Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

5 huyện ngoại thành Hà Nội lên quận, kịch bản sốt đất có lặp lại?

DTVN 17:21 05/02/2020

Huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025 đem lại tác động tích cực cho thị trường BĐS, khu vực lân cận có xu hướng tăng nhưng nhà đầu tư cũng cần đề phòng sốt ảo.

Cuối năm 2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành 4 Quyết định phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025.

Trước đó, cuối năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020.

Giá đất vị trí đắc địa có thể tăng đến 60%

Khảo sát tại một số văn phòng nhà đất, phóng viên ghi nhận được giá đất thổ cư, nhà riêng tại các khu vực này đang tăng nhẹ.

Tại Đông Anh, khảo sát trên các web mua bán bất động sản, đất nền tại đây giai đoạn từ năm 2015 tới đầu năm 2020 đã tăng thêm 40%, một số khu vực gần các dự án bất động sản lớn tăng từ 50 - 60%. Hiện nay, mức giá đất ở đây dao động từ 20 - 170 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào vị trí.

Giá đất tại huyện Đan Phượng, vị trí mặt đường các trục đường chính dao động khoảng từ 55-70 triệu đồng/m2. Đất thổ cư trong làng khoảng từ 10-25 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Nếu so với thời điểm đầu 2015, giá đất hiện tại tăng khoảng hơn 30-40%.

Cụ thể, giá nhà đất bình quân của Gia Lâm dao động từ 15 - 60 triệu đồng, tùy từng khu vực và vị trí. Trong khi đó, vào năm 2015, giá đất bình quân của Gia Lâm chỉ từ 10 - 30 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, giá đất tại 2 huyện Hoài Đức và Thanh Trì không có nhiều biến động trong năm 2019. Ngay cả khi Hà Nội có quyết định đưa Hoài Đức lên quận vào năm 2020 và Thanh Trì lên quận vào năm 2025, giá đất ở tương đối ổn định, tăng bình quân dưới 3 - 10% ở các trục đường lớn.

Cụ thể, giá đất ở bình quân tại khu vực Thanh Trì dao động từ 15 - 70 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí. Trong đó, khu vực “hot” nhất Thanh Trì là mặt đường khu vực Ngọc Hồi - Văn Điển, mức giá dao động từ 50 - 80,5 triệu đồng/m2.

Một số khu vực khác như Tả Thanh Oai từ 15 - 45 triệu đồng/m2; Cầu Bươu từ 20 - 50 triệu đồng/ m2; Cổ Điển A dao động từ 45 - 60 triệu đồng/m2;...

Cuối cùng là Hoài Đức. So với 3 huyện còn lại, Hoài Đức là huyện đầu tiên đủ tiêu chuẩn để lên quận vào năm 2020. Chính vì lý do đó, giá đất ở tại Hoài Đức đã ổn định hơn, mức tăng ở Hoài Đức trong năm 2019 khoảng 3 - 5% so với năm 2018.

Giá đất ở bình quân tại Hoài Đức dao động 20 - 100 triệu đồng. Khu vực được nhiều nhà đầu tư lựa chọn là ven Quốc lộ 32 hoặc khu vực trung tâm thị trấn Trôi, mức giá dao động từ 40 - 100 triệu đồng/m2 đối với mặt đường, 20 - 50 triệu đồng đối với mặt ngõ.

Một chuyên viên tư vấn bất động sản cho biết: “Các huyện ngoại thành Hà Nội như: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh hay Thanh Trì nằm trong danh sách được lên quận trong thời gian tới khiến thị trường “nóng” hơn hẳn. Đặc biệt, các khu vực này đều không quá xa trung tâm thành phố. Vì vậy, so với các huyện xa hơn như: Phúc Thọ, Sơn Tây, Thường Tín, Sóc Sơn, Ba Vì,... các huyện này được nhiều người lựa chọn đầu tư, giá đất tăng cũng là điều dễ hiểu”.

Nhà đầu tư cần nắm bắt nhu cầu thực tế của thị trường

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Hà Nội – Công ty chuyên nghiên cứu về thị trường bất động sản (BĐS)nhận định việc “nâng cấp” 5 huyện lên quận là tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Hà Nội

Tuy nhiên, cần lưu ý lộ trình 4 huyện mới có quyết định lên quận sẽ diễn ra từ nay đến 2025. Có nghĩa phải mất vài năm để thị trường bất động sản phản ánh rõ rệt sự thay đổi, khác biệt lên giá bất động sản.

Bà Hằng cho rằng, nếu người dân mua đất để ở thì không có nhiều rủi ro, nhưng đối với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường, nếu muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn cần hết sức cẩn trọng với các cơn sốt đất và rủi ro thanh khoản của khoản đầu tư của mình. An toàn hơn là nên có tầm nhìn từ trung đến dài hạn, nhưng cũng cần có một mức lợi nhuận kỳ vọng hợp lý. Mức lợi nhuận trung bình hàng năm có thể không quá lớn, nhưng nếu mức này cao hơn hẳn lãi suất ngân hàng để phản ánh mức rủi ro cao hơn của hoạt động đầu tư bất động sản tại các huyện này thì đây vẫn có thể là một khoản đầu tư hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng, thị trường tại 5 huyện được đề xuất lên quận gây chú ý bởi đây đều là những địa phương đang tập trung rất nhiều dự án lớn. Tuy nhiên, giá trị đất đai luôn tăng theo giá trị đầu tư. Đi kèm với đất là cơ sở hạ tầng phù hợp mới nâng cao được giá trị của đất, chứ không phải từ một huyện lên thành quận là giá trị của đất đã tăng theo.

Theo ông Đính, trước khi quyết định xuống tiền, các nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ về thực trạng hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội, dịch vụ tại khu vực đó. Đặc biệt là các thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển, kinh tế theo chủ trương của địa phương và đánh giá khả năng triển khai thực hiện dự án.

Ngoài ra, việc định giá trị bất động sản phải dựa trên nguyên tắc thực tế, nhu cầu thực sự của thị trường tránh những giao dịch ảo, rủi ro trong đầu tư.

“Hơn 10 năm trước tại Hoài Đức, Mê Linh cũng rầm rộ chuyện tăng giá đất nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có đầu tư gì thêm. Hiện tại, nhiều dự án đã hoang hoá, vậy nên đừng nghĩ đến chuyện đất lên giá khi chưa có sự đầu tư đồng bộ. Tại Đông Anh vẫn là đại công trường, tất cả dự án vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, ngoài khu vực cầu Nhật Tân và trục QL5 mới còn lại vẫn mênh mông ruộng đồng”, ông Đính nhận định.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/5-huyen-ngoai-thanh-ha-noi-len-quan-kich-ban-sot-dat-co-lap-lai-d69711.html

Bạn đang đọc bài viết 5 huyện ngoại thành Hà Nội lên quận, kịch bản sốt đất có lặp lại? tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị