Quảng cáo rầm rộ có nhiều “siêu dự án” bất động sản, vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, Trường Tiền Group đã dùng các dự án “bánh vẽ” này để đánh bóng tên tuổi. Song song với đó là hoạt động huy động vốn với mức lãi suất từ 6-7%/tháng, đáo hạn siêu tốc… dấy lên nghi ngại về mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng.
“Bánh vẽ” dự án nghìn tỉ
Thời gian qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Tiền (Trường Tiền Group) liên tục gây chú ý khi lấn sân tham gia đầu tư bất động sản với hàng loạt dự án được hé lộ như: Khu nghỉ dưỡng spa cây Bồ Đề - Đồng Mô, dự án chung cư Sky Garden Định Công (Hà Nội), dự án Khu du lịch sinh thái Khuôn Thần Eco Lake Lục Ngạn (Bắc Giang)… Ngoài ra, công ty cũng “úp mở” về dự án liên kết với Công ty Minh Lộc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải thành điện sạch tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị).
Nhưng Trường Tiền Group ngay lập tức bị dính lùm xùm pháp lý, khiến dư luận hoài nghi công ty này “vẽ” dự án bất động sản để đánh bóng tên tuổi, nhằm phục vụ cho mục đích huy động vốn trái phép.
Trường Tiền Group “sáng tạo” ra cách thức huy động vốn mới với lãi suất cao 6-7%/tháng mang dáng dấp kinh doanh đa cấp trái phép. |
Có thể kể đến là dự án Khu du lịch sinh thái Khuôn Thần ECO LAKE Lục Ngạn (Bắc Giang). Vào cuối tháng 12/2017, Trường Tiền Group đã công bố thông tin về việc sẽ khởi động dự án Khuôn Thần Eco Lake có diện tích hơn 394 ha, vị trí nằm ở quanh Hồ Khuôn Thần, nằm cách thị trấn Chũ 10 Km về phía Bắc thuộc xã Kiên Lao. Tổng mức đầu tư của dự án được quảng cáo lên tới 4.500 tỉ đồng.
Trên thực tế, UBND huyện Lục Ngạn khẳng định: "Không có bất kỳ nhà đầu tư nào tên là Tập đoàn Trường Tiền vào đầu tư ở đây”.
Theo Văn bản số 21/SKHĐT-KTĐN của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang ngày 4/1/2018 gửi Bộ Xây dựng cho biết, quá trình rà soát các dự án đã cho phép nhà đầu tư khảo sát, lập quy hoạch xây dựng, thực hiện dự án tại khu vực hồ Khuôn Thần. Nhưng UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định chưa chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cho phép nhà đầu tư nào thực hiện dự án đầu tư tại hồ Khuôn Thần.
Không chỉ “nổ” về dự án nghìn tỉ ở Bắc Giang, Trường Tiền Group tiếp tục gây nghi ngờ về tính xác thực góp vốn đầu tư vào hai dự án như Khu nghỉ dưỡng spa cây Bồ Đề và chung cư Sky Garden Định Công.
Trả lời báo chí, ông Lê Khánh Trình - Chủ tịch Trường Tiền Group cho biết, tập đoàn đã ký hợp đồng hợp tác, thu xếp vốn để đầu tư và tiếp tục triển khai hai dự án. Trong đó, ngày 15/5/2018, Trường Tiền Group đã ký họp đồng góp 65% vốn của dự án Khu nghỉ dưỡng spa cây Bồ Đề. Dự án này có địa chỉ xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội với diện tích 103.470,5m2 do Công ty cổ phần đầu tư thương mại Đồng Mô làm chủ đầu tư. Tổng số vốn đầu tư của dự án là 440,747 tỉ đồng.
Tại dự án Sky Garden Định Công do Công ty TNHH Định Công là chủ đầu tư (địa chỉ số 12 ngõ 115 phố Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội), Trường Tiền Group cho biết đã góp 40% vốn vào dự án. Theo giới thiệu, dự án này được xây dựng trên diện tích 7.000 m2, có chiều cao 28 tầng nổi và 2 tầng hầm (chưa kể 1 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái). Tập đoàn Trường Tiền cho biết đã nhận chuyển nhượng 20% cổ phần dự án từ Công ty Cổ phần địa ốc C&T vào tháng 8/2018 và được uỷ quyền đại diện 20% vốn góp của C&T tại dự án Sky Garden Định Công.
