xét xử, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Theo phản ánh của bà Hoàng Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác và Đầu tư Bất động sản Linh Anh – gọi tắt Công ty Linh Anh (trụ sở 166 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho biết, theo Quyết định số 9603/QĐ-UB ngày 29/12/2004 của UBND TP. Hà Nội thì Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Dự án Quốc tế - gọi tắt là Công ty ICC là chủ đầu tư Dự án 317 Trường Chinh. Theo các hợp đồng ký kết, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư xây dựng Tân Hồng Hà - gọi tắt Công ty Tân Hồng Hà là tổng thầu xây lắp dự án, Công ty Linh Anh là đơn vị đã đầu tư xây dựng và mua toàn bộ các căn hộ tại Dự án 317 Trường Chinh.

Tính đến thời điểm tháng 4/2017, Công ty Linh Anh đã thanh toán gần 80 tỷ để mua toàn bộ căn hộ tại Dự án 317 Trường Chinh, theo Hợp đồng hợp tác số 02/2015-HTĐT (ký với Công ty Tân Hồng Hà) cùng các phụ lục, văn bản khác.

Ngày 17/8/2016, chủ đầu tư là Công ty ICC đã thế chấp toàn bộ Dự án 317 Trường Chinh (trong đó có quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai) theo Hợp đồng thế chấp quyền tài sản số 001/16/HĐTC-DA/104-30-ICC để vay vốn từ Ngân hàng TMCP Quốc dân (Ngân hàng NCB) với số tiền 120 tỷ đồng. Việc giải ngân này được Ngân hàng NCB chuyển trực tiếp vào tài khoản của Công ty Tân Hồng Hà, với mục đích để Công ty Tân Hồng Hà thi công xây dựng Dự án 317 Trường Chinh như thoả thuận trong hợp đồng tín dụng. Hiện nay, Công ty ICC không trả nợ và tổng dư nợ đã vượt 120 tỷ đồng. Ngày 25/12/2019, Ngân hàng NCB đã ra quyết định thu giữ tài sản thế chấp để xử lý và thu hồi nợ. Việc này đã được thông báo cho Công ty ICC, Công ty Tân Hồng Hà và Công ty Linh Anh.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thanh Bình, từ năm 2017 đến nay, tại nhiều thời điểm khác nhau, bà Lại Kim Trang đã đại diện Công ty Tân Hồng Hà (với vai trò tổng thầu xây dựng Dự án 317 Trường Chinh) đã ký bán hàng chục căn hộ cho nhiều người khác nhau và chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng?

Đáng chú ý, một số căn hộ lại tiếp tục được đem đi thế chấp ngân hàng để vay vốn. Cụ thể, vào ngày 30/12/2019 và 07/1/2020, bà Trang đã thực hiện giao dịch tại Văn phòng công chứng Độc lập và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Trung Yên (gọi tắt là Agribank Trung Yên) nhằm thế chấp quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng mua bán căn hộ - gọi tắt HĐMB đối với 20 căn hộ tại Dự án 317 Trường Chinh, để vay vốn của Agribank Trung Yên.

Theo đó, bà Lại Kim Trang đã đại diện Công ty Tân Hồng Hà ký HĐMB căn hộ với người mua chính là bà Lại Kim Trang. Sau đó, bà Lại Kim Trang tiếp tục sử dụng các HĐMB của 20 căn hộ trên (đứng tên Bên mua là Lại Kim Trang) để thế chấp Agribank Trung Yên để vay vốn. Bà Bình cho rằng, đây là giao dịch bất hợp pháp vì Công ty Tân Hồng Hà không phải chủ đầu tư và đơn vị này đã nhận tiền của Công ty Linh Anh, cũng như đã thế chấp toàn bộ dự án ở Ngân hàng NCB.

“Với việc thực hiện 2 giao dịch trên, bà Trang đã sử dụng HĐMB căn hộ để đi thế chấp vay vốn. Hậu quả là Agribank Trung Yên bị chiếm đoạt vốn hàng chục tỷ đồng và nhận thế chấp với 20 HĐMB căn hộ “ma”, không có giá trị pháp lý, không phải là tài sản và đương nhiên khả năng thu hồi vốn đã giải ngân gần như là điều không thể”, đại diện Công ty Linh Anh cho biết.

Được biết, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là Ngân hàng mà Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ. Như vậy, liệu rằng việc nhận thế chấp và giải ngân cho Lại Kim Trang của Agribank Trung Yên có khiến Nhà nước bị thất thoát nhiều tỷ đồng hay không?

Có sự gian dối hay thỏa hiệp với sự gian dối hay không?

Liên quan đến những phản ánh trên, Luật sư Ngô Anh Tuấn người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Linh Anh phân tích: Bà Lại Kim Trang là đại diện theo pháp luật của Công ty Tân Hồng Hà (từ tháng 10/2017) biết rất rõ chủ đầu tư Dự án 317 Trường Chinh là Công ty ICC chứ không phải Công ty Tân Hồng Hà và toàn bộ sàn căn hộ đã bán cho Công ty Linh Anh từ năm 2017. Đồng thời, bà Trang biết rõ toàn bộ Dự án 317 Trường Chinh đã bị chủ đầu tư thế chấp vay vốn Ngân hàng NCB và NCB đã ra thông báo thu giữ tài sản để xử lý nợ vào ngày 25/12/2019.

