Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Ôm trái phiếu doanh nghiệp, VPBank, TPBank, HDBank...phớt lờ chỉ đạo?

Sở hữu trí tuệ 12:55 04/09/2020

NHNN nhấn mạnh việc yêu cầu các NHTM không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Hiện tại ở Việt Nam chưa có một công ty nào xếp hạng tín nhiệm trái phiếu. Việc xếp hạng tín nhiệm chưa có nên không có đánh giá độc lập, là rủi ro cho nền kinh tế. Trong thời điểm chúng ta đang bị tác động bởi dịch bệnh như hiện nay, sức khỏe tài chính của các nhà phát hành, tức là các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng. Nếu chúng ta không cẩn thận, sẽ tin tưởng vào thông tin quá lạc quan của các nhà phát hành. Đặc biệt, họ tăng lãi suất lên để hấp dẫn các nhà đầu tư. Tại thời điểm này, việc siết lại thị trường trái phiếu trong năm nay và năm tới là cần thiết và hợp lý”.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2019 có đến 16 doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 10 đợt trở lên, trong đó có những doanh nghiệp chia nhỏ quy mô và phát hành trên 50 đợt, nhằm tăng huy động từ nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Nghị định 81/2020 được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời loại bỏ doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “chộp giật”, thiếu chuyên nghiệp, làm méo mó thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin và nhận diện được rủi ro khi tham gia vào thị trường này.

Nghị định số 81/2020 quy định về có hiệu lực từ ngày 1/9 bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, tương ứng mỗi doanh nghiệp chỉ có thể phát hành 1 - 2 đợt mỗi năm. Dù doanh nghiệp có thể tách nhiều lần phát hành trong mỗi đợt, nhưng quy định mới cũng yêu cầu mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin.

Những quy định mới sẽ chấm dứt thực trạng tồn tại lâu nay của thị trường trái phiếu doanh nghiệp được ví như thị trường mở với “3 không”: không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Cũng chính vì vậy, doanh nghiệp tận dụng công cụ này để huy động vốn. Nhiều doanh nghiệp còn đưa ra mức lãi suất cao gấp đôi lãi suất ngân hàng để hấp dẫn những nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân thường không nắm các quy định, không hiểu “nội tình, sức khỏe” của doanh nghiệp, mà chỉ thấy lãi cao là đầu tư, mặc cho Bộ Tài chính đã nhiều lần có văn bản cảnh báo rủi ro.

Hiện nay trên thực tế, nhiều ngân hàng đang đi ngược và phớt lờ với chủ trương chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề này.

Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2020, số chứng khoán nợ (chủ yếu là trái phiếu và một số loại hình khác) mà VPBank nắm giữ tăng mạnh lên mức 29.046,4 tỷ đồng, bằng 2 lần so với cuối năm 2019 và xấp xỉ 3 lần so với năm 2015.

Công ty Chứng khoán (SSI) ghi nhận việc “phá bỏ khuôn mẫu” của VPBank (Mã CK: VPB) và TPBank (Mã CK: TPB), khi cả hai nhà băng này đều đẩy mạnh mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Đối với TPBank, ngân hàng tỏ rõ việc sẽ đẩy mạnh rót vốn vào loại hình TPDN trong năm 2020, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất cho vay có chiều hướng giảm do các chính sách điều hành tiền tệ từ dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận từ hoạt động cho vay thông thường.

Do đó, việc đẩy mạnh đầu tư TPDN sẽ được kỳ vọng sẽ cho phép TPBank bù đắp phần nào sự hao hụt từ hoạt động cho vay, bởi loại hình đầu tư TPDN có lợi suất khá cao và tương đối ổn định.

Các nhà băng tỏ ra hào hứng với TPDN còn bởi nhiều lý do khác. Như tại Techcombank, ban lãnh đạo ngân hàng này từng cho biết TPDN có phần linh hoạt hơn, giúp nhà băng đáp ứng nhu cầu vốn của nhiều doanh nghiệp lớn, cũng như đối tác.

VPBank tham gia vào nhiều thương vụ phát hành TPDN lớn trong năm 2019 và đầu năm 2020, có thể kể tới như: Kita Invest (2.100 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh BĐS Khu Đông (1.100 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Kinh doanh BĐS Hà An (1.600 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong (500 tỷ đồng), CTCP City Garden (1.598 tỷ đồng).

Trong các bản công bố thông tin, VPBank chủ yếu được biết tới với vai trò là đại lý quản lý tài sản bảo đảm.

Nếu như Kita Invest và Hà An đều là những thành viên của các tập đoàn bất động sản được nhiều người biết đến như Kita Group và Đất Xanh, thì BĐS Khu Đông lại được cho là thành viên kín tiếng trong “hệ sinh thái” của MIKGroup - tập đoàn bất động sản nổi lên từ năm 2014, có nhiều quan hệ tín dụng với VPBank.