Thực tế, dự án chung cư Sky Garden Định Công đã ngừng thi công từ 2013 sau bê bối khi Tổng giám đốc Công ty cổ phần thép Vân Thái – Vinashin (nắm 55% vốn) Hồ Anh Thái bỗng nhiên “mất tích”. Thời gian qua, không có bất kỳ thông tin nào về chủ đầu tư dự án này có liên quan đến Tập đoàn Trường Tiền.
Dự án Sky Garden Định Công vẫn chưa được triển khai thi công sau khi Trường Tiền tuyên bố nắm 40% dự án. |
Còn Công ty TNHH Định Công là chủ đầu tư của dự án Sky Garden Định Công đã ngừng hoạt động kinh doanh từ năm 2016 mà không thông báo với cơ quan thuế. Tháng 11/2017, Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội) đã có thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi giấy chứng nhân đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH Định Công.
“Bóng” tập đoàn đa cấp biến tướng trở lại
Với việc quảng cáo rầm rộ đầu tư vào các dự án bất động sản nghìn tỉ tại nhiều địa phương, Trường Tiền Group đã liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo hoành tráng nhằm thu hút khách hàng. Công tu cũng rầm rộ tuyển nhân viên, xây dựng hệ thống mạng lưới nhà đầu tư tham gia góp vốn và đồng thời đi mời chào người dân góp vốn. Trong khi các dự án bất động sản còn chưa rõ ràng về mặt pháp lý, chưa được cấp phép đầu tư thì những thông tin quảng cáo kiểu “lập lờ đánh lận con đen” của Trường Tiền Group có thể gây hiểu lầm cho khách hàng.
Hơn nữa, khách hàng có thể “sập bẫy” của các cò đất, môi giới bán nhà để nộp tiền đặt chỗ, hay góp vốn vào dự án chưa rõ ràng về pháp lý của doanh nghiệp, sẽ đối mặt với nguy cơ mất trắng tiền. Bài học đau xót mới đây là Công ty địa ốc Alibaba lừa bán đất ma, huy động vốn trái phép từ người dân với hứa hẹn trả lãi suất cao. Kết cục cay đắng là hơn 6.000 người đã Alibaba bị lừa đảo, chiếm đoạt tới 2.500 tỉ đồng.
Thực tế này cũng dấy lên lo ngại rủi ro khi hoạt động huy động vốn “núp bóng” mô hình kinh doanh đa cấp với quy trình trả thưởng nhị phân cho các hệ thống của Trường Tiền đang diễn ra công khai tại nhiều địa phương dù công ty này không có giấy phép hoạt động đa cấp.
Được biết, nhiều lãnh đạo của Trường Tiền Group từ là các thủ lĩnh của một số công ty đa cấp tai tiếng. Đơn cử, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc, nguyên là thủ lĩnh Công ty đa cấp Liên Kết Việt mà cả dàn lãnh đạo chủ chốt công ty này dính bê bối lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ông Trần Bình Luận, Tổng giám đốc, cũng từng là thủ lĩnh cao cấp của Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy. Sau khi công ty này xin “khai tử” vào năm 2017, hơn 17.000 người tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp lớn nhất này vẫn chưa rút được tiền đầu tư, nguy cơ mất trắng là thấy rõ.
Ông Khiếu Xuân Khương, Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Tiền đang điều hành hệ thống huy động vốn lãi suất cao. |
Một lãnh đạo chủ chốt khác là ông Khiếu Xuân Khương – Tổng giám đốc Trường Tiền Group là Chủ tịch Công ty Gold Garden (nay là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Trường Tiền Holdings) đang mở văn phòng huy động vốn ở nhiều địa phương. Gold Garden đã tổ chức các hội nghị đầu tư để giới thiệu những gói đầu tư tài chính có lãi suất từ 3-5%/tháng, càng đầu tư gói lớn thì lãi suất càng cao. Đặc biệt, công ty đưa ra chính sách lợi nhuận giai đoạn đầu 6-7% một tháng, đáo hạn hợp đồng trong 7-10 ngày sẽ hoàn tiền gốc, đã đánh vào lòng tham của nhiều người.
Để nhanh chóng phát triển mạng lưới, công ty này còn đưa ra mức thưởng “nóng” cho mạng lưới huy động vốn ở mức 8% giá trị hợp đồng đầu tư, kèm điều kiện bắt buộc là nhân viên môi giới/tư vấn phải tham gia mạng lưới của công ty.
Từ cái nôi của các công ty đa cấp bị “khai tử”, vi phạm pháp luật, liệu rằng hệ thống kinh doanh huy động vốn của Trường Tiền, Gold Garden có tiếp diễn những chiêu trò đa cấp, biến tướng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân không, là điều cần được làm rõ?
Theo Xuân Huy/Kinh tế Môi trường