Theo PhoneArena, công nghệ mà K. Mizra tuyên bố Samsung vi phạm bằng sáng chế liên quan đến một thuật toán được sử dụng trên các thiết bị như smartphone Galaxy của Samsung nhằm dự đoán thời lượng pin còn lại trên thiết bị.
Một tính năng trên điện thoại Galaxy mà K. Mizra LLC tin rằng vi phạm bằng sáng chế của họ
Trên trang web của K. Mizra, công ty tiết lộ vụ kiện Samsung được nộp lên tòa án khu vực Dusseldorf ở Đức vào ngày 20.5. Họ nói rằng dự đoán thời lượng pin còn lại của K. Mizra được triển khai trong các thiết bị chạy Android của Samsung, vi phạm bằng sáng chế EP 2 174 201 B1 đã nộp tại Đức. Công ty tiếp tục nói phát minh này đưa ra dự đoán nhanh chóng về thời lượng còn lại của pin được sử dụng để cung cấp năng lượng cho smartphone.
Thuật toán được cấp bằng sáng chế phân tích hành vi của người dùng. Phía nguyên đơn nói rằng với phát minh được cấp bằng sáng chế, điện thoại có thể hiển thị ước tính chính xác hơn về thời lượng pin vẫn còn trên thiết bị. K. Mizra tin rằng một tính năng được cài đặt sẵn được tìm thấy trên thiết bị cầm tay Galaxy có thể tính toán thời lượng pin còn lại đã sử dụng phát minh được cấp bằng sáng chế của hãng.
Đa số các mẫu smartphone Android hiện nay đều có khả năng dự đoán thời lượng pin còn lại dưới một số hình thức. Vì vậy, việc K. Mizra đâm đơn kiện Samsung có thể gây ra một làn sóng rắc rối mới cho các nhà sản xuất khác, bao gồm cả Google.
Ngoài Samsung, K. Mizra cũng đang tiến hành kiện T-Mobile, Verizon và Niantic, trong đó vụ kiện nhắm vào Niantic liên quan đến bằng sáng chế cho phép nhiều người dùng chơi trên trò chơi di động, ví dụ nó cho phép người chơi Pokemon Go tương tác với nhau trong cùng một phiên nhiều người chơi.
Quay trở lại với vụ kiện pháp lý mà K. Mizra nhắm vào Samsung, có thể nhiều nhà sản xuất Android khác trong tương lai cũng trở thành mục tiêu mà công ty này khởi kiện với cùng cáo buộc.
Không chỉ vậy, Samsung cũng đang gặp một số rắc rối với Bộ Tư pháp Brazil về việc không cung cấp bộ sạc đi kèm cho smartphone.
Apple là công ty dẫn đầu trào lưu bỏ bộ sạc đi kèm với lý do bảo vệ môi trường, từ đó, nhiều hãng sản xuất đã làm theo. Tuy nhiên, người tiêu dùng tại Brazil lại nhìn nhận vấn đề này theo cách khác.
Procon, một trong những cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Brazil đã làm việc với các công ty như Samsung, Apple về vấn đề này. Apple được cho là đã đóng 2,11 triệu USD tiền phạt cho nhóm Procon ở Sao Paolo.
Trong khi đó, Samsung đã thực hiện một số điều chỉnh để xoa dịu các cơ quan quản lý địa phương. Cụ thể, phiên bản Galaxy A53 quốc tế sẽ không đi kèm bộ sạc nhưng phiên bản tại Brazil sẽ có.