Thời gian gần đây, một số thành viên khác của MIKGroup cũng đẩy mạnh huy động vốn từ trái phiếu, có thể kể tới như: CTCP HBI (phát hành 1.812 tỷ đồng trái phiếu ngày 29/11/2019; 228,735 tỷ đồng trái phiếu ngày 29/4/2020), Công ty TNHH Hải Dương Giang Biên (huy động 3.600 tỷ đồng trái phiếu qua 3 đợt phát hành trong 2 ngày 27 và 28/12/2019), Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ du lịch biển đông (phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu ngày 28/9/2018). Đa số các doanh nghiệp này đều có mối quan hệ tín dụng khá bền chặt với VPBank từ trước đó.

Điểm lại các thương vụ trái phiếu kể trên, không khó để nhận thấy các nhà đầu tư tổ chức mua vào toàn bộ cả lô phải là những định chế tài chính rất sẵn tiền, kiểu như nhà băng.

Thông thường, các doanh nghiệp sẽ không phát hành trái phiếu một khi còn khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, và khi loạt khách hàng thân quen cần đến nhu cầu vốn từ trái phiếu, các động thái rót vốn vào TPDN (như tại VPBank) làm dấy lên không ít nghi ngại về việc rót vốn cho nhóm doanh nghiệp thân gần, thậm chí có thể là cả “sân sau”.

Techcombank cũng chính là ngân hàng sở hữu giá trị chứng khoán nợ của tổ chức kinh tế phát hành lớn nhất với gần 60.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019.

Xếp thứ 2 trên thị trường là SHB với 24.000 tỷ đồng chứng khoán nợ đầu tư, phát hành bởi các tổ chức kinh tế. Tiếp đến là BIDV với 22.600 tỷ đồng chứng khoán nợ từ các tổ chức kinh tế và Vietinbank đứng thứ 4 với gần 18.900 tỷ đồng.. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2019, các ngân hàng mạnh tay đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp như VPBank với 8.746 tỷ đồng, Vietcombank hơn 7.061 tỷ đồng, TPBank hơn 6.360 tỷ đồng, HDBank 5.700 tỷ đồng...

Thực tế, các trái phiếu bất động sản trong quý II có kỳ hạn bình quân là 3,26 năm và lãi suất phát hành bình quân là 10,42%/năm - giảm so với mức 3,85 năm và 10,77%/năm của quý I.

Như vậy, lãi suất bình quân của TPDN bất động sản vẫn còn thấp hơn so với nhiều nhóm DN khác như nhóm phát triển hạ tầng (11%/năm), nhóm năng lượng và khoáng sản (10,5%/năm)…

Có thể ngân hàng thương mại đầu tư mua TPDN bất động sản không hẳn vì ham lãi suất cao mà đằng sau đó còn có thể là câu chuyện cơ cấu lại nợ, “lách” cho vay.

Nhiều khoản vay đang có nguy cơ biến thành nợ xấu, do đó không loại trừ khả năng các DN phát hành trái phiếu và ngân hàng mua. DN bất động sản dùng tiền bán trái phiếu đó để trả nợ cho ngân hàng và đây là một hình thức đảo nợ.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước “siết” cho vay bất động sản và khống chế tỷ lệ cho vay đã khiến các ngân hàng khó khăn trong việc tiếp tục cho vay đối với lĩnh vực này. Vì vậy, không tránh khỏi những trường hợp ngân hàng “lách” cho DN vay bằng cách mua trái phiếu. Như vậy, nguồn vốn đó cũng từ phía ngân hàng ra và chảy vào lĩnh vực bất động sản, thay vì cho vay trực tiếp đang bị siết chặt.

Các nghiệp vụ tài chính lòng vòng này đã khiến giải pháp kiểm soát dòng vốn chảy vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản của Ngân hàng Nhà nước bị mất tác dụng. Đó cũng là lý do mà cơ quan này đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là tổ chức tín dụng) mua, bán TPDN.

Theo đó, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được mua TPDN; ngân hàng cũng không được mua trái phiếu của DN có phát sinh nợ xấu tại tổ chức tín dụng mua và tại tổ chức tín dụng khác trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm quyết định phê duyệt mua.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng không được mua TPDN phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại DN khác.

Trong văn bản gửi các ngân hàng, Cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước đã phải nhắc nhở các nhà băng cần chú ý tới hoạt động đầu tư trái phiếu bất động sản khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Cơ quan quản lý cũng lưu ý một số ngân hàng đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát; một số tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành.

NHNN nhấn mạnh việc yêu cầu các NHTM không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành. Các ngân hàng cũng phải tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu, hạn chế nợ xấu phát sinh,…

Bảo Anh (TH)/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/om-trai-phieu-doanh-nghiep-vpbank-tpbank-hdbankphot-lo-chi-dao-d81831.html

Bạn đang đọc bài viết Ôm trái phiếu doanh nghiệp, VPBank, TPBank, HDBank...phớt lờ chỉ đạo? tại chuyên mục Tư vấn chiến lược. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tư vấn chiến lược