Vậy nhưng, bà Trang đã vẫn cố tình sử dụng thủ đoạn gian dối, che giấu các thông tin này và sử dụng 20 HĐMB căn hộ không có giá trị pháp lý, để lừa dối Agribank Trung Yên nhằm thế chấp 20 HĐMB căn hộ nói trên và chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Luật sư Ngô Anh Tuấn bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi nhận thấy rằng, hành vi của bà Lại Kim Trang là có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Nguy hiểm hơn, đối tượng bị lừa đảo ở đây lại là một ngân hàng quốc doanh, nghĩa là nguy cơ bị mất một khoản tiền lớn của Nhà nước là hiển hiện trước mắt, nếu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không sớm có động thái điều tra, xác minh làm rõ và kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản dẫn đến mất khả năng thu hồi để khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, chúng tôi còn nhận thấy có nhiều dấu hiệu sai phạm của phía Agribank Trung Yên và Văn phòng công chứng Độc lập trong vụ việc: cán bộ ngân hàng tham gia thẩm định tài sản, cán bộ tín dụng giải quyết hồ sơ tín dụng, người ký duyệt hồ sơ vay, công chứng viên công chứng hợp đồng thế chấp”.

Theo viện dẫn của Luật sư Ngô Anh Tuấn, thứ nhất, 20 HĐMB căn hộ mà bà Trang thế chấp cho Agribank Trung Yên không phải là tài sản, vì các HĐMB căn hộ này không có giá trị pháp lý, bởi Bên bán trong HĐMB căn hộ là Công ty Tân Hồng Hà không phải là chủ đầu tư Dự án 317 Trường Chinh. Một trong những điều kiện để thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được quy định tại Điều 7 Thông tư 25/2015/TT-NHNN đối với tổ chức, cá nhân thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai mua của chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở là: “Có HĐMB nhà ở ký kết với chủ đầu tư”. Vậy tại sao, bà Lại Kim Trang không có HĐMB ký kết với chủ đầu tư Dự án 317 Trường Chinh là Công ty ICC mà Agribank Trung Yên lại vẫn nhận thế chấp, có sự gian dối hay thỏa hiệp với sự gian dối nào ở đây hay không?

Thứ hai, toàn bộ Dự án 317 Trường Chinh (trong đó có quyền tài sản hình thành trong tương lai) đã được Chủ đầu tư ICC thế chấp cho Ngân hàng NCB vào ngày 17/8/2016 để vay 120 tỷ đồng, một khi Ngân hàng NCB chưa giải chấp thì Agribank Trung Yên không thể nhận thế chấp bất cứ tài sản nào tại dự án. Nếu Agribank Trung Yên nhận thế chấp thì đó là hành vi trái pháp luật. Tại điểm b, Khoản 2 Điều 5 Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định rõ nghĩa vụ của bên nhận thế chấp là phải “kiểm tra, xác minh dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện thế chấp theo quy định tại Điều 7 Thông tư này”, tại điểm b, Khoản 2 Điều 5 Thông tư 26/2015/TT-NHNN cũng quy định “Sau khi ký kết hợp đồng thế chấp, bên nhận thế chấp phải gửi văn bản cho chủ đầu tư để thông báo về việc bên mua nhà ở hình thành trong tương lai đã thế chấp nhà ở”.

Như vậy, không thể có chuyện Agribank Trung Yên kiểm tra, xác minh Dự án 317 Trường Chinh mà lại không biết chủ đầu tư Dự án 317 Trường Chinh là ai. Hơn nữa, Agribank Trung Yên sau khi nhận thế chấp cũng không có văn bản gửi cho chủ đầu tư Công ty ICC theo quy định như đã nêu.

Thứ ba, ngày 25/12/2019, Ngân hàng NCB đã ra thông báo thu giữ tài sản để xử lý thu hồi nợ và niêm yết tại dự án và UBND phường Khương Trung, đồng thời niêm phong khối nhà 7 tầng từ thời điểm 25/12/2019. Như vậy, khi nhận thế chấp của khách hàng Lại Kim Trang, Agribank Trung Yên có tiến hành kiểm tra, thẩm định dự án theo quy định không, nếu có thì tại sao không phát hiện ra vấn đề trên?

“Rõ ràng đã có sai phạm của Agribank Trung Yên trong việc nhận thế chấp đối với 20 HĐMB căn hộ của khách hàng Lại Kim Trang dẫn đến việc thất thoát hàng tỷ đồng tài sản ngân hàng mà thực chất là tài sản Nhà nước. Còn đối với Văn phòng công chứng Độc lập, khi công chứng Hợp đồng thế chấp tài sản giữa bà Lại Kim Trang và Agribank Trung Yên, một trong những nghiệp vụ cơ bản của công chứng viên là kiểm tra tình trạng pháp lý tài sản trên hệ thống dữ liệu UCHI. Thế nhưng, việc công chứng viên không phát hiện ra toàn bộ Dự án 317 Trường Chinh đã được chủ đầu tư Công ty ICC thế chấp cho Ngân hàng NCB vào năm 2016 là điều không thể chấp nhận được. Do đó, chúng tôi có cơ sở để cho rằng Văn phòng công chứng Độc lập đã tiếp tay trong việc thế chấp tài sản sai trái nói trên của Lại Kim Trang”, Luật sư Ngô Anh Tuấn khẳng định.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nguy-co-that-thoat-hang-ty-dong-tai-agribank-trung-yen-d82817.html

Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ thất thoát hàng tỷ đồng tại Agribank Trung Yên? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng