Anh L.N.H thì cho biết, mới đây di chuyển trên cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình đã gặp tình trạng “lỗi hệ thống”. Theo đó, khi xe di chuyển xuống nút giao Liêm Tuyền (Hà Nam), mặc dù tiền trong tài khỏe VETC vẫn còn những barie không mở để xe qua trạm. Sau đó, nhân viên tại đây đã giải thích cho anh H rằng, đang bị lỗi hệ thống thu phí, đề nghị khách hàng thanh toán tiền mặt. Không đồng tình với lý do này, anh H đã điện lên tổng đài của VETC phản ánh. “Tôi đã gọi cho tổng đài phản ánh nhưng rất tiếc là họ mãi không giải quyết. Chất lượng phục vụ thế này không ổn tí nào”, anh H bức xúc.
Bên cạnh đó, một số lái xe cũng phản ánh tình trạng “tiền vẫn trừ mà chẳng thể qua”. Cụ thể, khi xe tới trạm thu phí, barie không mở nhưng tài khoản VETC vẫn tự động trừ tiền. Cá biệt có trường hợp, tài xe được yêu cầu lùi lại vì không đồng ý trả tiền mặt thì bị trừ tiếp lần 2. Về trường hợp này, cánh lái xe luôn truyền miệng nhau câu nói “Ăn rồi bảo chưa ăn”, nghe hài hước mà chua cay.
Đại diện truyền thông của VETC cho biết, có nhận được những phản ánh của khách hàng về trục trặc xảy ra khi sử dụng dịch vụ. VETC lý giải, xe không qua được trạm mặc dù tài khoản còn đủ tiền chủ yếu tập trung ở 1 số nguyên nhân như: Do thẻ của khách hàng bị lỗi, hoặc xe của khách hàng có các yếu tố bên ngoài tác động vào chất lượng thẻ (dán phim cách nhiệt đè lên thẻ, để các vật kim loại chắn thẻ …) hoặc do hệ thống thiết bị đọc thẻ tại Trạm lỗi.
Theo quy trình dán thẻ của VETC thì toàn bộ các xe sau khi dán thẻ sẽ được kiểm tra lại tính khả dụng của thẻ bằng đầu đọc cầm tay, đảm bảo rằng các thẻ sau khi được dán đảm bảo lưu thông được ETC khi tài khoản đủ tiền để sử dụng.
Tuy nhiên, truyền thông VETC cho rằng, đến nay, số lượng thẻ phát triển của VETC khoảng 1,1 triệu thẻ, nhưng số lượng khách hàng phản ảnh về chất lượng thẻ rất ít. Khi khách hàng phản ánh về chất lượng thẻ, VETC có những hướng dẫn cụ thể để khách hàng qua các điểm dịch vụ của VETC để kiểm tra tính khả dụng của thẻ, nếu phát hiện thẻ thực sự bị lỗi thì sẽ dán lại thẻ cho khách hàng.
Cùng với đó, khi khách hàng dán thẻ VETC luôn có những lưu ý trong quá trình sử dụng để tránh những yếu tố ngoại cảnh tác động kết hợp làm thẻ không đọc được khi lưu thông qua trạm.
VETC cũng cho hay, trong gần 1,1 triệu phương tiện xe cơ giới đăng ký dịch vụ VETC, có khoảng 50% số lượng xe đã sử dụng dịch vụ VETC. Với độ ổn định hệ thống VETC luôn duy trì là 99.9% đã đảm bảo cho khách hàng lưu thông qua làn thu phí tự động nhanh chóng, chính xác và an toàn.
Theo doanh nghiệp này, trong thời gian đầu triển khai dịch vụ, VETC gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do người dân vẫn còn lạ lẫm với công nghệ thu phí tự động không dừng và chưa hiểu rõ về những tiện ích mà dịch vụ mang lại. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn rất cao nên sự thay đổi hình thức thanh toán qua tài khoản giao thông chưa thực sự được nhiều người chấp nhận.
Nhưng kể từ khi có Quyết định 19 của
Thủ tướng Chính phủ cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải về việc các trạm thu không triển khai thu phí tự động sẽ phải dừng thu phí thì số lượng người dán thẻ và sử dụng dịch vụ của VETC đã gia tăng đáng kể.
Doanh nghiệp này kiến nghị các Bộ/Ban/Ngành cùng chung tay tuyên truyền và triển khai các biện pháp như: xử phạt các xe không dán thẻ Etag nhưng vẫn đi vào làn thu phí tự động để nâng cao ý thức của người dân; Miễn phí dịch vụ chuyển tiền đối với các giao dịch nạp tiền vào Tài khoản giao thông qua ngân hàng để khuyến khích Khách hàng sử dụng dịch vụ thu phí tự động thay vì trả tiền mặt để đi qua làn thu phí thủ công như hiện nay.
Bản đồ dịch vụ “mất” Hoàng Sa, Trường Sa?
Bên cạnh những phản ánh về chất lượng dịch vụ, nhiều khách hàng của VETC cũng hoài nghi về tính chính xác của Bản đồ Việt Nam trên phần mềm của doanh nghiệp này. Theo đó, Bản đồ Việt Nam được hiển thị trong phần mềm của VETC không hề có tên 2 quần đảo chủ quyền của Việt Nam là
Hoàng Sa và
Trường Sa. Trong khi đó, đảo Hải Nam (Trung Quốc) lại xuất hiện và được ghi tên bằng Tiếng Việt.
|
Chủ quyền biển đảo Việt Nam trên phần mềm của VETC hoàn toàn phụ thuộc dữ liệu của Google Maps? |
Về vấn đề này, truyền thông VETC cho biết, dữ liệu bản đồ trên ứng dụng được sử dụng trực tiếp từ Google Maps, thực tế đã có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên trên Google Maps các quần đảo này vẫn hiển thị theo tên Tiếng Anh (Paracel Islands và Spratly Islands) nên một số người dùng nhầm lẫn là không có các quần đảo này?
VETC cũng cho rằng, đây là hiện tượng chung mà bất kỳ ứng dụng nào có sử dụng dữ liệu Google Maps (ví dụ các ứng dụng đặt xe, dẫn đường,… như Grab) đều gặp phải. Hiện nay rất nhiều công dân Việt Nam đã gửi tới Google yêu cầu việt hóa tên 2 quần đảo này thành Hoàng Sa, Trường Sa. Khi dữ liệu từ Google Maps được cập nhật, thông tin trên ứng dụng VETC nói riêng và các ứng dụng khác đang sử dụng Google Maps sẽ được tự động cập nhật theo.
Như vậy, có thể thấy, việc hiển thị chủ quyền biển đảo Việt Nam của một ứng dụng thuần Việt, của một doanh nghiệp Việt lại hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu từ một công ty nước ngoài. Theo như giải thích của VETC thì rất thuyết phục nhưng xem xét kỹ thì lại vô lý bất ngờ. Tại sao một doanh nghiệp phát triển về dịch vụ, công nghệ lại không thể xây dựng cho mình một phần mềm thuần Việt, với một Bản đồ Việt Nam đầy đủ, toàn vẹn lãnh thổ?
Nhìn lại, không ít lần dữ liệu từ phần mềm Google Maps cố tình hiển thị Hoàng Sa, Trường Sa dưới cái tên “Tam Sa” do Trung Quốc tự đặt. Đây là hành vi sai trái, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam khiến cộng đồng phản ứng dữ dội. Dù sau đó, Google đã phải lên tiếng, chỉnh sửa.
Nhưng qua đây, có thể thấy rõ một điều,
chủ quyền biển đảo hàng nghìn năm, do nhiều thế hệ ông cha đổ xương, máu để bảo vệ, gìn giữ, có thể “biến mất” sau vài thao tác trên phần mềm. VETC có thấu hiểu và biết việc này!?
(Còn nữa…)